Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 13:11
Thứ sáu, 09/08/2024 14:08
TMO - UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu UBND một số huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh khẩn trương chỉ đạo hoàn thành dứt điểm di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề với các hộ thu mua, buôn bán, tập kết phế liệu nhỏ lẻ trong khu dân cư.
Thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh quan tâm và lo lắng về các điểm thu mua phế liệu tồn tại trong khu dân, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn. Trước thực tế này, UBND tỉnh yêu cầu, UBND các huyện: Đức Linh, Hàm Tân, Phú Quý, Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết khẩn trương chỉ đạo các đơn vị có liên quan hoàn thành dứt điểm việc di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề đối với các hộ còn thu mua, buôn bán, tập kết phế liệu nhỏ lẻ trong khu dân cư theo quy định.
UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các địa phương khẩn trương chỉ đạo hoàn thành dứt điểm di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề với các hộ thu mua, buôn bán, tập kết phế liệu nhỏ lẻ trong khu dân cư.
Các địa phương kiên quyết không để xảy ra tình trạng tái hoạt động hoặc phát sinh mới các điểm thu mua, tập kết phế liệu trong khu dân cư. Định kỳ hàng quý, các địa phương phải có báo cáo kết quả thực hiện gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh. UBND thành phố Phan Thiết tiếp tục theo dõi việc chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã ban hành. Nếu các đối tượng không chấp hành thì tiến hành cưỡng chế thực hiện quyết định xử phạt theo đúng quy định của pháp luật.
Thời gian qua, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế, ngăn chặn tình trạng tái hoạt động, phát sinh mới các điểm thu mua, tập kết phế liệu trong khu dân cư theo chỉ đạo của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra việc áp dụng biện pháp xử lý, chế tài theo quy định pháp luật gặp những khó khăn. Nguyên nhân do các chế tài, quy định xử phạt trong lĩnh vực này vẫn chưa cụ thể khiến cách xử lý của các địa phương vẫn còn lúng túng.
Tại TP.Phan Thiết, các cấp chính quyền thành phố đã tăng cường tuyên truyền, vận động các điểm thu mua, tập kết phế liệu di dời ra khỏi khu dân cư. UBND thành phố chỉ đạo các phường, xã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và cho các hộ dân ký cam kết ngưng hoạt động và di dời toàn bộ phế liệu ra khỏi khu dân cư.
UBND TP.Phan Thiết cho biết, trước đây toàn thành phố có 113 cơ sở thu mua phế liệu tích trữ nhiều ngày gây bức xúc, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Thành phố Phan Thiết đã di dời dứt điểm 113 cơ sở này ra khỏi khu dân cư vào năm 2020. Tuy nhiên, sau đó phát sinh 4 điểm thu mua phế liệu, máy móc, phụ tùng xe cũ bán trong ngày đã gây khó khăn trong việc áp dụng chế tài xử phạt có tính răn đe, dứt điểm và đúng với quy định của pháp luật hiện hành.
Thời gian tới, UBND thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ sớm di dời dứt điểm các điểm tập kết, thu mua phế liệu ra khỏi khu dân cư. Quá trình thực hiện, chính quyền thành phố căn cứ theo điều kiện thực tế, hoàn cảnh kinh tế của các hộ kinh doanh phế liệu để có phương án phù hợp.
Cơ sở thu mua phế liệu là máy móc cũ. Ảnh: TD.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận về việc di dời các điểm thu mua, tập kết phế liệu ra khỏi khu dân cư tập trung, UBND huyện Tánh Linh đã triển khai nhiều giải pháp để di dời các điểm thu mua, tập kết phế liệu ra khỏi khu dân cư, trong đó có các điểm thu mua, tập kết nhỏ lẻ tái hoạt động.
Cụ thể, UBND huyện Tánh Linh đã giao cho Chủ tịch UBND các xã, thị trấn có điểm thu mua, tập kết phế liệu còn hoạt động trong khu dân cư thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân di dời, chuyển đổi nghề nghiệp; đồng thời, giao cho các ngành chức năng đôn đốc, giám sát và thành lập Tổ kiểm tra để yêu cầu ngừng hoạt động đối với các hộ thu mua, tập kết phế liệu trong khu dân cư. Tính đến ngày 13/6, huyện Tánh Linh đã hoàn thành việc di dời các điểm thu mua, tập kết phế liệu trong khu dân cư.
Tuy nhiên, UBND huyện Tánh Linh cũng cho biết, thực tế hiện nay các hộ thu gom phế liệu trên địa bàn huyện trong thời gian qua đa phần có điều kiện kinh tế khó khăn, việc thực hiện chủ trương chủ yếu trên cơ sở vận động, tuyên truyền; chưa có quy định về xử lý vi phạm liên quan đến các hoạt động thu mua phế liệu trong khu dân cư nên chưa có tính răn đe gây khó khăn trong công tác quản lý, vận động di dời. Do đó, UBND huyện Tánh Linh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận xem xét, có hướng dẫn về quản lý, xử lý hoạt động thu mua, tập kết phế liệu trong khu dân cư.
Theo UBND huyện Tánh Linh, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý đối với các cơ sở thu mua, tập kết phế liệu trong khu dân cư tái hoạt động; kiên quyết không cấp Giấy đăng ký kinh doanh đối với cơ sở phát sinh mới có liên quan đến hoạt động thu mua, tập kết phế liệu trong khu dân cư.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, đến nay, huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam đã hoàn thành di dời 100% các cơ sở tập kết phế liệu ra khỏi khu dân cư. Các huyện Đức Linh, Hàm Tân, Phú Quý, Tuy Phong, thị xã La Gi đã hoàn thành việc di dời các cơ sở thu mua phế liệu quy mô lớn, chỉ còn một số cơ sở nhỏ lẻ thu mua, vận chuyển trong ngày.
Hải Minh
Bình luận