Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 10:11
Thứ hai, 23/05/2022 11:05
TMO – Nhờ có những di sản địa chất độc đáo nên việc khai thác tiềm năng các di sản địa chất là một hướng đi trong phát triển du lịch tại các địa phương.
Di sản địa chất là những phần tài nguyên địa chất có giá trị nổi bật về khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và kinh tế, gồm các cảnh quan địa mạo, các di chỉ cổ sinh, các miệng núi lửa đã tắt hoặc đang hoạt động, các hang động, hẻm vực sông hồ tự nhiên, thác nước, các diện lộ tự nhiên hay nhân tạo của đá và quặng, các thành tại cảnh quan còn ghi lại những biến cố, bối cảnh địa chất đặc biệt; các điểm mà tại đó có thể quan sát được quá trình địa chất đã và đang diễn ra hàng ngày, thậm chí cả các khu mỏ đã ngừng khai thác… Di sản địa chất có vai trò quan trọng hàng đầu trong số các di sản thiên nhiên.
Theo giới chuyên gia, Việt Nam có tài nguyên di sản địa chất vô cùng phong phú với nhiều di sản được thế giới công nhận là Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang, Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng và Công viên địa chất Đắk Nông. Ngoài ra, Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh đã nộp hồ sơ lên UNESCO xin công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO (hồ sơ đã qua vòng sơ loại và đang chờ thẩm định). Công viên địa chất Phú Yên cũng đang hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.
Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông (Ảnh: Trần An)
Nghiên cứu các khu bảo tồn địa chất ở Việt Nam do Bảo tàng Địa chất thực hiện đã thống kê được 335 biểu hiện di sản địa chất, phân bố ở 8 Khu di sản địa chất: Đông Bắc Bộ, Sông Hồng, Tây Bắc Bộ, Trung Trung Bộ, Cao nguyên Nam Trung Bộ, Tây Ninh và Đông Nam Bộ, Ven biển Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ và Vịnh Thái Lan. Trong đó, các nhà khoa học đã sắp xếp 182 biểu hiện địa chất được điều tra vào 10 kiểu Di sản địa chất, gồm: Cổ sinh, Địa mạo, Cổ môi trường, Đá, Địa tầng, Khoáng vật (khoáng sản), Kinh tế, Lịch sử, Các vấn đề vũ trụ, các biểu hiện địa chất cỡ lục địa/đại dương…
Thời gian gần đây, Công viên địa chất nổi lên như là một loại hình mới trong lĩnh vực du lịch địa chất, mở ra một kỷ nguyên mới của trách nhiệm xã hội và du lịch thân thiện với môi trường Việt Nam. Công viên địa chất thúc đẩy một mô hình bảo vệ tích hợp giữa bảo tồn các đặc điểm và di sản địa chất nổi bật, đồng thời khuyến khích các cơ hội giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội.
Xây dựng cơ chế, chính sách khai thác du lịch
Hà Giang là địa phương đầu tiên khá thành công trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của di sản địa chất này. Theo quy định của UNESCO, tổ chức này sẽ tái thẩm định và đánh giá sự phát triển của từng công viên địa chất toàn cầu, định kỳ 4 năm. Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận từ năm 2010 và đã 3 lần thành công trong việc bảo vệ danh hiệu này.
Hà Giang đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Với nhiều giai đoạn triển khai khác nhau, đến nay Hà Giang đã bảo trì 200 km Quốc lộ 4C; 26 km đường lên Cột cờ Quốc gia Lũng Cú; 47 km đường tỉnh lộ 176 nối Yên Minh - Mèo Vạc... hoàn chỉnh cơ bản các tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã đảm bảo giao thông đi lại thuận lợi. Chú trọng phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật viễn thông, điện lưới, quan tâm đầu tư nâng cấp các công trình cấp nước, từng bước giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho đồng bào, tạo điều kiện phát triển du lịch ở địa phương. Ngoài ra, Hà Giang gìn giữ không gian văn hóa các dân tộc và phát triển hạ tầng đáp ứng sự phát triển của du lịch sinh thái.
Tại Cao Bằng, tỉnh đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân về giá trị của Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng. Các điểm cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái, di sản diện mạo địa chất Công viên địa chất như: hệ thống hang động Ngườm Pục (Thạch An), hang Dơi (Hạ Lang), động Ngườm Ngao (Trùng Khánh), hang Pác Bó (Hà Quảng); hệ thống sông, suối, hồ gồm: sông Quây Sơn, thác Bản Giốc (Trùng Khánh); suối Lê-nin (Hà Quảng), hồ Thang Hen (Trùng Khánh); rừng nguyên sinh Phja Oắc (Nguyên Bình); rừng Thạch An; vườn đá Hoàng Tung (Hòa An); Cúc đá Lũng Nặm, thung lũng núi đá Lục Khu (Hà Quảng); đèo Mã Phục, núi Mắt thần (Trùng Khánh)… được gìn giữ, bảo vệ, chưa có điểm nào bị xâm hại về hệ sinh thái, cảnh quan, ô nhiễm môi trường.
Giới chuyên gia cho rằng, Công viên địa chất toàn cầu đang là tiềm năng và lợi thế để khai thác du lịch theo hướng xanh, các địa phương có Công viên địa chất cần tận dụng cơ hội khai thác triển để. Tuy nhiên, chuyên gia cũng khuyến cáo cần xây dựng chiến lược cụ thể, phù hợp để vừa thực hiện tốt công tác bảo tồn, vừa phát huy giá trị về mặt tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt về mặt kinh tế.
Vũ Minh
Bình luận