Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 01:11
Thứ hai, 24/07/2023 13:07
TMO - Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, nuôi trồng thủy sản được đánh giá là một trong những hoạt động kinh tế chủ lực của tỉnh Quảng Ninh. Hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, địa phương này triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường nhất là nguồn nước tại các vùng nuôi trồng thủy sản.
Tỉnh Quảng Ninh có trên 6.100km2 mặt nước, vùng biển, hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vụng, áng, cùng hệ sinh thái đa dạng, phong phú, nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao..., tận dụng lợi thế này trong những năm qua tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường biển.
Hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững, thời gian qua, Quảng Ninh chú trọng triển khai hiệu quả nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản (NTTS). Qua đó, góp phần phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo sản xuất, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, đồng thời đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái...
Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh hiện nay, môi trường NTTS đang bị suy thoái và có nhiều nguy cơ khó kiểm soát. Trong đó đáng chú ý là vấn đề ô nhiễm nguồn nước do nước thải sinh hoạt, nước thải nông nghiệp và nước thải công nghiệp. Cùng với đó là hoạt động NTTS không ngừng phát triển đã làm gia tăng dịch bệnh thủy sản; tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra… Bởi vậy, việc quan trắc môi trường phục vụ NTTS là hết sức cần thiết, giúp thông tin kịp thời, dự báo diễn biến môi trường vùng nuôi, mùa vụ nuôi, giúp người nuôi chủ động trong quản lý chất lượng nước vùng nuôi, phòng tránh dịch bệnh, hướng tới phát triển bền vững.
Quan trắc môi trường đối với các vùng nuôi tôm tại các địa phương được ngành chức năng tỉnh chú trọng triển khai định kỳ.
Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) tỉnh đã chủ động thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường tại các vùng nuôi tôm, cá biển, nhuyễn thể được quy hoạch tập trung, kịp thời khuyến cáo cho các cơ quan quản lý địa phương, các tổ chức, cá nhân nuôi thủy sản chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất năm 2023 đạt hiệu quả với tổng số mẫu thu dự kiến 9.405 mẫu, tần suất 1 lần/tháng vào các tháng 4, 5, 7, 10, 11 và tần suất 2 lần/tháng vào các tháng 6, 8, 9.
Công tác quan trắc được thực hiện tại 18 vùng nuôi thuộc 9 địa phương: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Uông Bí và Đông Triều. Với các vùng thu mẫu gồm, vùng nuôi tôm: Móng Cái, Đầm Hà, Tiên Yên, Quảng Yên, Uông Bí; vùng nuôi cá biển, nhuyễn thể: Hải Hà, Đầm Hà, Vân Đồn, Cẩm Phả và vùng nuôi cá nước ngọt: Uông Bí, Đông Triều. Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản ban hành định kỳ các thông báo hằng tháng khuyến cáo các địa phương và các cơ sở NTTS kiểm soát chặt chẽ chất lượng môi trường nguồn cấp và phối hợp kiểm tra định kỳ chất lượng nước và môi trường vùng nuôi để có các biện pháp kỹ thuật phù hợp, chuẩn bị tốt cho mùa vụ nuôi đạt hiệu quả cao.
Cùng với việc đẩy mạnh quan trắc, kiểm soát chất lượng nguồn nước trong nuôi trồng thủy sản, thời gian qua các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung chuyển đổi, thay thế vật liệu nổi sử dụng trong nuôi biển thân thiện với môi trường, phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật Theo rà soát, tích hợp, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên biển hiện nay là 47.915 ha. Theo tổng hợp của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có hơn 6.123.859 phao xốp, đến nay đã xử lý, chuyển đổi 5.911.571 phao xốp đạt tỷ lệ 95,8%. Các địa phương đã hoàn thành chuyển đổi gồm Tiên Yên và Đầm Hà, các địa phương có tỷ lệ chuyển đổi cao trên 95% gồm Vân Đồn (98,7%), Cẩm Phả (95,8%).
Hiện, toàn tỉnh có 18 đơn vị sản xuất, cung ứng vật liệu nổi được công bố hợp quy, trong đó có 13 cơ sở đã cung ứng sản phẩm ra thị trường với công suất 20.000 quả/ngày, về cơ bản đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi của các cơ sở nuôi trồng thủy sản. Trên cơ sở hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp từ thu gom, vận chuyển, bố trí các điểm tập kết và xử lý phao xốp đúng quy định.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thực hiện chuyển từ phao xốp sang phao nhựa thân thiện hơn với môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Ảnh: HB.
Trong định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Quảng Ninh cũng xác định phấn đấu trở thành trung tâm nuôi trồng thuỷ sản của miền Bắc, tập trung phát triển nhanh các đối tượng nuôi chủ lực, nuôi công nghệ cao, công nghệ mới; xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thuỷ sản của khu vực phía Bắc. Để đạt được mục tiêu đề ra, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, ngành Nông nghiệp tỉnh chú trọng nhiệm vụ thực hiện quan trắc đánh giá môi trường nuôi, hỗ trợ các địa phương, người nuôi trồng thủy, hải sản về mức độ ô nhiễm môi trường nuôi, để có quy trình xử lý phù hợp, an toàn dịch bệnh, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm thủy, hải sản. Xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, cấp mã vùng nuôi, kỹ thuật nuôi cho từng loài thủy, hải sản đảm bảo phù hợp với sức tải môi trường.
Đặc biệt, hướng đến quản lý chặt chẽ theo quy hoạch, đẩy lùi tình trạng người dân tự phát trong nuôi trồng thủy hải sản, ngành ngành nông nghiệp còn phối hợp với các ngành chức năng rà soát, phân vùng chức năng không gian biển, xác định rõ những khu vực có khả năng nuôi trồng thủy sản theo từng loài nuôi cụ thể; xây dựng phương án giao khu vực biển theo quy định Nghị định 11/2021/NĐ-CP của Chính phủ; xây dựng chính sách hỗ trợ cho ngư dân nuôi trồng đúng quy định, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, thay thế phao xốp và các loại vật liệu gây ô nhiễm môi trường nuôi; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy hoạch, nuôi trồng không được cấp phép, vi phạm.
Nuôi trồng thủy sản đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Quảng Ninh. Theo số liệu thống kê tính đến hết năm 2022, sản lượng nuôi trồng của tỉnh đạt 87.058,6 tấn; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 32.092 ha. Tỉnh đã điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường. UBND tỉnh yêu cầu các địa phương thực hiện có hiệu quả công tác thu gom, xử lý vật liệu nuôi trồng thủy sản thải bỏ trên biển; gắn trách nhiệm cho UBND cấp xã nếu để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm cảnh quan, môi trường biển; ban hành quy chế, quy định, chế tài xử lý nghiêm đối với những trường hợp cố tình không thu gom, xử lý theo quy định.
Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ của nhà nước trong việc thực hiện chuyển đổi vật liệu nổi không thân thiện với môi trường sang vật liệu đảm bảo với quy chuẩn địa phương; nghiên cứu tham mưu ban hành bộ tiêu chí về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển.
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xây dựng phương án quy hoạch sử dụng không gian biển nuôi trồng thủy sản; quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng nuôi biển tập trung; hướng dẫn các cơ sở nuôi biển thực hiện các thủ tục đăng ký, cấp phép nuôi trồng thủy sản theo quy định; rà soát, đánh giá toàn diện công tác quy hoạch, giao, quản lý khu vực biển, bãi triều nuôi trồng thủy sản; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Đức Bình
Bình luận