Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 17:11
Thứ hai, 18/07/2022 19:07
TMO - Cô Tô là một quần đảo nằm ở phía Đông tỉnh Quảng Ninh, có gần 50 đảo lớn, nhỏ, trong đó có 3 đảo lớn là Cô Tô, Thanh Lân và đảo Trần. Về mặt hành chính, Cô Tô thuộc huyện Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) với dân số khoảng gần 7.000 người.
Huyện Cô Tô cách tỉnh lỵ 100km về phía đông bắc Vịnh Bắc Bộ, có tổng chiều dài biên giới biển tiếp giáp với Trung Quốc gần 200km từ khơi thôn đảo Trần đến ngoài phía đông đảo Bạch Long Vĩ của Hải Phòng. Phía Bắc giáp đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà), đảo Vĩnh Thực (thành phố Móng Cái). Phía Nam giáp vùng biển đảo Bạch Long Vĩ - Hải Phòng. Phía Tây giáp huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh.
Cô Tô là một quần đảo với gần 50 đảo lớn nhỏ, trong đó có ba đảo lớn: đảo Cô Tô, đảo Thanh Lân và đảo Trần. Diện tích đất nổi của huyện là 4750,75 ha. Trong đó, đảo Cô Tô lớn là 1.780ha, đảo Thanh Lân là 1.887 ha, đảo Trần là 512 ha, còn lại là các đảo diện tích nhỏ lẻ khác. Cô Tô có 3 đơn vị hành chính gồm 2 xã và 1 thị trấn. Cô Tô gần ngư trường khai thác hải sản lớn của cả nước; Đảo Trần nằm ở vị trí Đông Bắc của huyện, cách khu kinh tế mở Móng Cái khoảng 35 km, nằm trong khu vực cửa khẩu, cách đường Hàng hải quốc tế Hải Phòng - Bắc Hải 30 km.
Cô Tô có tên cổ là Chàng Sơn (Núi Chàng), từ lâu đời đã là nơi cư trú ngụ của thuyền bè ngư dân Vùng Đông Bắc, song chưa thành nơi định cư vì luôn bị những toán cướp biển Trung Quốc quấy phá. Năm 1832, Nguyễn Công Trứ với cương vị Tổng Đốc Hải An (Hải Dương - An Quảng) đã xin triều đình cho thành lập làng xã, cắt cử người cai quản. Làng đầu tiên ở đây được Nguyễn Công Trứ đặt là làng Hướng Hoá. Ít lâu sau, nhà Nguyễn cho thu thuế và lập đồn Hướng Hoá canh phòng giặc biển. Đến thời Pháp thuộc, Cô Tô là một tổng thuộc châu Hà Cối phủ Hải Đông tỉnh Hải Ninh. Cuối năm 1955, thực hiện hiệp định Generve, Pháp buộc phải rút quân, Cô Tô được giải phóng.
Địa hình ở Cô Tô được kiến tạo: phần giữa nhô cao, xung quanh là đồi, núi thấp và những cánh đồng hẹp, ven các đảo có những bãi cát, bãi đá và vịnh nhỏ, đất đai chủ yếu là đất phelarit trên sa thạch. Mô hình kinh tế của huyện đảo Cô Tô là nông - lâm - ngư nghiệp và dịch vụ du lịch, trong đó tập trung chủ yếu là đánh bắt và chế biến hải sản. Riêng hải sản của Cô Tô có giá trị kinh tế cao so với cả nước, gồm các loài, như: cầu gai, cá hồng, cá song, cá mú, cá chim, ghẹ, tu hài, v.v. Bên cạnh đó, Cô Tô cũng chú trọng sản xuất nông nghiệp với đặc sản là cây cam được trồng tập trung trên đảo Thanh Lân.
Ngày 23/3/1994, Chính phủ ra Nghị định 28-CP đổi tên huyện Cẩm Phả thành huyện Vân Đồn đồng thời tách quần đảo Cô Tô gồm hai xã Thanh Lân, Cô Tô thành lập huyện Cô Tô. Ngày 28 tháng 10 năm 1996, đảo Trần thuộc huyện Hải Ninh được giao về huyện Cô Tô quản lý và thuộc địa phận xã Thanh Lân. Ngày 25 tháng 8 năm 1999, chia xã Cô Tô thành thị trấn Cô Tô và xã Đồng Tiến. Hiện nay, huyện Cô Tô có 2 xã, 1 thị trấn, dân số khoảng gần 7.000 người với trên 2.000 hộ dân.
Từ một huyện đảo nghèo, kinh tế chậm phát triển, thiếu thốn mọi bề, giờ đây Cô Tô đã có điện lưới quốc gia, nước ngọt, hệ thống tàu khách, tàu vận tải phát triển: tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện luôn duy trì ở mức cao từ 12 đến 15%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.500 USD năm 2010 lên 4.100 USD năm 2020. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch đúng hướng mạnh mẽ sang ngành dịch vụ du lịch (chiếm 60,2%). Kinh tế biển được đầu tư phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện theo hướng bền vững gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khuyến khích hoạt động nuôi trồng thủy hải sản, tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao. An sinh xã hội được đảm bảo, chất lượng giáo dục đào tạo và công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được cải thiện rõ rệt. Từ tháng 8 năm 2019 toàn huyện không còn hộ nghèo (chỉ còn 14 hộ cận nghèo); 100% trường học đạt chuẩn quốc gia.
Đặc biệt, năm 2015 huyện Cô Tô được Chính phủ công nhận là huyện đảo đạt chuẩn Nông thôn mới đầu tiên của cả nước. Cô Tô hiện nay đang được coi là điểm du lịch hấp dẫn, đáng đến trong hành trình du lịch Hạ Long - Quảng Ninh.
Theo định hướng phát triển du lịch của huyện đến năm 2025, Cô Tô sẽ phát triển thành Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển đảo cấp quốc gia; là một trọng điểm du lịch trong quần thể du lịch Cát Bà – Hạ Long – Vân Đồn – Cô Tô – Móng Cái – Trà Cổ với đa dạng các loại hình du lịch, thể thao và vui chơi giải trí cả trên biển và trên các đảo. Tính đến nay, Cô Tô có trên 226 cơ sở lưu trú với trên 2.800 phòng nghỉ và trên 32 điểm vui chơi giải trí.
Tú Quyên - Đình Anh
Bình luận