Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 04:01
Thứ hai, 11/09/2023 13:09
TMO - Những năm gần đây, sự phát triển nhanh, mạnh của du lịch đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, hoạt động du lịch cũng làm gia tăng lượng rác thải nhựa, gây áp lực lớn lên môi trường, đe dọa sự phát triển bền vững. Trước thực tế này, tỉnh Quảng Nam triển khai nhiều giải pháp hướng đến phát triển du lịch xanh, bền vững.
Quảng Nam là địa phương tiên phong của cả nước ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh. Sau 2 năm thực hiện thí điểm tại 5 địa phương, kết quả đạt được là nhiều mô hình xanh ra đời, hoạt động hiệu quả. Một số mô hình phát triển du lịch xanh khả thi như: Mô hình nông nghiệp hữu cơ tại làng Thanh Đông; tái chế rác thải du lịch thành sản phẩm thông dụng trong đời sống tại làng du lịch cộng đồng Gò Nổi...trong đó làng chài Tân Thành ở TP Hội An là một trong những nơi triển khai mô hình tuần hoàn rác thải đầu tiên hưởng ứng phong trào du lịch không rác thải - một nội dung trong hành trình xây dựng văn hoá du lịch xanh của Quảng Nam.
Để hướng đến mục tiêu năm 2025 thành phố Hội An sẽ không phát thải nhựa sử dụng một lần, UBND TP. Hội An và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã xây dựng "Khung kế hoạch Doanh nghiệp giảm rác thải hướng tới Hội An - điểm đến xanh giai đoạn 2021-2023". Đến hết năm 2022, có 47 doanh nghiệp ký cam kết thực hiện các giải pháp giảm thiểu rác thải. Một số cơ sở kinh doanh đã chuyển đổi sang sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường như túi giấy, ống hút giấy/inox, dùng chai thủy tinh thay cho chai nhựa 1 lần. Ngoài ra, qua 2 năm thực hiện bộ tiêu chí du lịch xanh, tỉnh Quảng Nam đã có 11 đơn vị được công nhận và gắn nhãn du lịch xanh, và đã có hơn 20 đơn vị nộp hồ sơ tham gia. “Du lịch xanh” đang được xem là bước đi đột phá mang tính ứng xử nhân văn trong bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên.
Làng Bích Họa, xã Tam Thanh được chọn là điểm du lịch thí điểm về thực hành không rác thải.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản gửi các Sở, ban ngành về việc triển khai nhân rộng thực hành không rác thải tại một số điểm du lịch tiêu biểu. Theo đó, thống nhất chủ trương triển khai nhân rộng thực hành không rác thải ở một số điểm du lịch tiêu biểu tại xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ (trung điểm là làng Bích Họa) và phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam theo Kế hoạch của Hiệp hội Du lịch Quảng Nam.
Theo đó, kế hoạch này sẽ hỗ trợ kỹ thuật đến người dân, cơ sở du lịch tại điểm trong hoạt động kiểm toán, phân loại, xử lý rác thải; thiết lập và chuyển giao vận hành cơ sở phục hồi tài nguyên - rác (MRF) trong cộng đồng địa phương; chia sẻ, lan tỏa hoạt động môi trường trong cộng đồng, góp phần xây dựng điểm đến xanh và gợi mở hoạt động du lịch sáng tạo, bền vững. Dự án được khởi động vào tháng 6/2023 và dự kiến tổ chức hoạt động đến tháng 6/2024 với sự điều phối của Hiệp hội Du lịch Quảng Nam.
Hiệp hội Du lịch Quảng Nam có trách nhiệm thực hiện các thủ tục tiếp nhận nguồn hỗ trợ từ tổ chức nước ngoài trong triển khai hoạt động nêu trên đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động nhân rộng thực hành không rác thải tại điểm du lịch tiêu biểu nêu trên có hiệu quả, phù hợp thực tế.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam đang tích cực triển khai và thực hiện dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam" trong 2 năm 2023-2024. Với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của ngành du lịch. Thông qua dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam", sẽ truyền đi thông điệp mạnh mẽ, kêu gọi sự nỗ lực, chung tay góp sức của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng và du khách vì mục tiêu: Du lịch không rác thải nhựa ở Việt Nam".
Dự án cũng sẽ tập trung vào các hoạt động nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân, khách du lịch về tác hại của rác thải nhựa và ý thức trách nhiệm trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, đồng thời triển khai thí điểm các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa tại một số khách sạn, nhà hàng, doanh nghiệp lữ hành, điểm du lịch tại 2 tỉnh Ninh Bình và Quảng Nam.
Trong đó, TP Hội An duy trì vị trí là điểm đến đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường ở Việt Nam và sắp đến sẽ vận động, lan tỏa mô hình này trên cả nước. TP Hội An, tỉnh Quảng Nam lần đầu tiên ra mắt mô hình "Khách sạn không rác thải nhựa" thải ra môi trường và du khách không còn đồ nhựa dùng một lần. Việc triển khai Bộ tiêu chí du lịch xanh tỉnh Quảng Nam và dự án "Khách sạn không rác thải nhựa" đã góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của ngành du lịch xanh.
Sản phẩm du lịch xanh, lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, nói không với rác thải nhựa được triển khai tại khu du lịch tại TP Hội An.
Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, gần 50% sản phẩm nhựa được thiết kế, sản xuất phục vụ mục đích sử dụng một lần và sau đó thải bỏ. Lượng chất thải nhựa, túi ni-lông của cả nước ta chiếm khoảng 10-12% chất thải rắn sinh hoạt. Đặc biệt, ở một số thành phố có hoạt động du lịch phát triển, trung bình mỗi du khách thải ra môi trường 5-10 túi ni-lông/ngày, 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày, chưa kể các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng một lần.
Theo các chuyên gia, nguồn phát sinh rác thải nhựa trong hoạt động du lịch có cả trên đất liền và biển, đến từ các cơ sở dịch vụ du lịch, khách du lịch và tàu, thuyền du lịch, với túi ni-lông, hộp xốp, hộp nhựa, vỏ chai, ống hút, bát, cốc, thìa nhựa, vỏ dầu gội, sữa tắm, tăm bông, mũ ủ tóc, lược, bàn chải, áo phao, đồ cứu hộ cũ, hỏng… Điều này làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng cảnh quan môi trường làm giảm sức hấp dẫn của điểm đến, mà còn gây phản cảm với du khách, dẫn đến suy giảm lượng khách, ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế địa phương.
Để bảo đảm phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách quy định về quản lý rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, như: Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, tiến tới sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch….
Minh Thư
Bình luận