Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ bảy, 08/07/2023 12:07
TMO - Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Cà Mau xảy ra hơn 100 vụ sạt lở đất ven sông với tổng chiều dài sạt lở hơn 3.800m, làm hư hỏng hàng chục nhà dân cùng nhiều công trình lộ giao thông nông thôn do nhà nước đầu tư, tổng thiệt hại về tài sản hơn 13 tỷ đồng.
Những tháng đầu năm 2023, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh Cà Mau diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tình hình sạt lở bờ sông. Sở Xây dựng Cà Mau cho biết, toàn tỉnh có đến 82 xã hình từ ngã ba sông, rạch. Các khu vực này có nguy cơ sạt lở rất cao. Muốn giảm thiệt hại, cần phải quy hoạch cụ thể để có quỹ đất di dời người dân vào nơi an toàn có đầy đủ hạ tầng, có sinh kế để người dân an tâm. Trong khi đó, tình trạng sạt lở tại tỉnh Cà Mau liên tiếp xảy ra. Gần đây nhất, vụ sạt lở xảy ra vào khuya 5/7, trên tuyến sông Cửa Lớn (thuộc ấp Xóm Lớn Ngoài, xã Hàng Vịnh) nhấn chìm hoàn toàn 4 căn nhà, thiệt hại ước tính khoảng 200 triệu đồng.
Liên tiếp hơn một tháng qua, tại các huyện như Ðầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển và một phần Cái Nước đã xảy ra nhiều vụ sạt lở đất ven sông nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân và các công trình công cộng, nhất là đường nông thôn. Theo UBND huyện Đầm Dơi, nếu như cả năm 2022, trên địa bàn huyện Ðầm Dơi xảy ra 79 vụ sạt lở đất làm thiệt hại tài sản khoảng 6,5 tỷ đồng, thì chỉ mới qua 6 tháng năm 2023, con số này đã lên trên 120 vụ, ước thiệt hại hơn 7 tỷ đồng.
Hiện trường vụ sạt lở khiến 4 căn nhà của người dân tại huyện Năm Căn chìm xuống sông Cửa Lớn đầu tháng 7 vừa qua.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã xảy ra trên 100 vụ, với tổng chiều dài sạt lở trên 3.000m. Trong đó, có hơn 1.500m là đường giao thông nông thôn bằng bê tông cốt thép. Hầu hết, các vị trí sạt lở đều ảnh hưởng hoặc đe dọa trực tiếp đến nhà ở, tính mạng, tài sản của người dân, gây chia cắt các trục đường giao thông nông thôn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, đi lại, sản xuất của người dân.
Để khắc phục hậu quả do sạt lở gây ra, các ngành, các cấp của tỉnh Cà Mau đã tập trung mọi nguồn lực, tuy nhiên do quy mô sạt lở quá lớn, tính chất phức tạp, nguồn lực của tỉnh chỉ đủ khắc phục sạt lở 8 tuyến kênh với chiều dài 167m, hiện còn rất nhiều vị trí sạt lở nghiêm trọng chưa xử lý được vì thiếu kinh phí. Ngoài ra, hiện nay tình hình sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại, các vụ sạt lở xảy ra liên tục, hàng ngày nên nguy cơ rủi ro về tính mạng con người và tài sản luôn hiện hữu nếu không khắc phục kịp thời.
Trước tình hình cấp bách nêu trên, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương xem xét, hỗ trợ phần kinh phí vượt quá khả năng của tỉnh, số tiền 246.880 triệu đồng để xử lý khắc phục khẩn cấp sạt lở 33 tuyến kênh bằng công trình cơ bản, chiều dài 3.086m.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp: Khẩn trương rà soát trên địa bàn quản lý để xác định các điểm có nguy cơ sạt lở, sụt lún, qua đó chủ động khắc phục bằng các biện pháp phù hợp nhằm phòng, tránh thiệt hại xảy ra. Đối với những vị trí đã và đang sạt lở, UBND tỉnh Cà Mau đề nghị khẩn trương thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục, đảm bảo giao thông thông suốt, ổn định đời sống người dân bị ảnh hưởng, kịp thời thăm hỏi, hỗ trợ khắc phục thiệt hại.
Địa phương này quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu hậu quả do sạt lở bờ sông.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của người dân trông công tác phòng, chống sạt lở đất như không xây dựng nhà ven sông, nhất là tại các vị trí có nguy cơ sạt lở; các hộ dân đã xây dựng nhà ven sông phải chủ động kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý và báo cáo chính quyền địa phương khi có dấu hiệu sạt lở. Đối với những vị trí có nguy cơ sạt lở cao cần phải chủ động di dời tài sản, nhà cửa đến nơi an toàn,…Đối với các công trình giao thông dọc theo các tuyến sông, cần nghiên cứu ký về phương án tuyến, phạm vi lấy đất đắp nền đường để hạn chế tối đa việc sạt lở, sụt lún nền đường trong quá trình khai thác, sử dụng.
UBND tỉnh Cà Mau cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan kiểm tra, tổng hợp tình hình, phối hợp với các đơn vị có chuyên môn sâu để nghiên cứu đánh giá, xác định nguyên nhân sạt lở, từ đó đề xuất các giải pháp trước mắt, lâu dài nhằm khắc phục thiệt hại do sạt lở và báo cáo về UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó, các sở: Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, TP Cà Mau rà soát theo thẩm quyền, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác đất dưới lòng sông trái phép, xây dựng nhà trái phép lấn chiếm hành lang an toàn sông, kênh, rạch và xây dựng nhà tại các vị trí có nguy cơ sạt lở.
Ngoài ra, UBND tỉnh Cà Mau cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, TP Cà Mau trong quá trình triển khai thực hiện các dự án nạo vét cần phải nghiên cứu đến phạm vi nạo vét lấy đất dưới lòng sông cho hợp lý, để đảm bảo độ ổn định đất của hai bên bờ sông sau khi nạo vét và có phương án tận dụng đất trong quá trình nạo vét để bồi trúc tại các vị trí có nguy cơ sạt lở bờ sông. Đồng thời, rà soát các khu dân cư ven sông có nguy cơ sạt lở để có kế hoạch, phương án di dời.
Minh Trung
Bình luận