Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 24/01/2025 00:01
Thứ ba, 04/06/2024 15:06
TMO - Cần giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn, trong đó chuyển đổi từ nền nông nghiệp dùng nước không mất phí để tính toán lại. Bởi khi sử dụng nước tự nhiên tràn lan, nước hết thì lại khai thác nước ngầm, trở thành vòng luẩn quẩn.
Theo đó, phát biểu ý kiến trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường tại Quốc hội vào sáng 4/6 khi đại biểu Quốc hội đặt vấn đề hơn 1.000 hồ, đập bị xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông nông (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết, hạn mặn đã gây không ít khó khăn cho người dân trong thời gian qua.
Theo ông Hoan, sau chuyến thị sát vừa qua, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT trình một đề án tổng thể chiến lược về hạn hán, xâm nhập mặn, khan hiếm nước ở ĐBSCL vào tháng 9 tới. Thế giới được đánh giá đang ở trong kỷ nguyên khô hạn, mang tính toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.
Bộ trưởng NN&PTNT cho biết, cách thức sử dụng nước sẽ tác động đến số lượng và chất lượng nước. Trong khi đó, chúng ta chưa bao giờ xem nước là một tài nguyên bởi mọi người vẫn nghĩ nước là vô hạn. Nhưng thực tế, đứng trước vấn đề biến đổi khí hậu, cách thức khai thác, sử dụng đã khiến nước trở thành tài nguyên hữu hạn. Có lẽ chúng ta nên có tuyên ngôn với người dân rằng: Chúng ta không phải quốc gia dư thừa nước và nước sẽ ngày càng khan hiếm hơn. Do đó, cần giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn, trong đó chuyển đổi từ nền nông nghiệp dùng nước không mất phí để tính toán lại. Bởi khi sử dụng nước tự nhiên tràn lan, nước hết thì lại khai thác nước ngầm, trở thành vòng luẩn quẩn.
Về an toàn hồ đập, theo Bộ trưởng NN&PTNT, Bộ này đang quản lý 5 hồ lớn và 25 hồ liên quan nhiều tỉnh, đều an toàn. Còn gần 900 hồ vừa và nhỏ cũng phân loại theo phân cấp, một số địa phương do nguồn lực hạn chế nên đã trình Thủ tướng có đề án tổng thể để có giải pháp. Những hồ thủy lợi đều có sinh cảnh đặc biệt nên có thể tận dụng để làm du lịch và nuôi cá trên lòng hồ. Chỉ có như vậy mới có thể tăng nguồn lực để bảo hành, bảo trì.
(Ảnh minh họa)
Nguy cơ mất an toàn từ hơn 1.000 hồ đập
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, trên cả nước có khoảng 40.200 công trình khai thác, sử dụng nước (29.860 công trình khai thác nước mặt: 6.750 hồ thủy lợi, gần 600 hồ thủy điện, 3.659 đập dâng, còn lại là các công trình cống, trạm bơm và các công trình khác; khoảng 10.346 công trình khai thác nước dưới đất). Tuy nhiên, đối với các hồ đập thuỷ lợi nhỏ, phần lớn do các xã, hợp tác xã, nông trường đầu tư xây dựng từ những năm 1970 đến 1980, trong điều kiện thiếu kinh phí, trình độ kỹ thuật hạn chế nên chất lượng thiết kế, thi công chưa phù hợp, không có hồ sơ thiết kế, thiếu kinh phí bảo trì nên bị hư hỏng, xuống cấp, suy giảm năng lực, hiệu quả phục vụ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Trả lời chấp vấn của đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) về thực tế các hồ chứa nước thiếu kinh phí nâng cấp, cải tạo cũng như giải pháp của thực trạng này. Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, thống kê có 6.750 hồ thủy lợi, trong đó hơn 1.000 hồ được xây dựng từ lâu, nguy cơ mất an toàn hồ đập rất lớn. Nếu sửa sửa, nâng cấp, cải tạo những hồ thủy lợi này, phải dành nguồn lực rất lớn. Trong khi đó, nhiều khu vực nắng nóng như miền Trung, nếu không có hồ thủy lợi chắc chắn sẽ hạn hán. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để rà soát lại để nâng cấp các hồ, đập nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, vì mất an toàn hồ đập rất nguy hiểm.
THIÊN LÝ
Bình luận