Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 03:11
Thứ năm, 26/10/2023 19:10
TMO - UBND tỉnh Bến Tre vừa ban hành Quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Giao Hòa, trên địa bàn xã Giao Long và An Hóa (huyện Châu Thành).
Theo UBND tỉnh Bến tre, sạt lở bờ sông Giao Hòa tại đoạn chảy qua địa bàn 2 xã Giao Long, An Hóa có tổng chiều dài khoảng 800 m; làm mất một đoạn dài 45 m trên tuyến đường cấp huyện, hiện phải ngưng giao thông nhằm đảm bảo an toàn. Sạt lở cũng gây hư hỏng một số đoạn kè đã được đầu tư và các công trình, cơ sở hạ tầng như cầu An Hóa, tuyến QL57B. Khu vực sạt lở gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của hơn 300 hộ dân, trong đó có 26 hộ phải di dời khẩn cấp. UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu UBND huyện Châu Thành cho sơ tán khẩn cấp người dân và tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm tại ranh giới bên trong các biển báo; bố trí người trực theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở tại các khu vực đang có nguy cơ cao.
Điểm sạt lở trên địa bàn huyện Châu Thành. Ảnh: N. Trường
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh hiện có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 134 km. Trong đó, sạt lở bờ sông 104 điểm, dài khoảng 115 km gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân. Sạt lở bờ biển 8 điểm, dài khoảng 19 km đã làm mất khoảng 200 ha đất và 54 ha rừng phòng hộ thuộc 3 huyện ven biển Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại.
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, tỉnh Bến Tre có 16 khu vực bờ sông, bờ biển tiếp tục sạt lở thuộc các huyện Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách, Ba Tri, Bình Đại với tổng chiều dài sạt lở hơn 6,7km. Qua khảo sát và đánh giá của các ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh còn khoảng 13km bờ sông và 8,5km bờ biển đang bị ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng cần được bố trí vốn để đầu tư xây dựng công trình, ước tổng nhu cầu kinh phí thực hiện trên 1.160 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn vốn địa phương rất hạn chế, không đáp ứng công tác khắc phục sạt lở rất cần sự hỗ trợ của cấp Trung ương.
Mỹ Phước
Bình luận