Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 11:01
Thứ hai, 01/05/2023 06:05
TMO - Tỉnh Gia Lai xác định thực hiện hiệu quả nội dung vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo ra môi trường sống ở nông thôn an toàn và bền vững; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.
Trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, đia phương này đặt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; trên 10% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; đảm bảo cấp nước sạch sinh hoạt quy mô hộ gia đình cho các hộ dân tại những khu vực chưa có khả năng tiếp cận với nước cấp tập trung, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán. Ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 80% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý; triển khai 1 - 2 mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện trở lên với công nghệ phù hợp.
Ít nhất 15% số hộ nông thôn có nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả; 50% số đơn vị cấp huyện có triển khai mô hình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phi tập trung theo cụm hoặc theo khu vực phù hợp, hiệu quả. Ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường. Có 100% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định.
Tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn.
Có 100% chất thải rắn và 50% nước thải sản xuất của các làng nghề truyền thống (nếu có) được thu gom và xử lý theo quy định. Ít nhất 35% số huyện có đề án cải tạo chất lượng môi trường nước mặt khu vực công cộng và có mô hình xây dựng hoặc cải tạo cảnh quan ao hồ. Có 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; từ 66% số xã trở lên có tổ cộng đồng tự quản về an toàn thực phẩm...
Đối với công tác phân loại, thu gom, trung chuyển rác thải sinh hoạt và xử lý nước thải sinh hoạt: UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng hướng dẫn và hỗ trợ (kỹ thuật, trang thiết bị, chế phẩm sinh học) xây dựng mô hình phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn quy mô hộ gia đình và cộng đồng dân cư và xử lý rác thải (phân bón hữu cơ, nhựa tái chế,….) sau khi phân loại theo hướng tái chế và tuần hoàn khép kín. Hỗ trợ hình thành mạng lưới thu gom (các tổ, đội, hợp tác xã trong thu gom, tập kết chất thải); bố trí và đầu tư hạ tầng các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phù hợp; trang bị các phương tiện, trang thiết bị lưu chứa rác tại khu vực công cộng đảm bảo thuận tiện, thân thiện môi trường và mỹ quan quy mô thôn, xã.
Xây dựng một số mô hình liên kết thị trường để thu hồi, sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm tái chế, tái sử dụng từ chất thải (như sản phẩm phân bón hữu cơ, nhựa tái chế …).Xây dựng một số mô hình thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện áp dụng công nghệ phù hợp, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Rà soát, xây dựng phương án tổ chức thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt, lồng ghép trong quy hoạch xây dựng nông thôn của xã và triển khai thực hiện các công trình thoát nước, xử lý nước thải sinh hoạt theo phương án đã được xây dựng. Xây dựng các mô hình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn quy mô hộ gia đình và khu dân cư phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Triển khai thí điểm một số mô hình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn áp dụng công nghệ sinh thái, chi phí thấp; mô hình thu phí xử lý nước thải sinh hoạt ở khu dân cư nông thôn.
Đối với nhiệm vụ cấp nước sạch nông thôn, trữ ngọt tại các vùng khó khăn về nguồn nước: UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, địa phương rà soát, điều chỉnh và cập nhật nội dung cấp nước sạch nông thôn vào quy hoạch nông thôn, đảm bảo cấp nước sinh hoạt nông thôn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, suy thoái nguồn nước. Hỗ trợ xây dựng mô hình cấp nước sạch tại các vùng đặc thù, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước (vùng hạn hán, thiếu nước, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới và thích ứng với biến đổi khí hậu,…).
Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sạch tập trung đã có (trong đó tập trung nâng cấp công nghệ xử lý chất lượng nước, nâng công suất, mở rộng mạng lưới cấp nước, ổn định nguồn nước khai thác trong điều kiện ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu). Hỗ trợ xây dựng thí điểm một số mô hình thu, xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình, mô hình cấp nước hộ gia đình thích ứng với biến đổi khí hậu cho dân cư vùng đặc thù, chưa có khả năng tiếp cận với cấp nước tập trung, khan hiếm, khó khăn về nguồn nước.
Địa phương này chú trọng đến công tác thu gom hiệu quả chất thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: QM.
Tỉnh Gia Lai cũng đồng thời chú trọng phát triển kinh tế tuần hoàn trong xử lý chất thải và phụ phẩm nông nghiệp thông qua việc xây dựng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, khép kín, đa giá trị. Mô hình cung cấp, trao đổi chất thải chăn nuôi để hình thành thị trường trao đổi chất thải hoặc chuyển giao cho đơn vị sản xuất các loại phân hữu cơ. Thực hiện việc xử lý chất thải và phụ phẩm trong nông nghiệp.
Cải tạo môi trường nông thôn, môi trường làng nghề theo hướng xanh và bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần giúp địa phương này thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới. Tỉnh Gia Lai chú trọng xây dựng mô hình cải tạo cảnh quan và khôi phục chất lượng môi trường nước mặt khu vực công cộng khi bị ô nhiễm. Xây dựng mô hình cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp gắn với văn hóa vùng miền; phát triển các tuyến đường hoa, cây xanh bóng mát. Hỗ trợ xây dựng mô hình khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề truyền thống (nếu có) bị ô nhiễm gắn với phát triển du lịch nông thôn.
Hỗ trợ xây dựng các mô hình chợ an toàn thực phẩm quy mô cấp huyện, liên huyện. Xây dựng mô hình cộng đồng tự quản và giám sát an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp và các cơ sở sản xuất, chế biến. Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với việc cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực giám sát của cộng đồng về an toàn thực phẩm; phát triển các tổ cộng đồng tự quản về an toàn thực phẩm; tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức và năng lực về tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm cho chủ thể sản xuất...
Thành Chung
Bình luận