Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 17:11
Thứ bảy, 27/08/2022 16:08
TMO - Côn Đảo có nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái phong phú, đa dạng sinh học cao, có tiềm năng lớn trong khai thác dịch vụ sinh thái rừng.
Côn đảo là một quần đảo rộng khoảng 76 km2, gồm 16 hòn đảo, lớn nhất là đảo Côn Sơn. Côn Đảo cách Vũng Tàu 185 km, cách TP. HCM 230 km và cách TP. Cần Thơ khoảng 83 km. Về mặt hành chính, Côn Đảo là huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với dân số trên 10 nghìn người.
Đa dạng hệ sinh thái rừng và biển
Tài nguyên, thiên nhiên rừng và biển Côn Đảo rất đa dạng, phong phú. Năm 2014, Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo được Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế và khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam. VQG Côn Đảo có trên 1.000 loài thực vật có mạch, cùng nhiều loại động vật đa dạng. Trong đó, nhiều loài chim ở Côn Đảo không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào tại VN, như loài bồ câu nicobar, chim nhiệt đới, chim điên mặt xanh.
Hệ sinh thái biển VQG Côn Đảo có rừng ngập mặn, các rạn san hô và cỏ biển. Rừng ngập mặn có khoảng 31 ha với 46 loài thực vật phân bố xung quanh Hòn Ba, Bảy Cạnh và dọc theo bờ biển phía nam, phía bắc của đảo Côn Sơn. Các rạn san hô ở Côn Đảo thuộc loại cổ xưa nhất ở Việt Nam, phân bố tại khu vực nước nông xung quanh các đảo, chiếm tổng diện tích khoảng 1.800 ha. Các rạn san hô ghi nhận mức độ đa dạng sinh học cao với hơn 370 loài. Biển Côn Đảo ghi nhận có 1.323 loài động, thực vật biển, trong đó có 44 loài ghi trong sách đỏ; có khoảng 1.040 ha cỏ biển; quần thể loài bò biển, ước tính có khoảng 12 cá thể. Côn Đảo là nơi làm tổ quan trọng của loài vích (rùa xanh) và đồi mồi. Hàng năm, có hơn 250 cá thể rùa mẹ đến làm tổ sinh sản tại 14 địa điểm trong VQG với tổng số tổ lên đến hơn 1.000 tổ...
Tiềm năng thế mạnh
Với bờ biển dài 200 km, Côn Đảo có tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch, khai thác chế biến hải sản, phát triển cảng biển, dịch vụ dầu khí và hàng hải. Nơi có nhiều bãi tắm đẹp như bãi Đất Dốc, Bãi Cạnh, bãi Đầm Trầu, bãi Hòn Cau, bãi Hòn Tre... Môi trường sống ở Côn Đảo rất trong lành, nhiệt độ bình quân khoảng 26 – 27độC mát mẻ quanh năm. Tất cả những điều kể trên là tiềm năng du lịch của Côn Đảo với các loại hình phong phú như: Du lịch tắm biển nghỉ ngơi, du lịch tham quan di tích lịch sử, du lịch sinh thái (lặn, câu cá, leo núi, tham quan rừng biển, sinh vật biển...). Ngoài ra, Côn Đảo còn là trung tâm ngư trường khai thác hải sản của Tỉnh và phía Nam với cảng cá Bến Đầm dài 336m cho tàu 2.000 tấn cập bến. Về hàng hải, Côn Đảo chỉ cách đường hàng hải Quốc tế (trục Bắc – Nam) có 60km. Từ Côn Đảo, tàu thuyền ngược lên phía Bắc Á như Nga, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Hải Nam, Thẩm Quyến, Hồng Kông. Nếu xuôi xuống Nam là đến các nước Đông Nam Á như: Singapore, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Thailand. Trong tương lai kênh đào KRA ở Thailand được mở nối liền giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương mở ra trục Đông – Tây thì Côn Đảo sẽ nằm ở ngã tư giao thông biển quốc tế.
Nhiều thách thức
Dù có nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái phong phú, đa dạng sinh học cao, có tiềm năng lớn trong khai thác dịch vụ sinh thái rừng, phát triển du lịch và khai thác thuỷ hải sản. Tuy nhiên, Côn Đảo đang đối mặt với những thách thức từ các hoạt động của ngành du lịch dịch vụ. Ngoài ra, địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế nông nghiệp và công nghiệp, phụ thuộc nguồn cung ứng về nguyên vật liệu, thực phẩm, dịch vụ từ đất liền với chi phí vận chuyển cao. Giá trị gia tăng mang lại cho nền kinh tế từ việc di dân không cao, trái lại tạo ra áp lực trong việc cung ứng nhu cầu thiết yếu và thách thức trong duy trì sự phát triển bền vững của Côn Đảo.
Một số vấn đề môi trường hiện nay của Côn Đảo đang gặp phải là xử lý rác thải, thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt trong mùa cao điểm du lịch đe dọa toàn diện cuộc sống của người dân và ảnh hưởng tới sự phát triển ngành dịch vụ du lịch của Côn Đảo. Hệ sinh thái của Côn Đảo đang có nguy cơ bị suy thoái do tác động của hoạt động kinh tế và biến đổi khí hậu…Từ những lợi thế cũng như thách thức Côn Đảo đang gặp phải, việc tìm ra giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, hài hòa với hệ sinh thái đặc trưng là nhiệm vụ chính trị hàng đầu.
Định hướng phát triển
Trong Quy hoạch xây dựng Côn Đảo đến năm 2045 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 417/QĐ-TTg vào đầu tháng 4/2022, Côn Đảo sẽ phát triển thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa-lịch sử-tâm linh mang tầm cỡ quốc tế. Bảo vệ tài nguyên và sinh thái, bảo đảm an ninh quốc phòng. Hướng tới phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao, mang đậm đặc trưng văn hóa lịch sử, gắn với các khu đô thị xanh, thông minh. Về dân số, dự kiến quy mô dân số tối đa đến năm 2030 đạt khoảng 15.000 người; đến năm 2045 đạt khoảng 25.000 người (chưa bao gồm dân số quy đổi từ khách du lịch).
“Biển đảo Việt Nam” là Chuyên đề đặc biệt, dài kỳ do Ban Chuyên đề, Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường triển khai thực hiện theo “Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030” đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 729/QĐ-TTg ngày 16/6/2022. Chuyên mục nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kiến thức nhận thức cho mọi đối tượng (đặc biệt đối với thế hệ trẻ) hiểu rõ hơn về vai trò của Biển, Đảo trong phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng và khẳng định chủ quyền Biển, Đảo, từ đó nâng cao tinh thần yêu nước, yêu dân tộc. Chuyên đề được triển khai từ đầu tháng 7/2022 với tần suất xuất bản từ 5-7 ngày/số, mỗi số gắn với một hòn đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. |
Phương Điền – Anh Thư (PV khu vực phía Nam)
Bình luận