Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 21:01
Thứ sáu, 08/09/2023 08:09
TMO - Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, nhiều giải pháp trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn như khuyến khích đầu tư, phát triển các nhà máy chế biến chất thải để tách, tái chế các thành phần của chất thải sinh hoạt; khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo từ chất thải rắn sinh hoạt...
Môi trường sinh thái toàn cầu đã và đang phải đối mặt với sự phát triển kinh tế - xã hội thiếu bền vững, tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Nhận thức được những điều này, nhiều quốc gia thay đổi chiến lược phát triển hướng tới nền kinh tế sạch - nền kinh tế tuần hoàn.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước là 60.000 tấn/ngày; trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. Chỉ riêng 2 thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày có từ 7.000-9.000 tấn chất thải sinh hoạt. Đến nay, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam được thu gom xử lý tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 96,28% (tăng 11,28% so với năm 2016). Khu vực nông thôn đạt khoảng 66% (tăng 16% so với năm 2016); trong đó tỷ lệ chôn lấp khoảng 70%.
Nguy cơ gia tăng ô nhiễm môi trường từ các biện pháp xử lý rác thải như chôn lấp chưa hiệu quả, đòi hỏi cần tiến tới triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, đưa rác thải thành tài nguyên.
Hiện trên cả nước có khoảng 400 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 37 dây chuyền sản xuất phân compost (phân hữu cơ) tập trung, trên 900 bãi chôn lấp trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Về tỷ lệ xử lý chất thải theo các phương pháp xử lý, hiện nay khoảng 71% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (chưa tính lượng bãi thải từ các cơ sở chế biến phân compost và tro xỉ phát sinh từ các lò đốt). Ngoài ra, khoảng 16% tổng lượng chất thải được xử lý tại các nhà máy chế biến phân compost và khoảng 13% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt và các phương pháp khác.
Dự báo đến năm 2025, lượng rác của Việt Nam đạt khoảng 100 triệu tấn, bao gồm rác thải sinh hoạt, công nghiệp và y tế. Tình trạng rác thải chưa được xử lý trước khi thải ra môi trường đã trở thành một vấn đề cấp bách đối với hoạt động bảo vệ môi trường của Chính phủ Việt Nam. Trước những thách thức về cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường, mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) hướng đến tái sử dụng nguyên vật liệu, giảm tiêu hao nguyên vật liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu tác động đến môi trường được khuyến khích triển khai.
Thời gian qua, một số địa phương đã áp dụng phương pháp đốt chất thải rắn sinh hoạt có thu hồi năng lượng để phát điện hoặc có kết hợp nhiều phương pháp xử lý khác nhau. Với định hướng xử lý chất thải rắn tập trung quy mô lớn, nhiều địa phương đã đầu tư hệ thống xử lý, quy mô cấp huyện, liên huyện như Nghĩa Đàn (Nghệ An), Cẩm Xuyên, Can Lộc (Hà Tĩnh), Hưng Yên, Uông Bí (Quảng Ninh), Tam Điệp (Ninh Bình), Thanh Liêm (Hà Nam), Quảng Bình, Cần Thơ...
Việt Nam cũng đã có công nghệ đốt rác thải thành năng lượng (WtE) nhằm chuyển hóa tất cả các loại chất thải rắn thành năng lượng. Dây chuyền điện rác WtE đầu tiên đã được đưa vào thực nghiệm tại Duy Tiên, Hà Nam. Ngoài ra, một số địa phương khác cũng đã đặt mục tiêu và phát triển công nghệ điện rác, điển hình như Cần Thơ, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Hà Nội...
Nhiều địa phương đã thực hiện mô hình xử lý rác thải theo hình thức đốt rác phát điện thay cho chôn lấp và đang triển khai thêm 8 dự án với công suất xử lý 11.100 tấn/ngày, công suất phát điện đạt 157MW. Một số địa phương đã đầu tư, đưa vào vận hành các nhà máy xử lý rác; xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch phân loại rác tại nguồn. Thành phố Cần Thơ đã đưa Nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ vào hoạt động với công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt 400 tấn/ngày và phát điện khoảng 60 triệu kWh/năm; thành phố Hải Phòng đã vận hành nhà máy xử lý chất thải rắn Tràng Cát với công nghệ sản xuất rác thải thành phân bón hữu cơ với công suất xử lý 200 tấn rác và 40 tấn bùn/ngày.
Thúc đẩy việc tái chế, tái sử dụng các vật liệu như giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh là một trong những giải pháp xử lý rác thải hiệu quả được khuyến khích triển khai.
Nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng cần khuyến khích tái chế, tái sử dụng, xây dựng các chương trình khuyến khích người dân phân loại chất thải, thúc đẩy việc tái chế, tái sử dụng các vật liệu như giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh. Đồng thời, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất và tiếp thị các sản phẩm tái chế... Phát triển công nghiệp chế biến chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt khuyến khích đầu tư, phát triển các nhà máy chế biến chất thải để tách, tái chế các thành phần của chất thải sinh hoạt. Điều này sẽ tạo ra nguồn cung mới cho các nguyên liệu tái chế, giúp giảm tải lên môi trường.
Xây dựng hệ thống quản lý chất thải hiệu quả, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ xử lý chất thải để tối ưu hóa quá trình xử lý và tái chế. Sử dụng các công nghệ tiên tiến như xử lý sinh học, xử lý nhiệt, hay công nghệ chất thải thành năng lượng để tạo ra sản phẩm tái chế và năng lượng sạch. Ngoài ra, cần khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo từ chất thải rắn sinh hoạt, như biogas từ quá trình phân hủy sinh học, để sản xuất điện và nhiệt.
Giai đoạn 2021 -2030, Đảng và Nhà nước xác định việc phát triển nền KTTH là một trong những định hướng quan trọng của đất nước. Theo đó, Việt Nam sẽ triển khai mô hình KTTH dựa trên 3 trụ cột: Thiết kế, kéo dài vòng đời vật liệu; Giảm rác thải, phát thải; Khôi phục hệ sinh thái. Để phát triển KTTH, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó khẳng định, phải ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nhà máy điện sử dụng rác thải, chất thải để bảo vệ môi trường và phát triển KTTH; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 đó là “xây dựng nền kinh tế xanh, KTTH, thân thiện với môi trường”.
Đức Mạnh
Bình luận