Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 12:01
Thứ tư, 28/08/2024 07:08
TMO - Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đưa ra báo động khẩn cấp về tình trạng mực nước biển ở khu vực Thái Bình Dương đang dâng cao với tốc độ nhanh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu.
Tại Hội nghị thượng đỉnh các đảo quốc Thái Bình Dương vừa diễn ra ở Tonga, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, nhiệt độ nước biển tại khu vực Thái Bình Dương đang tăng nhanh gấp 3 lần so với các khu vực khác trên thế giới. Hiện tượng này cũng dẫn tới việc mực nước biển dâng cao nhanh mức trung bình; từ đó tác động tiêu cực tới cuộc sống của người dân.
Cụ thể, theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, phía tây nam Thái Bình Dương là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng nước biển dâng. Cụ thể nước biển đã dâng cao khoảng 15 cm trong 30 năm qua, trong khi mực nước dâng trung bình toàn cầu là 9,4 cm. Nước biển dâng cao đang khiến cho tần suất xuất hiện cũng như mức độ nghiêm trọng của các cơn bão và lũ lụt ven biển tăng nhanh; nhấn chìm làng mạc, phá hủy nghề cá, làm hỏng mùa màng và gây ô nhiễm nguồn nước ngọt.
(Ảnh minh họa).
Tất cả đang khiến các quốc đảo Thái Bình Dương rơi vào tình trạng nguy hiểm nghiêm trọng. Một số địa điểm, đặc biệt là ở Kiribati và quần đảo Cook, mực nước biển dâng bằng hoặc thấp hơn chút ít so với mức trung bình toàn cầu. Nhưng ở các địa điểm khác như các thành phố của Samoa và Fiji, mực nước dâng cao gần gấp ba lần.
Tại Tuvalu, quốc đảo nằm ở vùng trũng của Thái Bình Dương, đất khan hiếm đến mức trẻ em sử dụng đường băng tại sân bay quốc tế làm sân chơi tạm thời. Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng, trong một số kịch bản dù chỉ ở mức vừa phải, Tuvalu có thể gần như bị xóa sổ hoàn toàn khỏi bản đồ trong vòng 30 năm tới. Bộ trưởng Khí hậu Tuvalu Maina Talia cho rằng trước thực trạng thảm họa nối tiếp thảm họa, các nước đang mất đi khả năng tái thiết, chống chọi với bão lũ.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa an ninh hàng đầu đối với các đảo quốc Thái Bình Dương và giảm ô nhiễm khí hậu là yếu tố then chốt đối với tương lai của khu vực này. Đặc biệt, khu vực Nam Thái Bình Dương được cảnh báo về mối đe dọa do mực nước biển dâng. Theo Liên hợp quốc, phần lớn người dân khu vực này sống trong phạm vi 5 km tính từ bờ biển. Mực nước biển dâng cao đang nuốt chửng đất đai khan hiếm và làm ô nhiễm nguồn thực phẩm và nguồn nước.
Lê Thư
Bình luận