Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 22:11
Thứ bảy, 08/04/2023 08:04
TMO – Hà Giang là tỉnh có diện tích chè Shan tuyết lớn nhất cả nước, trong đó có trên 7.000 ha là diện tích chè Shan cổ thụ hàng trăm năm tuổi, được các nhà khoa học đánh giá là một trong những thủy tổ của cây chè, mang nhiều nguồn gen quý hiếm. Đến nay, tỉnh Hà Giang có 2 quần thể chè Shan tuyết cổ thụ được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận Cây Di sản Việt Nam với trên 1.600 cây. Cùng với khai thác, việc bảo tồn và phát triển bền vững cây chè Shan tuyết cổ thụ là nhiệm vụ cấp thiết của tỉnh Hà Giang.
Những cây chè Shan tuyết cổ thụ có độ tuổi hàng trăm năm là những “báu vật” đối với người trồng chè nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung. Từ đó, cần khai thác và phát huy tối đa giá trị của những diện tích chè cổ thụ trên địa bàn tỉnh.
Vùng chè Shan tuyết Di sản - “vàng xanh” của đất trời cực Bắc
Hà Giang hiện có gần 20.300ha chè các loại. Trong đó, diện tích chè Shan tuyết hơn 18.600ha chiếm trên 90% diện tích; chè Shan tuyết cổ thụ có độ tuổi hàng trăm năm là 7.000 ha. Cây chè Shan tuyết được phân bố ở 11/11 huyện, thành phố trong tỉnh, trong đó 5 huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và Xín Mần có diện tích lớn nhất.
Gắn liền với việc khai thác, nâng cao giá trị kinh tế và nâng tầm thương hiệu, Hà Giang cũng chú trọng bảo tồn cây chè di sản. Tỉnh Hà Giang có vùng chè 1.629 cây đã được công nhận là Cây Di sản, trong đó riêng năm 2022 có 1.324 cây được công nhận. Hà Giang cũng là tỉnh có số lượng cây chè shan tuyết cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam nhiều nhất cả nước.
Hà Giang cũng là tỉnh có số lượng cây chè shan tuyết cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam nhiều nhất cả nước với 1.629 cây.
Những cây chè cổ thụ được coi là tài sản vô giá của bà con các dân tộc nơi đây. Nó được xem như biểu tượng của vùng đất giàu truyền thống lịch sử. Bên cạnh những giá trị lịch sử, văn hóa, hàng chục năm qua cây chè Shan tuyết cổ thụ còn được người dân ở đây khai thác, mang lại những giá trị kinh tế cao.
Tại huyện Hoàng Su Phì, nằm ở phía Tây của tỉnh Hà Giang, có độ cao trung bình trên 1.000 mét so với mực nước biển. Nơi đây hiện đang sở hữu vùng chè Shan tuyết cổ thụ, trong đó nhiều cây có tuổi đời lên đến vài trăm năm. Đến nay, toàn huyện có trên 1.200 cây chè Shan tuyết được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Cấp ủy, chính quyền huyện đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị cây chè di sản, chè cổ thụ, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ trồng chè.
Qua số liệu điều tra, khảo sát, trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì hiện có hơn 10.000 cây chè Shan tuyết có tuổi đời trên 100 năm tuổi, đường kính thân cây từ 30cm trở lên. Trong đó có 1.248 cây chè Shan tuyết cổ thụ trên địa bàn 5 xã Nậm Ty, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Tả Sử Choóng và Túng Sán đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì hiện có hơn 10.000 cây chè Shan tuyết có tuổi đời trên 100 năm tuổi, đường kính thân cây từ 30cm trở lên.
Với mục tiêu khai thác hiệu quả giá trị cây chè, nâng cao ý thức người dân trong việc quản lý, chăm sóc và bảo tồn cây chè Shan tuyết cổ thụ; xây dựng thương hiệu chè gắn với du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, thời gian, qua huyện Hoàng Su Phì đã triển khai nhiều giải pháp tích cực. Trong đó, địa phương này tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ cây chè cổ thụ. Vận động người dân chăm sóc, thu hái, sao chế, bảo quản đúng quy trình kỹ thuật; tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học và thuốc diệt cỏ để giữ gìn thương hiệu chè Shan tuyết đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi xâm hại cây di sản. Khuyến khích các địa phương đưa nội dung bảo vệ cây di sản, cây cổ thụ vào hương ước, quy ước, tiến tới xây dựng, ban hành quy chế bảo vệ cây cổ thụ và cây di sản. Tăng cường phối hợp giáo dục truyền thống, văn hóa, đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn cây di sản, hình thành ý thức quý trọng cây cổ thụ, cây di sản trong các tầng lớp nhân dân.
Giữ bằng được những cây chè cổ trước sự tấn công của... “chè tặc”
Theo tìm hiểu được biết, thời điểm năm 2008, những bản người Dao ở xã Cao Bồ (Vị Xuyên, Hà Giang) xôn xao chuyện có nhóm người từ nơi khác đến làng. Họ hỏi thăm về những cây chè cổ rồi cất công leo lên tận đỉnh núi Tây Côn Lĩnh để “mục sở thị” rừng chè Shan tuyết cổ thụ. Chỉ sau một thời gian, nhóm người này quay trở lại và đặt vấn đề muốn mua những gốc chè cổ thụ, họ trả giá đến mấy chục triệu đồng.
Khi đó, cũng có một vài người đã bán, nhưng phần lớn dân làng tiếc giống cây gắn bó với họ từ đời này sang đời khác, giống cây tạo ra kinh tế bền vững cho họ nên một lòng muốn giữ gìn, chăm sóc và quyết tâm không bán. Thậm chí, sợ mất những gốc chè Shan tuyết tuổi lớn bằng mấy đời người, chính quyền xã khi đó đã mời công an huyện về, cùng với các trưởng thôn cũng vào cuộc cam kết phải giữ bằng được những cây chè cổ, không thể để mất
Người dân địa phương quyết tâm giữ bằng được những cây chè cổ trước sự tấn công của... “chè tặc”.
Bẵng đi một thời gian, cho tới năm 2019, bản làng yên bình lại một lần nữa xôn xao - rừng chè cổ thụ thêm lần nữa “bị đe dọa” khi những thương lái nơi xa đến, tự ý thỏa thuận với người dân ở thôn Lùng Tao, Tham Vè xã Cao Bồ (Vị Xuyên, Hà Giang) thuê cây chè cổ thụ với thời gian từ khoảng 20 đến 30 năm, sau đó gắn biển hiệu bằng tiếng nước ngoài rồi thuê người dân mặc trang phục lạ để quay phim, chụp ảnh. Có gốc chè Shan tuyết cổ thụ đã được họ làm hợp đồng thuê giá trị lên đến 50 triệu đồng.
Khi biết tin, chính quyền xã Cao Bồ khi ấy đã khẩn cấp báo, mời lực lượng an ninh vào cuộc, yêu cầu người dân gỡ hết những biển ghi chú bằng chữ nước ngoài xuống. Đến nay mọi việc đã lắng xuống, rừng chè đã được yên bình trở lại. Và những cây chè Shan tuyết cổ thụ (quần thể Cây Di sản Việt Nam) đã trở thành một phần không thể thiếu đối với đồng bào các dân tộc nơi đây, hiểu được điều đó - họ cùng nhau bảo tồn để nâng cao giá trị thu nhập; bảo tồn để giữ lại nguồn gen quý; bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia; bảo tồn để phát triển bền vững.
Cây chè đã trở thành một phần không thể thiếu đối với đồng bào các dân tộc nơi đây.
Khắc phục khó khăn, bảo tồn giống chè quý
Thế nhưng cũng có một thực tế là hiện nay đối với quần thể chè Shan tuyết được công nhận là Cây Di sản đều là những cây cổ thụ, già cỗi, một số cây có dấu hiệu sinh trưởng kém, bị sâu bệnh hại, héo lá, chết cành. Trong khi, việc bảo vệ cây di sản còn gặp khó khăn do chưa có nguồn kinh phí riêng để phục vụ cho công tác bảo vệ, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây ở các địa phương.
Một bộ người dân chưa có ý thức trong việc bảo vệ cây, gây nên những vết thương cơ giới tạo điều kiện cho một số vi sinh vật xâm nhập, gây bệnh cho cây… Bên cạnh đó, nương chè chủ yếu ở các khu vực núi cao giao thông đi lại khó khăn khiến việc vận chuyển chè búp tươi hạn chế, dẫn đến năng suất lao động thấp. Đây cũng là nguyên nhân các doanh nghiệp lớn ngại đầu tư cho chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè Shan tuyết chất lượng cao. Tập quán canh tác của người dân cũng là nguyên nhân làm giảm năng suất, sản lượng chè.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc còn thấp, sản phẩm làm ra chủ yếu là chè vàng, chè phơi bán cho thị trường Trung Quốc nên giá thành không cao. Thời gian gần đây, việc các thương nhân Trung Quốc đẩy mạnh mua chè vàng với giá cao và yêu cầu sản phẩm hết sức đơn giản gây thiếu nguyên liệu cho các hợp tác xã sản xuất trong huyện. Về lâu dài, việc thu hoạch không đúng kỹ thuật do cung cấp nguyên liệu cho chè vàng (thường hái dài, có hộ gia đình còn thu hái cả cành không để lại lá chờ) sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng nương chè.
Huyện Hoàng Su Phì đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo tồn, khai thác bền vững chè Shan tuyết cổ thụ.
Trước những khó khăn trên, chính quyền huyện Hoàng Su Phì đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ. Theo đó, tích cực hỗ trợ bà con thực hiện các biện pháp thủ công như tỉa, tạo tán và xếp bao gốc chống xói mòn để cây chè phát triển. Tiến hành trồng bổ sung vào nơi có thể nhân rộng diện tích chè.
Cùng đó, khuyến khích các cơ sở chế biến chè đổi mới thiết bị công nghệ theo hướng dùng nhiên liệu điện, gas, chế biến đến sản phẩm cuối cùng đối với chè xanh; thiết kế cải tạo lại nương chè nhằm thuận lợi cho đi lại chăm sóc, thu hái, chống xói mòn bảo vệ môi trường; duy trì và nâng cao các diện tích chè chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam, hữu cơ châu Âu, Global... gắn với doanh nghiệp chế biến phục vụ xuất khẩu; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại thông qua các hoạt động hội chợ triển lãm, hội chợ thương mại, các khu du lịch, tổ chức các đêm hội thưởng thức trà, hội chợ sản phẩm OCOP... trong và ngoài tỉnh…
Để hỗ trợ địa phương bảo tồn tốt và phát triển cây chè Shan tuyết, UBND huyện Hoàng Su Phì cũng đề xuất: Các đơn vị chức năng thuộc tỉnh hỗ trợ các hợp tác xã, cơ sở đổi mới công nghệ nhằm sản xuất đa dạng các loại chè phục vụ trong nước và xuất khẩu; thống nhất tất cả các đơn vị chế biến chè có tem mác, đóng gói bao bì phải sử dụng nhãn hiệu chứng nhận chè Shan tuyết Hoàng Su Phì và Chỉ dẫn địa lý “Hà Giang” cho sản phẩm chè đúng quy định; kinh phí xây dựng vườn ươm giống chè vừa bảo tồn (chè rừng), vừa chủ động giống trồng bổ sung các diện tích chè già cỗi.
Ông Vũ Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Giang cho biết, với diện tích chè Shan tuyết cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn nguồn gen quý, góp phần nâng cao giá trị tăng thu nhập cho người dân. Đây cũng là cơ hội quý để quảng bá thương hiệu chè shan tuyết cổ thụ hữu cơ của tỉnh Hà Giang nói chung và 5 huyện được công nhận cây chè di sản đến với thị trường trong và ngoài nước.
Cũng theo ông Hiếu, để công tác bảo tồn, nâng cao giá trị cũng như việc xây dựng thương hiệu để sản phẩm chè của tỉnh Hà Giang vươn xa đang là vấn đề đặt ra hiện nay. Những cây chè shan tuyết cổ thụ hiện mọc ở khắp các địa phương của Hà Giang, điều đó làm cho công tác bảo tồn gặp nhiều khó khăn. Ngoài bảo tồn, công tác nhân giống, lưu giống cũng rất quan trọng. Bên cạnh đó, công tác xây dựng và nâng cấp mối liên doanh, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, HTX chế biến chè chưa bền vững; chưa nâng cao được chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu sản xuất đến khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Quần thể chè Shan tuyết cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn nguồn gen quý, góp phần nâng cao giá trị tăng thu nhập cho người dân tại Hà Giang.
Hàng năm, bình quân nhân dân tại các huyện có diện tích chè Shan tuyết lớn thực hiện trồng mới, trồng dặm trung bình từ 450 - 500 ha nhưng chất lượng cây giống, thời gian kiến thiết chè lâu, tỷ lệ sống thấp. Tiềm năng của cây chè Shan tuyết vẫn chưa được khai thác hết do phương thức trồng, chăm sóc chè thường gắn liền với tập tục của đồng bào các dân tộc vùng cao và khai thác tự nhiên, không có đầu tư thâm canh, mặt khác trồng bằng hạt nên năng suất chưa cao và đặc biệt chất lượng chè không đồng đều, tạo điều kiện cho các tác nhân gây hại, tác động mạnh, làm giảm tuổi thọ, đe dọa đến sự sinh tồn của nhiều vườn chè cổ thụ.
Ngoài ra, chưa chú trọng đến việc đăng ký nhãn mác, thương hiệu nhằm quảng bá, tiêu thụ sản phẩm mở rộng thị trường. Việc đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm chè của các cơ sở trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, mới chỉ thực hiện được ở một số công ty/doanh nghiệp và HTX trên địa bàn tỉnh; Một số diện tích các huyện vùng cao các hộ dân chưa đầu tư cơ giới hóa và sản xuất chè, chưa có máy hái, máy đốn, máy phun thuốc; máy móc phục vụ chế biến còn thô sơ lạc hậu, phần lớn là bộ sao sấy mini, máy vò.
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai nghiên cứu đề tài bảo tồn, phát triển bền vững chè Shan tuyết cổ thụ. Kết quả để bảo tồn, khai thác hiệu quả nguồn gen chè Shan tuyết quý Đề tài đã bình tuyển công nhận được 100 cây chè đầu dòng tại 5 huyện; tổ chức đào tạo, tập huấn về công tác bảo tồn, khai thác, nhân giống cho người dân tại các vườn chè của mình, theo phương châm kết hợp hướng dẫn lý thuyết và chỉ dẫn các thao tác kỹ thuật ngay trên thực địa.
Hướng dẫn kỹ thuật trồng chăm sóc chè Shan tuyết trên các mô hình mẫu; tập huấn qua tài liệu và hướng dẫn các thao tác kỹ thuật trong quy trình chế biến chè chất lượng cao; xây dựng kế hoạch triển khai áp dụng những kỹ thuật sản xuất mới để mở rộng vùng sản xuất chè và quảng bá sản phẩm, gắn với du lịch sinh thái tạo thị trường tiêu thụ ổn định, giúp đồng bào ở đây có thu nhập cao hơn từ cây chè, từng bước ổn định đời sống người dân…
Khách du lịch quốc tế trải nghiệm, thưởng thức trà Phìn Hồ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, cây chè Shan tuyết ở Hà Giang là loại chè sạch, được trồng ở độ cao từ 800 m trở lên so với mực nước biển, nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm. Đây là môi trường sinh trưởng tự nhiên, sạch và hoàn toàn không có tác nhân chăm sóc, tạo ra nguồn nguyên liệu tuyệt vời và quý hiếm cho những ấm chè đặc sản. Giống chè Shan tuyết Hà Giang chủ yếu là 2 giống Shan tuyết lá to và Shan tuyết lá nhỏ (chè Shan lá nhỏ chỉ có diện tích khoảng trên 250 ha tập trung tại huyện Đồng Văn); đây thường là những cây chè cổ thụ có tuổi đời vài chục năm hay đến vài trăm năm và được đánh giá là một trong những thủy tổ của cây chè, mang nhiều nguồn gen quý hiếm. Năng suất chè Shan tuyết của tỉnh bình quân giai đoạn 2013 – 2020 đạt khoảng 35,24 tạ/ha; sản lượng bình quân gần 65.000 tấn, sản lượng chè đã qua chế biến trên 10.000 tấn.
Sản phẩm chè Shan tuyết được người tiêu dùng đánh giá cao chất lượng và được biết đến ở nhiều nơi, ngoài tiêu thụ tại các tại các thị trường lớn trong nước (như tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Tuyên Quang...), chè Shan tuyết Hà Giang cũng đã có mặt tại 3 châu (Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ) và trên 20 quốc gia. Có thể khẳng định chè Shan tuyết Hà Giang có hương vị và giá trị đặc biệt, ngoài chất liệu hoàn toàn tự nhiên thì điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu cũng tạo cho chè Shan tuyết Hà Giang những đặc trưng riêng có, như nhiều tuyết trên mỗi búp chè, hàm lượng chất tanin và khoáng chất cao nên nước chè xanh, vị ngọt và rất được nước. Cùng với cảnh quan thiên nhiên, khí hậu ôn hòa và con người hồn hậu đã tạo cho vùng đất này những nét độc đáo, thu hút rất cần được bảo vệ và phát triển.
Bài tiếp: Khẳng định vị thế, nâng cao chuỗi giá trị Cây Di sản (chè Shan tuyết Hà Giang)
Tạ Thành
[Bảo tồn, nâng cao giá trị chè Shan tuyết Hà Giang] Quần thể Cây Di sản nơi đại ngàn (Bài 1)
Bình luận