Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ năm, 14/12/2023 14:12
TMO - Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Định vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi địa phương này cần triển khai đồng bộ các giải pháp.
Thông tin từ Chi cục Bảo vệ môi trường Bình Định cho biết, tính đến năm 2022, tổng lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.030 tấn/ngày. Tổng lượng rác thải được thu gom, xử lý trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 705 tấn/ngày, chiếm gần 68,5% tổng lượng rác phát sinh. Trong khi tỷ lệ thu gom rác ở khu vực nông thôn chỉ đạt gần 52,5%. Dự báo đến năm 2025, lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.200 tấn/ngày và đến năm 2030, khoảng 1.500 tấn/ngày.
Tính đến hết tháng 11/2023, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đạt gần 75%, tăng hơn 20% so với năm 2022. Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt khu vực đô thị đạt 85,6%; khu vực nông thôn đạt trên 56,3%. Tổng lượng rác thải sinh hoạt được thu gom trong toàn tỉnh khoảng 761,23 tấn/ngày, chiếm hơn 72% tổng lượng rác phát sinh. Lượng rác thải sinh hoạ được thu gom và xử lý đảm bảo theo quy định (chôn lấp hợp vệ sinh) khoảng 601,74 tấn/ngày, đạt hơn 57,2% (cao hơn 8% so với năm 2022).
Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện có 58 tổ chức, cá nhân tham gia dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt, gồm 7 doanh nghiệp, 9 đơn vị sự nghiệp công ích, 17 HTX và 25 cá nhân. Hiện 4/11 địa phương là thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện Vân Canh có 1 hoặc 2 đơn vị sự nghiệp tham gia dịch vụ thu gom; các địa phương còn lại (nhất là cấp xã) vẫn phổ biến tình trạng chỉ có 1 đơn vị thu gom, vận chuyển.
Công tác thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến, ngăn ngừa tình trạng ùn ứ gây ô nhiễm môi trường.
Tần suất và tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh chuyển biến chậm, đến tháng 10/2023 chỉ đạt 54,8%, tăng hơn 2% so với năm 2022, tuy nhiên chưa đạt mục tiêu tỷ lệ thu gom phải đạt 61% theo Kế hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bình Định giai đoạn 2023- 2025, định hướng đến năm 2030.
Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) Bình Định cho biết, việc hình thành nhiều đơn vị thu gom nhỏ lẻ ở cấp xã do cá nhân đảm nhận, không đảm bảo về nhân lực, phương tiện, kinh phí đã dẫn đến tần suất, tỷ lệ thu gom rác thải ở khu vực nông thôn chưa đạt theo quy định đề ra của tỉnh. Tình trạng chưa có dịch vụ thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt chuyên nghiệp dẫn đến tần suất, tỷ lệ thu gom thấp là khó khăn chung của rất nhiều địa phương cấp xã trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người dân chưa thấy được lợi ích, tầm quan trọng của công tác thu gom, xử lý CTR sinh hoạt tại khu vực nông thôn nên không tham gia dịch vụ này.
Để công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt đảm bảo về tần suất và tỷ lệ theo kế hoạch trong đó khu vực nông thôn đảm bảo ít nhất 2 ngày/lần (4 lần/tuần), các địa phương phải hoàn thành việc tăng tần suất trong quý IV/2023. Bên cạnh đó, các huyện, thị xã cần tổ chức quản lý, vận hành xe ép rác chuyên dụng theo đúng quy định về sử dụng tài sản công. Khẩn trương giao dự toán, đảm bảo kinh phí bổ sung mục tiêu của tỉnh năm 2023 nhằm gia tăng tần suất, tỷ lệ thu gom tại các địa phương.
Ngoài ra, các xã, thị trấn cần chuẩn hóa những điểm tập kết rác. Trong đó, đối với các vị trí không phù hợp, gần khu vực dân cư, phải chấm dứt việc tập kết rác, tổ chức dọn vệ sinh, lắp đặt camera, giao trách nhiệm quản lý, giám sát, nhắc nhở và xử lý vi phạm. Tổ chức lại các điểm thu gom rác công cộng tại các vị trí phù hợp, đặt các thùng rác công cộng, hướng dẫn người dân bỏ rác đúng nơi quy định. Hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom với tần suất theo quy định và kế hoạch đề ra.
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án thu gom, vận chuyển, xử lý cụ thể, chi tiết, phù hợp điều kiện thực tiễn từng địa phương. Trong phương án cần nêu rõ phương thức, số lượng đơn vị thu gom; ưu tiên để đơn vị sự nghiệp công ích, doanh nghiệp, HTX thực hiện. Bên cạnh đó, cơ cấu lại từng khu vực, phương thức thu gom và đặt ra yêu cầu về tần suất, tỷ lệ CTR sinh hoạt được thu gom. Các địa phương xây dựng phương án thu gom, vận chuyển phù hợp; sau đó xây dựng đơn giá trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ và tổ chức đấu thầu/đặt hàng; chỉ đơn vị có đủ năng lực mới tham gia đấu thầu.
Các địa phương cần cơ cấu lại từng khu vực, phương thức thu gom và đặt ra yêu cầu về tần suất, tỷ lệ CTR sinh hoạt được thu gom.
Với mục tiêu giảm tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp, định hướng trong giai đoạn 2025 - 2030 tỉnh Bình Ðịnh sẽ áp dụng công nghệ hiện đại, bền vững để xử lý chất thải rắn sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế-xã hội. Định hướng công nghệ xử lý CTR sinh hoạt tại tỉnh cũng phải ưu tiên công nghệ chế biến phân vi sinh, đốt tiêu hủy, đốt thu hồi nhiệt, nhiên liệu; khuyến khích các dự án kết hợp 1 - 2 công nghệ xử lý để tận thu tối đa tài nguyên từ rác thải. Lâu dài (sau năm 2030) khi đã hình thành vùng thu gom, xử lý có lượng CTR sinh hoạt đủ lớn, nguồn kinh phí đảm bảo chi trả, thì khuyến khích xã hội hóa đối với công nghệ đốt phát điện.
Theo Sở TN&MT, tỉnh Bình Định quy hoạch xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sẽ được phân thành 3 vùng: Khu vực phía Bắc tỉnh sẽ đầu tư khu xử lý CTRSH tại TX Hoài Nhơn, tiếp nhận lượng rác thải của TX Hoài Nhơn và các huyện Hoài Ân, An Lão, Phù Mỹ với công suất xử lý 350 tấn/ngày (năm 2030). Phía Tây tỉnh đầu tư khu xử lý CTRSH tại huyện Tây Sơn, xử lý rác thải huyện Tây Sơn và Vĩnh Thạnh với công suất 100 tấn/ngày (năm 2030). Phía Nam tỉnh đầu tư công nghệ xử lý CTRSH tại bãi rác Long Mỹ (TP Quy Nhơn) để xử lý rác thải của TP Quy Nhơn, TX An Nhơn và các huyện Vân Canh, Tuy Phước, Phù Cát với công suất 800 tấn/ngày (năm 2030). Ngoài ra, các địa phương còn lại cũng sẽ có các khu xử lý CTR tại chỗ cụ thể: huyện Phù Cát, huyện Vĩnh Thạnh và huyện Vân Canh với công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh); các huyện Tây Sơn và An Lão với công nghệ đốt tiêu hủy.
Kế hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh hướng đến mục tiêu đến năm 2025, 90% CTR sinh hoạt đô thị và 80% CTR sinh hoạt nông thôn được thu gom và xử lý đảm bảo theo quy định; sử dụng phương pháp chôn lấp trực tiếp cho tối đa 30% CTR sinh hoạt đô thị và 50% CTR sinh hoạt nông thôn được thu gom. 100% bãi chôn lấp CTR sinh hoạt tự phát, không hợp vệ sinh phải được xử lý đảm bảo yêu cầu môi trường. Không để phát sinh mới các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, bãi rác tạm trên địa bàn tỉnh.
Địa phương này chú trọng phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu phát sinh và tăng cường tái chế, tái sử dụng; đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài trong quản lý CTR cũng như ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện với môi trường, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương, phát triển ngành công nghiệp tái chế, kinh tế tuần hoàn chất thải.
Đức Minh
Bình luận