Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 23:11
Thứ tư, 31/05/2023 07:05
TMO - Ðê biển Tây giữ vai trò quan trọng trong bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp của người dân sống ven biển huyện U Minh và vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Những năm gần đây, tuyến đê được đầu tư gia cố, tuy nhiên, trước tác động ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu tình trạng sạt lở tại khu vực này đang ngày càng gia tăng.
Đê biển Tây đoạn đi qua địa bàn tỉnh Cà Mau có chiều dài hơn 100km, nằm trên địa bàn 02 huyện Trần Văn Thời và U Minh. Đây là khu vực quan trọng góp phần bảo vệ hơn 90.000ha đất sản xuất nông nghiệp và hàng ngàn hộ dân. Chính vì thế, công tác gia cố và bảo vệ đê biển Tây luôn được ngành chức năng tỉnh quan tâm thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, trước những diễn biến bất thường của thời tiết hiện nay đã khiến đê biển Tây thường xuyên xảy ra tình trạng bị sạt lở, tràn cục bộ.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, việc nâng cấp tuyến đê biển Tây là rất cấp thiết, bởi mỗi khi gió mùa Tây Nam hoạt động, sóng lớn và triều cường từ Biển Tây thường đánh thẳng vào bờ, đe dọa gây sụt lún, thậm chí vỡ đê biển ở những nơi xung yếu, ảnh hưởng đến đời sống và canh tác của người dân.
Gấp rút thi công kè đê biển Tây trước mùa mưa bão tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: NH.
Tình hình xói lở bờ biển Tây hiện đang ngày càng gia tăng về mức độ và phạm vi. Trong đó, nhiều đoạn không còn rừng phòng hộ, hoặc đai rừng phòng hộ chỉ còn vài chục mét. Mặt khác, đê biển Tây thường xuyên bị sóng to, gió lớn uy hiếp, nhất là vào mùa mưa bão, gió tây nam hoạt động mạnh cộng với triều cường dâng cao khiến nguy cơ vỡ đê rất cao. Trước tình thế cấp bách về sạt lở bờ biển, UBND tỉnh Cà Mau đã nhanh chóng ban hành nhiều quyết định hộ đê khẩn cấp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị phối hợp cùng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các ngành, các cấp, vận động sự chung tay vào cuộc của các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn khắc phục xử lý sạt lở.
Hiện nay bước vào mùa mưa bão để bảo vệ sản xuất của người dân dọc tuyến đê biển Tây, tỉnh Cà Mau đang đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây kè để sớm hoàn thành, đưa công trình vào khai thác, sử dụng. Hạt Quản lý đê điều Cà Mau cho biết, đa phần những đoạn xung yếu, hết đai rừng phòng hộ đều có kè chắn sóng. Tuy nhiên, với diễn biến nước dâng kết hợp với sóng lớn đã vượt qua một số đoạn bờ kè và uy hiếp trực tiếp tới chân đê. Năm 2023, tỉnh Cà Mau đã triển khai khẩn cấp khắc phục sạt lở kè và cứng hóa mái đê với chiều dài hơn 3,9km, mức đầu tư gần 9 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thi công các tuyến đê gặp nhiều khó khăn do đợi con nước ròng, ít sóng đánh đơn vị mới thi công được. Một số đoạn có thời điểm phải thi công đến ban đêm để đảm bảo đưa vào sử dụng vận hành theo đúng kế hoạch đề ra
Bên cạnh việc thi công gần 4km đê khẩn cấp này, Cà Mau cần được hỗ trợ tiếp tục để đầu tư hơn 131,5km có nguy cơ sạt lở rất nguy hiểm trong thời gian tới. Thời gian qua, nhờ việc tôn tạo, kiên cố hóa tuyến đê biển Tây nên phần lớn diện tích đất sản xuất, hoa màu của người dân không bị ảnh hưởng.
Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, kinh nghiệm hộ đê từ những năm trước cho thấy, nhiều khu vực đê dù phía bên ngoài có kè ly tâm chắn sóng nhưng sóng biển vẫn từng lúc xoáy sâu và ảnh hưởng lớn đến an toàn đê. Tỉnh Cà Mau đã phải thực hiện hàng loạt công trình khẩn cấp như: kè thân đê, bơm bùn vào phía trong chân đê để tạo phản áp..., Ngoài ra, để chủ động ứng phó, ngay từ đầu mùa mưa bão năm nay, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp thực hiện các công trình, dự án xử lý sạt lở khẩn cấp đê biển Tây.
Tình trạng xói lở bờ biển Tây Cà Mau đòi hỏi địa phương này cần tập trung khắc phục, hạn chế thiệt hại đến đời sống, sản xuất của người dân.
Tỉnh Cà Mau có bờ biển dài 254km, trong đó bờ biển Đông khoảng 100km và bờ biển Tây khoảng 154km. Theo các chuyên gia, một trong những thách thức của biến đổi khí hậu mà địa phương đang phải đối mặt nhiều năm qua là tình trạng xói lở bờ biển. Hiện nay, tình trạng xói lở bờ biển tỉnh Cà Mau đang có xu hướng ngày càng gia tăng, cả về mức độ và phạm vi. Đây là mối đe dọa rất lớn đến ổn định dân sinh, kinh tế, xã hội vùng ven biển.
Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết: Trong giai đoạn 2011 - 2021, tỉnh Cà Mau mất hơn 5.250ha diện tích rừng phòng hộ ven biển (tương đương với diện tích bình quân một xã của tỉnh) do xói lở. Riêng năm 2021 diện tích bị sạt lở ven biển là 300ha. Trong năm 2022, tỉnh Cà Mau có 115 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài hơn 2.600m, bờ biển bị sạt lở với chiều dài hơn 3.700m.
Qua thống kê các khu vực bị sạt lở ở mức rất nghiêm trọng (tốc độ sạt lở bình quân 45m - 50m/năm) cần phải có các giải pháp công trình bảo vệ ngay, với chiều dài khoảng hơn 132km, trong đó bờ biển Đông khoảng 87km và bờ biển Tây khoảng hơn 45 km. Ngoài ra, các khu vực xói lở ở mức độ nghiêm trọng có chiều dài khoảng 67km. UBND tỉnh Cà Mau đã có tờ trình “hỏa tốc” kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét hỗ trợ tỉnh 970 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương (nguồn vượt thu) để đầu tư hoàn thành các công trình chống sạt lở đặc biệt nguy hiểm nói trên.
Trong những năm tiếp theo, tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị cần bố trí vốn hỗ trợ để tiếp tục đầu tư công trình chống sạt lở rất nguy hiểm còn lại với tổng chiều dài trên 131km. những công trình đã được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện, bước đầu phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm song, chống sạt lở, gây bồi tạo bãi. Tuy nhiên, với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay thì trong vài năm tới địa phương không chỉ mất thêm nhiều diện tích đất, diện tích rừng phòng hộ ven biển đã hình thành qua hàng trăm năm, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hạ tầng.
Lê Minh
Bình luận