Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 05:11
Thứ ba, 11/07/2023 20:07
TMO – Ngành đường sắt hiện đang có khoảng 140 đầu máy có thời gian sử dụng trên dưới 40 năm. Tuy nhiên, theo đánh giá những đầu máy này “vẫn đang sử dụng tốt”, do đó, đề xuất tiếp tục đưa vào khai thác đến hết năm 2030.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định mới liên quan đến quy định về niên hạn sử dụng đầu máy và toa xe đường sắt. Trong đó có nội dung đề xuất cho phép các phương tiện đường sắt hết niên hạn sử dụng có thể tiếp tục hoạt động đến hết ngày 31/12/2030. Theo Nghị định 65/2018, niên hạn sử dụng của đầu máy và toa xe chở khách là 40 năm, trong khi toa xe chở hàng là 45 năm và lộ trình này đã bắt đầu áp dụng từ năm 2020.
Tuy nhiên, theo lý giải của đơn vị chuyên môn, vì tác động của dịch bệnh Covid-19, hoạt động vận tải đường sắt bị tạm ngừng trong khi đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đối mặt với nhiều khó khăn về sản xuất kinh doanh. Với mục tiêu giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2022 điều chỉnh lộ trình niên hạn của phương tiện đường sắt, bắt đầu áp dụng từ ngày 31/12/2020 được kéo dài đến ngày 31/12/2023.
Hơn 100 đầu máy tàu hỏa hết niên hạn sử dụng vẫn được đề xuất tiếp tục vận hành khai thác. Ảnh minh họa.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), hiện có khoảng 140 đầu máy đường sắt có thời gian sử dụng trên dưới 40 năm, nhưng vẫn đang hoạt động tốt. Ví dụ, có 31 đầu máy D9E của Mỹ, chế tạo từ năm 1963; 16 đầu máy D18E của Bỉ, chế tạo năm 1983; 30 đầu máy D10H do Trung Quốc chế tạo trong các năm 1978, 1979, 1983 và 1984. Về phần toa xe, VNR hiện đang quản lý khai hác hơn 1.400 toa xe hàng và 168 toa xe khách đã vượt quá niên hạn sử dụng 40 năm, cùng với khoảng 590 toa xe hàng và 100 toa xe khách đã hoạt động từ 30-40 năm. Nếu quy định về lộ trình niên hạn sử dụng đầu máy và toa xe là 40 năm, toa xe hàng là 45 năm, VNR ước tính đến ngày 31/12/2025 sẽ phải ngừng hoạt động khoảng 114 đầu máy, 1.472 toa xe hàng và 168 toa xe khách.
Lợi nhuận sau thuế vẫn lỗ
Năm 2022, doanh thu của VNR đạt hơn 7.718 tỷ đồng, bằng 113,8% so cùng kỳ và đạt 115,8% kế hoạch năm. Qua đó, giúp giảm lỗ 407 tỷ đồng so năm 2021, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn âm 130,5 tỷ đồng. Năm 2022, hoạt động của ngành đường sắt vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đặc biệt trong quý I/2022. Tính chung cả năm 2022, hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt đã phục hồi nhưng sản lượng vẫn chưa đạt như mức của năm 2019, trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Vận chuyển hành khách của đường sắt năm 2022 đạt 4,52 triệu lượt hành khách lên tàu, bằng 310,7% cùng kỳ; vận chuyển hàng hoá đạt 5,7 triệu tấn, bằng 100,8% cùng kỳ; luân chuyển đạt 4.624,2 triệu tấn.Km, bằng 109,8% cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ tàu đi đúng giờ đối với tàu khách Thống nhất chạy tuyến Bắc-Nam đạt 98,9%; đến đúng giờ đạt 77,4%. Tàu khách khu đoạn đi đúng giờ đạt 97,7% (tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2021); đến đúng giờ đạt 84,6% (tăng 3,6% so cùng kỳ năm 2021).
VĂN NHI
Bình luận