Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 10:11
Thứ sáu, 18/08/2023 18:08
TMO – Sở Công Thương các địa phương cần đôn đốc các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn có phương án về nguồn hàng thóc, gạo để đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá thóc, gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước.
Trong Chỉ thị mới đây về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước, Bộ Công Thương yêu cầu Vụ Thị trường trong nước có trách nhiệm theo dõi sát tình hình thị trường, chủ động chỉ đạo Sở Công Thương địa phương có phương án chuẩn bị nguồn cung, đảm bảo chất lượng và cân đối cung cầu mặt hàng gạo tại thị trường trong nước, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, góp phần bình ổn giá gạo nói riêng và giá lương thực nói chung, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao nhiệm vụ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương rà soát tình hình sản xuất thóc, gạo tại địa phương thông tin tới Bộ Công Thương về sản lượng, chủng loại thóc, gạo hàng hóa tồn đọng và dự kiến năng suất, sản lượng thu hoạch trên địa bàn.
(Ảnh minh họa)
Đôn đốc các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn có phương án về nguồn hàng thóc, gạo để đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá thóc, gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước. Chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết.
Sở Công Thương địa phương cũng cần chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương thông tin tình huống phát sinh tại địa phương đề xuất giải pháp liên quan để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo và đảm bảo an ninh lương thực. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường gạo thế giới, dự báo nhu cầu nhập khẩu của các thị trường; diễn biến tình hình thị trường trong nước (giá thóc, gạo nội địa, lượng gạo tồn kho,...), chủ động phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đề xuất các biện pháp xử lý đảm bảo an ninh lương thực và hiệu quả trong xuất khẩu gạo.
Chú trọng tăng cường công tác thông tin diễn biến tình hình thị trường gạo thế giới đến các hội viên xuất khẩu và các địa phương liên quan, bảo đảm các thông tin chính xác, kịp thời, góp phần tạo cơ sở định hướng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của thương nhân và của người sản xuất.
Các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất và duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP. Chủ động theo dõi sát tình hình thương mại gạo thế giới, động thái của các nước xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ của các nước nhập khẩu, trao đổi cùng Hiệp hội để xây dựng phương án tổ chức sản xuất, giao dịch, đàm phán đảm bảo hiệu quả xuất khẩu./.
THIÊN LÝ
Bình luận