Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 05:11
Thứ bảy, 25/05/2024 07:05
TMO - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, một trong những nguyên nhân gây sạt lở tại khu vực bãi bồi trên sông Hồng đoạn qua xã Minh Châu và thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì) là do mực nước sông ngày một hạ thấp làm biến đổi dòng chảy của con sông.
Những ngày qua, khu vực bãi bồi trên sông Hồng thuộc xã Minh Châu đang bị sạt lở nghiêm trọng. Theo đó, chiều dài cung sạt thứ nhất khoảng 500m, ảnh hưởng đến nhiều diện tích hoa màu của người dân. Vị trí thứ 2 nằm ở dưới chân kè hiện có, chiều dài cung sạt dài khoảng 200m, chênh cao giữa mặt bãi cao với mặt nước khoảng từ 2,0 đến 5,0m tạo thành các vách sạt đứng.
Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, nguyên nhân do mực nước sông Hồng ngày một hạ thấp đã làm biến đổi dòng chảy sông Hồng. Bên cạnh đó là ảnh hưởng của việc điều tiết nước của các hồ chứa thủy điện và tác động của mưa lớn kéo dài. Trước thực trạng này, để đảm bảo an toàn cho người dân, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có văn bản đề xuất UBND huyện Ba Vì chỉ đạo các phòng, ban chức năng của huyện, UBND xã Minh Châu, UBND thị trấn Tây Đằng phối hợp với Hạt Quản lý đê số 1 tổ chức cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại khu vực sạt lở; thông tin đến người dân trong khu vực được biết, hạn chế qua lại khu vực sạt lở.
Khu vực bãi bồi trên sông Hồng bị sạt lở thuộc địa phận huyện Ba Vì (TP Hà Nội). Ảnh: NT.
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị UBND huyện Ba Vì tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố sạt lở, có biện pháp xử lý kịp thời để bảo đảm an toàn; thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội mọi diễn biến sạt lở tại khu vực trên để chỉ đạo ứng phó kịp thời.
Minh Châu là xã đảo của huyện Ba Vì, nằm ở phía hạ du khu vực hợp lưu 3 dòng sông lớn: Đà, Hồng, Lô. Do bất lợi về địa hình, địa chất nên những năm trước đây tại xã Minh Châu thường xuyên xảy ra sự cố sạt lở bờ bãi sông, đe dọa an toàn cơ sở hạ tầng của Nhà nước, công trình của người dân… Thời gian qua, các cấp, ngành của thành phố đầu tư xây dựng tuyến kè.
Tuy nhiên, do biến đổi lòng sông, một số đoạn bãi sông chưa được xây dựng công trình bảo vệ nên tình trạng sạt lở đất sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp diễn, ảnh hưởng tới sinh kế của hàng trăm hộ dân…Không chỉ mất đất sản xuất nông nghiệp, 32 hộ dân ở xóm Bãi (thôn Vân Hội, xã Phong Vân, huyện Ba Vì) hiện nơm nớp nỗi lo sạt lở lấy mất công trình nhà ở, đất ở…
Tình trạng sạt lở ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân trên địa bàn. Ảnh: NT.
Để đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão 2024, UBND huyện Ba Vì đã yêu cầu các đơn vị, địa phương phải hành động sớm để chủ động trước mọi tình huống thiên tai. Trước mắt, các đơn vị, địa phương phải khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua. Từ nay đến ngày 31-5, các đơn vị, địa phương phải hoàn thành công tác kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình phòng, chống lũ lụt; rà soát số hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, úng ngập để xây dựng phương án phòng, chống bảo đảm sát thực tế; đồng thời, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, sẵn sàng ứng phó các tình huống thiên tai, sự cố…
Bên cạnh đó, 31 xã, thị trấn của huyện Ba Vì đang tập trung kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; rà soát, bổ sung phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo các cấp độ rủi ro, sát thực tế của địa phương... Ban Chỉ huy quân sự huyện Ba Vì đã phối hợp với các đơn vị, địa phương kiểm tra, rà soát, xây dựng phương án, kế hoạch ứng phó với từng tình huống thiên tai có khả năng xảy ra., sẵn sàng huy động 5.552 cán bộ, chiến sĩ, 32 ô tô, 4 xuồng, 1 xà lan, 4 máy phát điện kịp thời ứng phó với từng tình huống thiên tai, sự cố.
Hằng Trần
Bình luận