Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 05:01
Chủ nhật, 15/09/2024 19:09
TMO - Theo số liệu thống kê, bão và hoàn lưu bão số 3 gây thiệt hại khoảng 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả, khoảng 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản của người dân bị cuốn trôi, hư hỏng, gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết, khoảng 310.000 cây xanh bóng mát bị gẫy đổ.
Những ngày qua, các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc chịu thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản do bão và hoàn lưu bão số 3 gây ra. Trước đó, trưa ngày 7/9, với sức gió mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15 đã đổ bộ và càn quét, tàn phá các tỉnh khu vực phía Bắc mà trọng tâm là Quảng Ninh, Hải Phòng, vùng ảnh hưởng lớn là hàng loạt tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên, Thái Bình… khiến các địa phương này chịu thiệt hại nặng về người và tài sản. Đây là cơn bão được đánh giá mạnh và sức tàn phá lớn nhất đổ bộ vào khu vực phía Bắc trong khoảng 30 năm qua.
Báo cáo tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra vào sáng 15/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính bão và hoàn lưu bão số 3 gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng. Điều này có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng GDP của cả năm 2024 bởi khu vực phía Bắc chiếm khoảng 40% dân số cả nước và trên 41% GDP cả nước.
Quảng Ninh và Hải Phòng - hai địa phương chịu thiệt hại nặng do bão số 3.
Ngoài thiệt hại về người, theo bão và hoàn lưu bão số 3 gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng tài sản của người dân, Nhà nước. Trong đó, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn. Nông dân trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản là những đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất với khoảng 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi, gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết, khoảng 310.000 cây xanh bóng mát, đô thị bị gẫy đổ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP quý III có thể giảm 0,35%, quý IV hạ 0,22% so với kịch bản đề ra. Tính chung cả năm 2024, GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đề ra. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%; công nghiệp và xây dựng hạ 0,05% và dịch vụ 0,22%. GRDP năm nay của nhiều địa phương chịu thiệt hại nặng nề do bão, như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai... có thể giảm trên 0,5%.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh các mục tiêu sắp tới: Không để người dân nào phải thiếu ăn, thiếu mặc, bị đói bị rét, thiếu nước sạch, không có chỗ ở, các sinh hoạt thiết yếu hằng ngày; khắc phục hậu quả siêu bão số 3 có hiệu quả; nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân về tinh thần và vật chất; khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; kiểm soát tốt lạm phát và phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển.
Nhiều diện tích trồng hoa màu bị hư hỏng do mưa lũ nhấn chìm.
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phải nỗ lực thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể: Nhóm 6 nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục hậu quả bão, gồm: Tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương. Bố trí chỗ ở tạm thời cho người bị mất nhà, có nhà hư hỏng, cung cấp lương thực, thực phẩm, nước sạch cho người dân; cứu chữa người ốm đau.
Rà soát, kiểm tra, bằng mọi cách tiếp cận những nơi bị chia cắt, cô lập để hỗ trợ, tiếp tế người dân. Tập trung cả hệ thống chính trị, các lực lượng người dân dọn dẹp, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Không để mất điện, mất sóng viễn thông và các dịch vụ thiết yếu. Sửa chữa ngay cơ sở y tế, giáo dục để các cháu được tới trường, người bệnh được chữa bệnh.
Nhóm 8 giải pháp ổn định tình hình cho nhân dân, gồm: Rà soát, thống kê thiệt hại của nhân dân và Nhà nước, hỗ trợ ngay cho người dân bị thiệt hại, cố gắng ổn định tại chỗ như bố trí chỗ ở tại nhà văn hóa thôn, bản, cơ sở của công an, quân đội trên địa bàn. Thăm hỏi, chia sẻ, hỗ trợ, giải quyết hậu sự cho những người xấu số; giải quyết chính sách theo quy định. Rà soát các thôn bản bị vùi lấp, các gia đình mất nhà, tổ chức tái định cư tại nơi an toàn, yêu cầu là nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, nhà ở có nền cứng, vách cứng, mái cứng.
Cảnh tượng ngổn ngang ở các địa phương sau mưa lũ.
Rà soát, thống kê, sửa chữa các trường lớp, thiết bị để trong tháng 9 này tất cả học sinh trở lại trường. Kết nối giao thông thông suốt, làm tốt công tác an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các địa phương thống kê thiệt hại, đề xuất hỗ trợ cho các gia đình. Nghiên cứu miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng…/.
LÝ LAN
Bình luận