Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 14:11
Thứ năm, 21/11/2024 06:11
TMO - Để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi, bùng phát; Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận yêu cầu Sở Y tế triển khai và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, thực hiện các chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh; không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng…
Trong 1 tháng, số ca mắc bệnh sởi có xu hướng tăng vọt tại Bình Thuận. Sự gia tăng này đã đặt ra nhiều lo ngại trong cộng đồng, đáng chú ý là các trường học, nhóm trẻ…. Do đó, ngành Y tế tỉnh tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, hạn chế sự lây lan trong trường học và bùng phát trong cộng đồng.
Thống kê cho thấy, 8 tháng của năm 2024, Bình Thuận ghi nhận 12 ca bệnh sởi. Tháng 9-10/2024, địa phương ghi nhận hơn 140 ca. Tính đến ngày 7/11/2024, tình hình bệnh sởi tại tỉnh Bình Thuận đang gia tăng đáng lo ngại, với tổng cộng 157 ca bệnh được ghi nhận. Sự gia tăng mạnh của dịch bệnh diễn ra chủ yếu trong tháng 10, với 121 ca mắc, chiếm gần 80% tổng số ca bệnh của năm nay.
Các địa phương có số ca mắc cao nhất là Tuy Phong (55 ca), Phan Thiết (45 ca), và Hàm Tân (16 ca). Trong đó, nhiều ca bệnh liên quan dịch tễ đến các điểm trường học, các xã, phường và thị trấn trong cùng khu vực. Đáng chú ý, ghi nhận nhiều ca mắc có liên quan dịch tễ với nhau tại các điểm trường học, các xã, phường, thị trấn trên cùng địa bàn. Theo Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, nguyên nhân bệnh sởi gia tăng là do một bộ phận người dân ở địa phương đưa con đi khám bệnh tại bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh - vùng công bố dịch dẫn đến nguy cơ lây lan virus từ vùng có dịch.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh thấp cũng khiến bệnh sởi gia tăng. Qua thống kê, hơn 90% ca mắc bệnh thuộc nhóm trẻ chưa được tiêm vaccine từ các năm trước... Các trường học, đặc biệt là các trường mẫu giáo và mầm non, là những môi trường có nguy cơ cao lây lan bệnh. Dịch sởi tại Việt Nam có chu kỳ bùng phát khoảng 5 năm, với các đợt dịch lớn xảy ra vào các năm 2014, 2019 và hiện tại là 2024.
Hơn thế nữa, số ca mắc sởi rơi vào những trẻ chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm không đầy đủ. Khoảng 90,38% ca mắc bệnh thuộc nhóm trẻ chưa được tiêm vắc xin từ các năm trước. Cụ thể, nhóm trẻ từ 1-4 tuổi với 35,62% và từ 5-9 tuổi, với 28,85% chưa tiêm vắc xin phòng bệnh. Bên cạnh đó, tình trạng xét nghiệm và kết quả xét nghiệm bệnh sởi ở một số khu vực chưa được thực hiện nhanh chóng, khiến việc phát hiện sớm các ca bệnh gặp khó khăn. Thời gian từ khi lấy mẫu đến khi có kết quả xét nghiệm kéo dài, ít nhiều cũng làm trì hoãn công tác phòng chống dịch và xử lý ổ dịch kịp thời.
Để ứng phó với tình hình dịch sởi đang bùng phát mạnh, Sở Y tế tỉnh Bình Thuận đã có văn bản gửi các sở, ngành, địa phương, đơn vị tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn.
Cần giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho học sinh để phòng chống bệnh sởi. (Ảnh minh hoạ).
Theo đó, ngành Y tế phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tăng cường truyền thông về bệnh sởi trong trường học và cộng đồng; vận động đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch. Các cơ sở giáo dục, đặc biệt là trường mẫu giáo và mầm non triển khai phòng, chống sởi theo khuyến cáo của ngành Y tế. Ngành Y tế đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh.
Đồng thời tăng cường tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh sởi, triệu chứng, đường lây truyền, cách phát hiện và phòng ngừa bệnh để người dân chủ động phòng bệnh cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp, chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố triển khai phòng, chống dịch bệnh.
Đặc biệt không để dịch bệnh lây lan, bùng phát. Đồng thời chủ động giám sát, phát hiện sớm, cách ly điều trị, phòng chống lây nhiễm, xử lý ổ dịch kịp thời; thường xuyên đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình và đề xuất giải pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả.
Bên cạnh đó, ngành Y tế Bình Thuận cần tiếp tục thực hiện rà soát đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, vắc xin, thiết bị, nhân lực,... phục vụ cho các hoạt động phòng, chống dịch theo phương châm 04 tại chỗ. Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, tập trung vào khu vực có ghi nhận trường hợp mắc bệnh, các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng.
Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế và các đơn vị liên quan trong giám sát, phát hiện, điều tra người mắc bệnh sởi, các biện pháp xử lý ổ dịch, hướng dẫn các biện pháp kiểm soát lây nhiễm… .
Theo Bộ Y tế, bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô hấp qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh. Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học...có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi. Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95%.
Do đó, để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo cần chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ. Người dân hạn chế tụ tập đông người, trường hợp trẻ có các triệu chứng như sốt, phát ban... phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Trang Anh
Bình luận