Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ hai, 06/05/2024 10:05
TMO - Ông Cư Seo Vềnh (thôn Khe Đền 1, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) bị xử phạt hành chính do thực hiện hành vi đốt nương trong khi đang có cảnh báo cháy rừng cấp nguy hiểm, cực kỳ nguy hiểm.
Trước đó, vào khoảng 15h ngày 29/4, trong cao điểm nắng nóng, cảnh báo cháy rừng ở địa phương cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), ông Vềnh đã tự ý đốt rác, thực bì trên khu đất mượn của người khác tại tiểu khu 228 thuộc tổ dân phố Phú Cường 2 (thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng) và không thông báo cho tổ dân phố, kiểm lâm địa bàn, đội phòng cháy, chữa cháy rừng, UBND thị trấn để được hướng dẫn. Thửa đất mà ông Vềnh đốt thực bì nằm gần diện tích rừng trồng của người dân thôn Làng Bông, xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng).
Mặc dù trước khi đốt, ông Vềnh đã làm đường băng cản lửa rộng 3m, quá trình đốt dọn đã liên tục có mặt đề phòng cháy lan, việc đốt dọn không gây thiệt hại cho diện tích rừng liền kề, nhưng là hành vi nguy hiểm, vi phạm các quy định về bảo vệ rừng và các quy định, quy tắc về an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng. Sau khi được UBND thị trấn Phố Lu tuyên truyền, giải thích, ông Vềnh đã nhận ra lỗi của mình, cam kết sẽ chấp hành và tuyên truyền cho người thân thực hiện đúng quy định về bảo vệ rừng và an toàn phòng cháy chữa cháy rừng.
Bản tường trình của ông Cư Seo Vềnh nhận thức về sai phạm của mình sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn.
Căn cứ điểm e, khoản 5, điều 16, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định số 07/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ, UBND thị trấn Phố Lu đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Cư Seo Vềnh số tiền 2.250.000đ.
Ngày 10/4, UBND xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng cũng đã xử phạt vi phạm hành chính một chủ rừng vi phạm quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy rừng khi đốt dọn, giảm vật liệu cháy trong diện tích rừng trồng của gia đình mình.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 4 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 89 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị ảnh hưởng ước tính khoảng 498ha, tăng hơn 25% so với cùng kỳ 2023. Đặc biệt, vụ cháy từ ngày 26 và 27-4 vừa qua tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đã thiêu rụi gần 20ha rừng, làm 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh và 1 kiểm lâm viên khác bị thương khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng.
Dự báo do ảnh hiện tượng El Nino, trên cả nước sẽ còn nhiều đợt nắng nóng. Nếu không tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng rừng, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Trước tình hình này, người dân cần chú ý thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng để bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình, cộng đồng, đồng thời tránh không bị xử lý do không hiểu biết hoặc cố tình vi phạm quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng.
Căn cứ khoản 3, Điều 47, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp quy định về đốt nương rẫy, thực bì như sau:
Khi đốt nương, rẫy, đồng ruộng, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng và làm giảm vật liệu cháy trong rừng, người sử dụng lửa phải thực hiện: Biện pháp an toàn phòng cháy và chữa cháy; Không đốt vào những ngày có dự báo nguy cơ cháy rừng ở cấp IV, cấp V. Trong ngày, tiến hành đốt lúc gió nhẹ, vào trước 9 giờ buổi sáng và sau 16 giờ buổi chiều;...
Khi đốt nương, rẫy, đồng ruộng, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng và làm giảm vật liệu cháy trong rừng, người sử dụng lửa phải thực hiện: Trước khi đốt phải thông báo với trưởng thôn, bản, tổ đội phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong khi đốt phải bố trí người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan vào rừng; sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa....
Đức Luận
Bình luận