Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 19:11
Thứ sáu, 16/08/2024 15:08
TMO - UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa, lũ năm 2024.
Theo đó, UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê, kè trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra việc chấp hành quyết định cấp phép đối với chủ đầu tư các công trình liên quan đến thủy lợi, đê, kè theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, đôn đốc chủ đầu tư các dự án thủy lợi, đê, kè chỉ đạo nhà thầu thi công tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo chất lượng, an toàn chống lũ, bão và có phương án bảo đảm an toàn cho công trình khi có lũ, bão. Tuyệt đối không thi công các hạng mục công trình chính trong mùa mưa, lũ.
UBND tỉnh cũng đề nghị Sở NN&PTNT tổ chức đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi; tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định phương án tích nước đối với các đập, hồ chứa nước do UBND tỉnh quản lý. Phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi rà soát, lập danh mục các hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn, khái toán kinh phí thực hiện báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu bố trí nguồn vốn thực hiện. Cùng với đó, khẩn trương đôn đốc UBND huyện Đức Linh xây dựng quy trình vận hành các cống dưới tuyến đê bao Võ Xu, phê duyệt để tổ chức thực hiện trong năm 2024.
UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa lũ.
Ngoài ra, UBND tỉnh giao các sở, ngành liên quan phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố nơi có hồ chứa thủy lợi, đập dâng quy mô lớn kiểm tra, kịp thời xử lý các hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép đất trong hành lang bảo vệ sông, suối vùng hạ du hồ chứa, đập dâng vào mục đích khác, gây cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ của công trình. Tăng cường đầu tư phát triển mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trong phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, vận hành đập, hồ chứa thủy lợi trong mùa mưa, lũ.
Trên cơ sở danh mục các hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí vốn đầu tư công và các nguồn vốn hợp pháp khác để ưu tiên đầu tư nâng cấp, sửa chữa theo quy định…
Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có 40 hồ chứa thủy lợi các loại đang khai thác sử dụng, dung tích toàn bộ 441,33 triệu m3, tổng năng lực thiết kế 60.367 ha. Trong đó có 18 hồ chứa nước lớn, 10 hồ chứa nước vừa và 12 hồ chứa nước nhỏ. Trước mùa mưa lũ năm nay, Sở NN&PTNT tỉnh cùng một số đơn vị liên quan đã kiểm tra, đánh giá bằng trực quan về hiện trạng đập, hồ chứa và các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh sau mùa mưa lũ năm 2023 và trước mùa mưa lũ năm 2024.
Ngành chức năng tỉnh tăng cường công tác rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ.
Trong số 40 hồ chứa được kiểm tra, có 16 hồ đạt kết quả đánh giá an toàn. Riêng một số hồ chứa có kết quả đánh giá có nguy cơ mất an toàn cao là hồ Bo Bo, Năm Heo, Suối Đá, Cà Giang, Sông Quao, Giếng Cỏ, Sông Dinh 3, Lâm trường Sông Dinh, Cà Giây, Sông Móng. Đơn cử, có 2 đập bị thấm là đập hồ Cà Giây và đập phụ 3 hồ Sông Quao. Ngoài ra, tình trạng biến dạng mái đập như sạt lở, trượt mái thượng, hạ lưu tại một số hồ khác và tuyến đường quản lý một số hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp gồm Cà Giây, Sông Móng, Suối Đá, Sông Dinh 3.
Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, đối với các hồ chứa hiện nay bị hư hỏng, trước mắt tiến hành sửa chữa các hư hỏng như giặm vá lại mái đập tại các vị trí bị sạt lở, đắp đất hoàn trả các vị trí bị lún, sụt trên mặt đập. Tăng cường theo dõi diễn biến tình hình mưa lũ, lượng dòng chảy đến hồ, tình trạng hoạt động của hồ chứa trong suốt mùa mưa lũ để vận hành, điều tiết nước tại hồ cho phù hợp với diễn biến của tình hình mưa, lũ, bảo đảm an toàn công trình.
Đồng thời kiểm tra, bảo dưỡng, vận hành thử các thiết bị chính và thiết bị dự phòng phục vụ xả lũ, cấp nước, xả cát của các hồ chứa, đảm bảo công trình vận hành bình thường trong mọi điều kiện thời tiết. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng lên phương án bố trí lực lượng bảo đảm đủ năng lực chuyên môn để quản lý, vận hành hồ chứa. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra công trình trước, trong và sau khi xảy ra mưa, lũ nhằm phát hiện sớm, kịp thời xử lý những nguy cơ gây mất an toàn cho công trình.../.
Lê Hằng
Bình luận