Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 24/01/2025 12:01
Thứ hai, 25/03/2024 19:03
TMO – Việc điều tra, đánh giá tiềm năng cát, sỏi lòng sông, ven biển tại các địa phương trên cả nước nói chung và TP. Hải Phòng nói riêng là nhiệm vụ cần hoàn thành trước năm 2030.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường khu vực cửa sông, ven biển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Riêng đối với TP. Hải Phòng, công tác điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường khu vực cửa sông, ven biển sẽ được thực hiện theo Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 680/2023/QĐ-TTg.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm của Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030 là điều tra địa chất, đánh giá tài nguyên khoáng sản biển; Đánh giá tiềm năng khoáng sản phần đất liền các khu vực có triển vọng mới phát hiện, có quy mô lớn, cần thiết và có nhu cầu cao đối với kinh tế - xã hội, điều kiện khai thác thuận lợi gồm than (than đá, than nâu), cát sỏi lòng sông, đá làm ốp lát, cát trắng silic, đá làm vôi công nghiệp, một số khoáng sản kim loại quan trọng. Đồng thời, tăng cường năng lực thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ điều tra địa chất, đánh giá tiềm năng khoáng sản; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về địa chất, khoáng sản, chuyển đổi số và lồng ghép, tích hợp với cơ sở dữ liệu chung của lĩnh vực tài nguyên và môi trường… Như vậy, điều tra, đánh giá tiềm năng cát, sỏi lòng sông, ven biển tại các địa phương nói chung và Hải Phòng nói riêng là nhiệm vụ cần hoàn thành trước năm 2030.
(Ảnh minh họa)
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nhiệm vụ đánh giá tiềm năng tài nguyên cát, sỏi lòng sông, cửa sông và vùng ven biển thành phố Hải Phòng sẽ được thực hiện trong 3 đề án, gồm: Đề án điều tra, đánh giá tiềm năng cát, cuội, sỏi lòng sông phục vụ phát triển kinh tế xã hội; Đề án điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản vật liệu xây dựng vùng biển ven bờ độ sâu lớn hơn 20m nước; Đề án điều tra địa chất, khoáng sản, địa chất môi trường và tai biến địa chất vùng biển Hải Phòng - Nga Sơn từ 0-30m nước, tỉ lệ 1: 100.000.
Trước đó, ngày 10/6/2023, Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu hoàn thành lập bản đồ địa chất khoáng sản tỉ lệ 1:50.000, đánh giá tiềm năng khoáng sản phần đất liền; điều tra tai biến địa chất, địa chất môi trường, khoáng sản độc hại, phóng xạ, địa chất đô thị, di sản địa chất; điều tra, phát hiện khoáng sản tại vùng biển, đảo, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; cập nhật, tích hợp kịp thời thông tin, kết quả điều tra địa chất và khoáng sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia.
Mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 80% diện tích lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền; hoàn thành điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản tại các cấu trúc có triển vọng ở các khu vực Tây Bắc, Trung Trung Bộ. Điều tra, khoanh vùng cảnh báo trượt lở đất đá, lũ quét tại các tỉnh miền núi có nguy cơ cao; điều tra, lập bản đồ địa chất môi trường các khu vực chứa khoáng sản độc hại, phóng xạ. Điều tra đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình, địa động lực và tài nguyên, môi trường vùng biển ven bờ tỷ lệ 1:100.000; điều tra địa chất, khoáng sản một số khu vực biển đến độ sâu 300 m nước và 1.500 m tỷ lệ 1:500.000. Đánh giá tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị.
Quy hoạch đề ra các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Quy hoạch gồm: Lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền; bay đo địa vật lý; điều tra di sản địa chất; điều tra địa chất, đánh giá tài nguyên khoáng sản biển; điều tra chi tiết tai biến địa chất (trượt lở, lũ ống, lũ quét) tại các vùng miền núi có nguy cơ cao; điều tra chi tiết địa chất môi trường tại các khu vực có khoáng sản độc hại; điều tra địa chất đô thị các thành phố trực thuộc trung ương. Bên cạnh đó, đánh giá tiềm năng khoáng sản phần đất liền các khu vực có triển vọng mới phát hiện, có quy mô lớn, cần thiết và có nhu cầu cao đối với kinh tế - xã hội, điều kiện khai thác thuận lợi gồm than (than đá, than nâu), cát sỏi lòng sông, đá làm ốp lát, cát trắng silic, đá làm vôi công nghiệp, một số khoáng sản kim loại quan trọng (urani, thori, đất hiếm và kim loại hiếm, thiếc, wolfram, đồng, vàng,...).
Tăng cường năng lực thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ điều tra địa chất, đánh giá tiềm năng khoáng sản; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về địa chất, khoáng sản, chuyển đổi số và lồng ghép, tích hợp với cơ sở dữ liệu chung của lĩnh vực tài nguyên và môi trường; kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ kỹ thuật địa chất tinh gọn, có năng lực chuyên môn cao. Quy hoạch cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản gồm chủ yếu các nhiệm vụ thuộc nhóm các nhiệm vụ đánh giá tiềm năng khoáng sản (trừ khoáng sản urani, thori), được thực hiện theo quy định của Luật khoáng sản.
QUỲNH VÂN
Bình luận