Hotline: 0941068156
Thứ năm, 08/05/2025 01:05
Thứ ba, 06/05/2025 14:05
TMO - Trong mùa mưa bão hệ thống cây xanh đô thị luôn tiềm ẩn nguy cơ gãy, đổ, bật gốc, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân và giao thông. Do vậy, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các đơn vị chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ cây xanh cũng như sự an toàn cho cộng đồng.
Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa mưa bão năm 2025, trên khu vực Biển Đông khả năng xuất hiện 11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó khoảng 4-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam (mức độ bão tương đương trung bình nhiều năm) với hầu hết các cơn bão tập trung vào nửa cuối mùa bão. Chủ động ứng phó với thiên tai, tỉnh Bình Dương đẩy mạnh công tác quản lý, đảm bảo an toàn cây xanh trong mùa mưa bão.
Gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ tai nạn đáng tiếc liên quan đến cây xanh ngã đổ trong mùa mưa bão. Trước tình hình trên, ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, quản lý cây xanh đô thị nhằm phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho người dân. Trước đó, vào khoảng 16h30 ngày 10/4/2025, tại đường N2, Khu công nghiệp Nam Tân Uyên I, phường Khánh Bình, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, một cơn mưa dông bất ngờ ập đến, khiến nhiều cây đổ ra đường, đè 1 người tử vong.
Tại huyện Phú Giáo, mưa dông không gây thiệt hại về người nhưng làm 19 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng; 1,5 ha cây cao su, cây ăn trái, rau màu bị ảnh hưởng thiệt hại khoảng 20 - 30%; 2 xe ô tô, 1 xe máy bị hư hỏng; 10 trụ đèn chiếu sáng và 71 cây xanh bị gãy đổ, ước tính thiệt hại về tài sản khoảng 500 triệu đồng.
Theo UBND TP.Tân Uyên, nhằm bảo đảm an toàn về tài sản, tính mạng của người dân, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND xã, phường tăng cường giải pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai. Đồng thời, UBND thành phố cũng yêu cầu Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị thành phố chỉ đạo đơn vị chức năng tổ chức rà soát, cắt tỉa cây xanh đúng kỹ thuật, vừa bảo đảm an toàn, vừa tạo dáng cây xanh hiện hữu; gia cố cọc chống cây để không bị nghiêng ngả, gãy đổ khi có mưa giông lớn.
UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các đơn vị chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cây xanh trong mùa mưa bão.
Tại TP.Thuận An, hiện có gần 8.500 cây xanh đô thị, trong đó có hơn 6.100 cây xanh bóng mát trồng trên vỉa hè, công viên; hơn 2.200 cây xanh trồng trong trường học… Nhằm phòng ngừa cây xanh sâu bệnh có thể dẫn đến gãy đổ gây mất an toàn cho người dân, ngành chức năng TP.Thuận An quan tâm đến công tác quản lý, chăm sóc cây xanh đô thị.
Ngoài cắt tỉa, hạ độ cao cho cây, các đơn vị đang quản lý duy trì hệ thống cây xanh đô thị được yêu cầu tăng cường chằng chống, khắc phục ngay các cọc bị hỏng, mục, cọc chống bị bung vòng thép, đai thép siết chặt vào thân cây không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để cây trồng không bị nghiêng, gãy, đổ khi có gió lớn, mưa bão, dông lốc xảy ra.
Ciệc cắt tỉa, hạ độ cao cho các hàng cây giữa thời điểm nắng nóng gay gắt có thể thiếu đi bóng mát cho người tham gia giao thông, làm việc ngoài đường song là cần thiết trước mỗi mùa mưa, bão. Trong đó, việc cắt tỉa cây xanh, chặt bỏ cành khô, thay thế những cây đã già hoặc đã chết sẽ được thực hiện trong tháng 5, 6 và phải hoàn thành trước khi mùa mưa bão bắt đầu.
Để chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với diễn biến bất thường của thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 22-4-2025 về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh năm 2025.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục chủ động, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, kịp thời thông tin đến người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, rà soát cây xanh trên đường phố, trường học, công viên… để đốn hạ, cắt mé những cây sâu bệnh, có khả năng gãy đổ gây ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của người dân.../.
Thu Hoài
Bình luận