Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 08:11
Thứ hai, 26/09/2022 15:09
TMO – Lúc 13h chiều ngày 26/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 117,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 580km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 15. Xu hướng có thể sẽ mạnh thêm.
Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 230km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão. Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 4 (bão NORU) di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km có xu hướng mạnh thêm.
Hướng di chuyển mới nhất của bão Noru. Ảnh: TTDBKTTV
Đến 13 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 17.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 109,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 4 (bão NORU) di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km đi vào đất liền Trung Trung Bộ. Đến 13 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên khu vực đất liền Thừa Thiên Huế -Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (89-117km/giờ), giật cấp 13.
Người dân miền Trung đang chằng chống, gia cố nhà cửa ứng phó bão.
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão.
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển, nước dâng cao
Vùng biển phía Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực Giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11; vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 16; sóng biển cao từ 9-11m; biển động dữ dội. Khu vực phía Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), khu vực Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng cao 3-4m, biển động mạnh.
Từ sáng 27/9, vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 16, sóng biển cao 8-10m, biển động dữ dội. Từ chiều tối và đêm 27/9 vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m.
Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi cần đề phòng nước dâng do bão cao 1,0-1,5m gây ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông. Toàn bộ tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão.
Thủy điện xả lũ
Nhiều thủy điện ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên điều tiết lưu lượng nước để tránh thiệt hại "lũ chồng lũ" cho vùng hạ lưu khi bão Noru tới.
Tại Quảng Ngãi, theo yêu cầu của tỉnh Quảng Ngãi, thủy điện Đăk Đrink sẽ xả tràn với lưu lượng duy trì 50-100m3/s đảm bảo đến 17h ngày 27/9, mực nước hồ chứa Đăk Đrinh về mức tối đa 402 m. Sau đó tùy lượng nước về hồ, đơn vị sẽ chủ động xả điều tiết ở từng mức nước khác nhau. Còn tại Hồ chứa nước Nước Trong, hiện mực nước trong hồ đang ở cao trình hơn 113 m, đạt khoảng 50% dung tích hồ chứa, nên đơn vị quản lý hồ chưa vận hành xả điều tiết. Tuy nhiên, khi có chỉ đạo của UBND tỉnh về xả điều tiết để ứng phó bão số 4 thì đơn vị quản lý vận hành sẽ tuân thủ.
Hồ Đăk Đrink ở Sơn Tây, Quảng Ngãi xả lũ điều tiết. Ảnh: T. Thảo
Tại Quảng Nam, tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện trực 24/24 giờ; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa để điều tiết kịp thời. Nhá máy thủy điện cần thực hiện tốt thông tin đến vùng hạ lưu, vận hành điều tiết hồ đảm bảo quy trình phê duyệt.
Tại Phú Yên, từ trưa 25/9, thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ điều tiết với lưu lượng 700m3/s, cộng với nước chạy máy 400m3/s, tổng lượng nước về hạ du sông Ba là 1.100m3/s. Việc xả lũ do mưa lớn ở Tây Nguyên những ngày qua nên lượng nước về hồ thủy điện Sông Ba Hạ (thuộc địa bàn các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh của tỉnh Phú Yên) dâng cao. Việc điều tiết lũ ở các hồ chứa nước thủy điện nhằm đảm bảo mực nước ở mức cho phép, tránh thiệt hại do lũ chồng lũ.
Tiếp tục cập nhật…
Triển khai 10 nhiệm vụ ứng phó bão Noru (số 4)
Bão giật cấp 14 vào Biển Đông, hướng đến quần đảo Hoàng Sa
Nhóm PV
Bình luận