Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 03:11
Thứ ba, 31/10/2023 05:10
TMO - Tình trạng sạt lở bờ biển huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre làm hư hỏng 650m đê bao, ảnh hưởng 115 hộ dân, cuốn trôi nhiều đất đai, nhà cửa.
UBND tỉnh Bến Tre vừa ban hành quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp sạt lở, xâm thực bờ biển huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Theo đó, khu vực sạt lở, xâm thực nghiêm trọng trên địa bàn xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, với tổng chiều dài khoảng 4,7 km, gồm 2 đoạn. Đoạn 1, từ vị trí tiếp giáp kè bê tông - điểm du lịch Cồn Nhàn đến cửa Rạch Tràng Nước (hướng từ kè bê tông nhìn ra biển phía bên trái), có chiều dài khoảng 1,7 km. Mức độ sạt lở nghiêm trọng, cần có các giải pháp công trình bền vững để xử lý, khắc phục sạt lở.
Đáng chú ý, trường hợp xảy ra sự cố sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến các điểm du lịch, nhà ở, đất đai, hoa màu của các hộ dân sinh sống bên trong; có nguy cơ gây xói lở, hư hỏng đoạn kè bê tông tiếp giáp. Đoạn 2, từ vị trí tiếp giáp kè bê tông- điểm du lịch Cồn Nhàn đến cửa Rạch Đường Tắc (hướng từ kè bê tông nhìn ra biển phía bên phải) có chiều dài khoảng 3 km; trong đó, có trên 1 km hiện đang bị xói lở, xâm thực mạnh, nhất là khu vực tiếp giáp với công trình kè bê tông.
Bờ biển huyện Ba Tri chịu tác động lớn từ xâm thực mạnh.
Hiện khu vực sạt lở làm ảnh hưởng trực tiếp đến 115 hộ dân; 15 căn nhà ở bị ảnh hưởng (sập hoàn toàn 4 căn và phải di dời đến nơi an toàn 11 căn); hư hỏng hoàn toàn 100 m đường bê tông; sạt lở hoàn toàn 650 m bờ bao. Diện tích đất bị ảnh hưởng khoảng 535 ha; trong đó, riêng đất rừng phòng hộ ven biển từ năm 2004 đến nay mất 16 ha và thiệt hại hoàn toàn 45 ha hoa màu của người dân.
Theo đó, tỉnh Bến Tre áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra như sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm. Ngành chức năng tỉnh thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở. Đồng thời, thực hiện các biện pháp xử lý bước đầu để hạn chế sạt lở; tổ chức lập phương án xử lý cấp bách, phê duyệt phương án và huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách theo quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.
UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu UBND huyện Ba Tri chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ứng phó và khắc phục hậu quả sạt lở theo quy định. Cùng đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp, hỗ trợ địa phương trong công tác ứng phó, xử lý, khắc phục sạt lở; thực hiện các quy định về phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó thiên tai theo quy định tại Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre phối hợp với UBND huyện Ba Tri và các đơn vị có liên quan tổ chức lập phương án xử lý khẩn cấp sạt lở đúng theo quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.
Tình trạng sạt lở bờ sông Giao Hòa thời gian qua ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân. Ảnh: BB.
Trước đó (23/10), Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cũng đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về hiện trạng sạt lở bờ sông Giao Hòa, đoạn thuộc xã Giao Long và xã An Hóa (Châu Thành). Khu vực bờ sông Giao Hòa đoạn qua địa bàn 2 xã Giao Long, An Hóa có tổng chiều dài khoảng 800m; trong đó, sạt lở làm mất một đoạn dài 45m tuyến đường cấp huyện dọc sông, phải dừng lưu thông các phương tiện giao thông nhằm đảm bảo an toàn. Sạt lở đã gây hư hỏng một số đoạn kè và các công trình, cơ sở hạ tầng hiện có như cầu An Hóa, tuyến đường QL 57B. Khu vực bị sạt lở gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của hơn 300 hộ dân, trong đó có 26 hộ dân phải buộc di dời khẩn cấp.
Theo Sở NN&PTNT Bến Tre, hiện tại, số điểm sạt lở bờ sông, bờ biển ít phát sinh mới, tuy nhiên mức độ sạt lở có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn, sạt lở sâu hơn vào trong đất liền, chiều dài sạt lở tăng. Những khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng sạt lở như bờ biển huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú; khu vực cồn Tam Hiệp, huyện Bình Đại; cồn Phú Đa, huyện Chợ Lách; cồn Thành Long, huyện Mỏ Cày Nam; khu vực ven các sông lớn.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Bến Tre còn khoảng 13km bờ sông và 8,5km bờ biển đang bị ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng cần được bố trí vốn để đầu tư xây dựng công trình, ước tổng nhu cầu kinh phí thực hiện trên 1.000 tỷ đồng. Trong khoảng 10 năm gần đây, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ nhanh hơn, gây mất đất sản xuất, mất rừng phòng hộ... Theo kết quả thống kê, toàn tỉnh có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 134 km.
Năm 2023, tỉnh Bến Tre được Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp bổ sung kinh phí 300 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để bố trí cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong đó, kinh phí bố trí cho phòng chống sạt lở bờ sông Giao Hòa khoảng 100 tỷ đồng; dự án sạt lở bờ biển khu vực Cồn Ngoài (xã Bảo Thuận, H.Ba Tri) khoảng 200 tỷ đồng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, do vị trí địa lý của tỉnh Bến Tre nằm ở cuối nguồn sông Cửu Long, có 4 cửa sông lớn đổ ra Biển Đông và kênh rạch chằn chịt nên sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng nghiêm trọng.
Thời gian, qua tỉnh đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để người dân hiểu, cùng với các cấp chính quyền thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống sạt lở như: đầu tư làm kè, trồng cây ven sông để bảo vệ nhà cửa, vườn cây của mình. Nhà nước cũng bỏ ra kinh phí rất lớn để xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở, nhất là sự hỗ trợ từ Trung ương nhưng tình hình sạt lở vẫn còn phức tạp. Hiện tại, tỉnh còn 8 điểm khẩn cấp cần phải có giải pháp cấp bách để khắc phục với kinh phí hơn 2 nghìn tỷ đồng.
Trong thời gian tới, tỉnh Bến Tre sẽ tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách lâu dài, căn cơ. Trong đó, triển khai làm tốt các điểm sạt lở đã có dự án, kinh phí được phê duyệt. Kiến nghị lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm thực hiện các dự án chống sạt lở được tài trợ. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống thiên tai, sạt lở và đánh giá các dự án phòng, chống sạt lở hiệu quả để nhân rộng…
Mạnh Dũng
Bình luận