Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 19:01
Thứ tư, 20/09/2023 11:09
TMO – UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu các địa phương trong tỉnh tăng cường thực hiện các biện pháp chủ động ứng phó triều cường; các hiện tượng thời tiết cực đoan trong mùa mưa, bão hàng năm.
Theo Kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh năm 2023-2024 vừa được ban hành, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu các địa phương hướng dẫn tăng cường trữ nước và xây dựng kế hoạch chuẩn bị phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024.
Trong đó, tập trung tuyên truyền, phát động nhân dân, doanh nghiệp tích cực trữ nước mưa, nước ngọt ngay trong mùa mưa năm 2023; xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 phù hợp với dự báo tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn và khả năng đáp ứng nhu cầu dùng nước của hệ thống công trình thủy lợi, cấp nước trong thời gian tới. Thực hiện thời vụ gieo trồng hợp lý, phù hợp với điều kiện nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn; đắp đập tạm ngăn mặn, đào ao trữ nước phân tán theo quy mô hộ/nhóm hộ gia đình, bảo đảm chủ động cung cấp đủ nhu cầu nước tối thiểu cho sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; rà soát diện tích vườn cây ăn trái, cây giống, hoa kiểng có nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, chi tiết đến từng loại cây trồng và từng vùng trồng để xây dựng giải pháp ứng phó phù hợp.
Lực lượng chức năng kiểm tra, khảo sát các điểm sạt lở. Ảnh: H. Thoan
Rà soát, cập nhật các kế hoạch về phòng chống, ứng phó với thiên tai theo quy định, phù hợp với nhận định tình hình thiên tai những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, phương án về ứng phó với các loại hình thiên tai như: Dông lốc, bão, ấp thấp nhiệt đới; triều cường, ngập úng, tràn, vỡ đê; sạt lở bờ sông, bờ biển;... trong đó chú trọng đến nội dung về sơ tán, di dời dân tại các khu vực xung yếu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi có tình huống thiên tai xảy ra…
Chủ động thực hiện công tác phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển theo quy định. Trong đó, các ngành có liên quan và địa phương chủ động rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở; vận động các hộ dân có nhà ở nằm trong khu vực đã, đang hoặc có nguy cơ ảnh hưởng sạt lở di dời đến nơi an toàn. Thực hiện cắm biển cảnh báo, khoanh vùng khu vực sạt lở để tránh xảy ra tai nạn; thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư,... để gia cố tạm thời nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra.
Trong năm 2022 và 07 tháng đầu năm 2023, tỉnh Bến Tre chịu ảnh hưởng bởi một số loại hình thiên tai như dông lốc, sạt lở bờ sông, bờ biển, triều cường, xâm nhập mặn, ... gây thiệt hại về nhà ở, sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh, Đặc biệt, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh trong những năm qua diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ nhanh hơn gây mất đất sản xuất, mất rừng phòng hộ,... ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, dân sinh. Theo số liệu tổng hợp toàn tỉnh có khoảng 100 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển. Hiện tại, số điểm sạt lở bờ sông, bờ biển hầu như ít phát sinh mới so với số liệu tổng hợp nêu trên, tuy nhiên mức độ sạt lở ở nhiều điểm có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn (sạt lở sâu hơn vào trong đất liền, chiều dài sạt lở tăng,...).
PV và CTV
Bình luận