Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ tư, 20/12/2023 14:12
TMO - Thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn, tỉnh Đồng Nai chú trọng đầu tư hệ thống cấp nước, đảm bảo cấp nước an toàn khu vực nông thôn, nâng cao tỷ lệ tiếp cận nước sạch tại khu vực này.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, trên địa bàn tỉnh có 89 công trình cấp nước tập trung nông thôn, trong đó 63 công trình đang hoạt động, 26 công trình đang ngưng hoạt động. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung nông thôn đến hết năm 2022 đạt 15,99%. Trong đó, có 19 công trình hoạt động bền vững, 27 công trình hoạt động tương đối bền vững, 10 công trình hoạt động kém bền vững, 07 công trình mới đưa vào hoạt động chưa đánh giá tình hình hoạt động của công trình.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có 03 mô hình quản lý, bao gồm: Đơn vị sự nghiệp công lập; Doanh nghiệp; Ủy ban nhân dân xã (Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Cộng đồng dân cư) quản lý vận hành công trình, trong đó: Đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý vận hành 32 công trình, doanh nghiệp đang quản lý vận hành 06 công trình, UBND xã đang quản lý vận hành 51 công trình.
Công trình cấp nước sạch nông thôn tại xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: PA.
Đối với các công trình do đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp đang quản lý vận hành cung cấp nước cho người dân nông thôn đang áp dụng giá nước bán lẻ, tính bậc thang từ 7.211 đồng/m3 đến 13.972 đồng/m3 (theo Quyết định 29/2020/QĐ-UBND ngày 23 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc quy định giá nước sạch sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai); đối với các công trình do UBND các xã đang quản lý vận hành cung cấp nước cho người dân nông thôn, phần lớn các đơn vị cấp nước đang thu giá nước thấp hơn giá nước quy định tại Quyết định 29/2020/QĐ-UBND ngày 23 tháng 7 năm 2020 của UBND tỉnh Đồng Nai.
Trong 89 công trình cấp nước nông thôn tập trung có 10 công trình sử dụng nguồn nước mặt, 79 công trình sử dụng nguồn nước ngầm. Hàng năm, Sở Y tế tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng nước theo quy định tại Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt QCVN 01-1:2018/BYT.
Tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu đến cuối năm 2024: Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn (QCVN 01- 1:2018/BYT của Bộ Y tế hoặc quy chuẩn địa phương) đạt 84,5%; 100% công trình cấp nước khu vực nông thôn được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn. Các công trình được đầu tư nâng cấp, xây mới sau khi đưa vào sử dụng kể từ năm 2024, đơn vị quản lý phải triển khai lập, trình duyệt và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn. Đến cuối năm 2025: Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn (QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế hoặc quy chuẩn địa phương) đạt 85%; 100% công trình cấp nước sạch khu vực nông thôn được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn.
Đến cuối năm 2026: Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn (QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế hoặc quy chuẩn địa phương) đạt 85,5%; 100% công trình cấp nước sạch khu vực nông thôn được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn. Đến cuối năm 2027: Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn (QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế hoặc quy chuẩn địa phương) đạt 86%;100% công trình cấp nước sạch khu vực nông thôn được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn. Đến cuối năm 2028: Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn (QCVN 01 - 1:2018/BYT của Bộ Y tế hoặc quy chuẩn địa phương) đạt 86,5%; 100% công trình cấp nước sạch khu vực nông thôn được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn.
Để triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, hằng năm các địa phương cần xây dựng kế hoạch truyền thông về bảo đảm cấp nước an toàn. Tổ chức thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền với các nội dung giáo dục về Luật Tài nguyên nước, bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm; giới thiệu phổ biến Chương trình bảo đảm cấp nước an toàn, giới thiệu nhân rộng các mô hình, kinh nghiệm về thực hiện tốt cấp nước an toàn để người dân, các cơ sở cấp nước, chính quyền các cấp nâng cao trách nhiệm, tự giác thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm cấp nước an toàn, bền vững.
Các địa phương cần nâng cấp, phát triển công trình cấp nước với việc đấu nối, mở rộng mạng lưới tuyến ống cấp nước. Ảnh: LA.
Thực hiện quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước thông qua việc lập hành lang bảo vệ nguồn nước và xây dựng các phương án bảo vệ, cải tạo chất lượng nguồn nước. Nghiên cứu giải pháp trữ nước đối với các công trình cấp nước sạch tập trung khó khăn về nguồn nước (Ảnh hưởng chất lượng, trữ lượng nguồn nước không ổn định...). Đầu tư các công trình quan trắc, giám sát chất lượng nguồn nước; kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm. Quản lý chặt chẽ việc khai thác nước ngầm; kiểm soát, ngăn chặn kịp thời các hoạt động gây tác hại đến nguồn nước ngầm. Thực hiện kiểm tra, xử lý các vi phạm về xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước, khai thác, sử dụng nguồn nước trái phép...
Thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn và đầu tư, nâng cấp, phát triển công trình cấp nước với việc đấu nối, mở rộng mạng lưới tuyến ống cấp nước cho các khu vực cấp nước không ổn định từ các công trình cấp nước sạch tập trung có đủ khả năng cấp nước. Thực hiện duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước tập trung đảm bảo chất lượng nước theo quy định. Thực hiện phân cấp, chuyển giao các công trình cấp nước sạch tập trung hoạt động kém hiệu quả do UBND xã, Hợp tác xã quản lý cho các đơn vị đủ năng lực để đầu tư nâng cấp, quản lý, khai thác, vận hành.
Hàng năm thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá việc lập và thực hiện các nội dung kế hoạch cấp nước an toàn của các công trình cấp nước bao gồm: Phạm vi được cung cấp bảo đảm cấp nước an toàn, các chỉ số liên quan đến kiểm soát rủi ro, chất lượng nước, chất lượng dịch vụ cấp nước (Áp lực, tính liên tục...). Ứng dụng công nghệ, thiết bị thông minh trong quản lý, vận hành công trình cấp nước. Nghiên cứu lựa chọn công nghệ và thiết bị xử lý nước hiện đại, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu...
Thu Hương
Bình luận