Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 20:11
Chủ nhật, 07/08/2022 14:08
TMO - Trong mùa mưa lũ năm 2022, để hạn chế thấp nhất thiệt hại UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác đảm vệ an toàn các hồ, đập thủy điện trong mưa lũ nhằm đảm bảo an toàn cho các vùng hạ du và các nhà máy thủy điện trên địa bàn của tỉnh.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh được phê duyệt 77 dự án thủy điện, với tổng công suất lắp máy là 1.061,9 MW. Trong đó có 37 nhà máy thủy điện đang phát điện vào lưới điện Quốc gia, với tổng công suất lắp máy là 738,5 MW. Để chủ động phòng, chống và ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, các nhà máy thủy điện đã chủ động triển khai các giải pháp sẵn sàng ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản.
UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý hồ, đập của các công trình thủy điện như: Cần phối hợp chặt chẽ về cung cấp thông tin, vận hành, đón lũ và xả lũ nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân ở các khu vực hạ du, nhất là vào thời điểm mùa mưa bão. Xác định khoảng cách giữa các nhà máy thủy điện để tính toán thời gian xả lũ phù hợp; xác định trách nhiệm của người ra quyết định xả lũ và trách nhiệm của các nhà máy thủy điện.
UBND tỉnh chỉ đạo các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh đảm bảo vận hành an toàn, đúng quy trình trong mùa mưa lũ. Ảnh: Văn Long
Đối với nhà đầu tư thủy điện đã được UBND tỉnh cho chủ trương cần thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật liên quan đến thủy điện; thực hiện nghiêm túc về công tác an toàn hồ đập; thực hiện đầy đủ các loại thuế theo qui định; các ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thủy điện nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, đền bù và giải tỏa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai đầu tư.
Các ngành chức năng của tỉnh cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các công trình thủy điện nhằm đảm bảo an toàn hồ đập và chất lượng công trình; xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư không chấp hành quy định…
Việc vận hành nhà máy phải tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật; yêu cầu đảm bảo an toàn cho công trình luôn đặt lên hàng đầu, nhất là vào mùa mưa lũ, không để xảy ra sự cố ảnh hưởng đến người dân sinh sống vùng lân cận. Ngoài việc chủ động xả hồ đón lũ, nhà máy đã trang bị hệ thống quan trắc. Theo đó, toàn bộ các thông tin lưu lượng nước về, nước xả và tình trạng đập được truyển trực tiếp về Cục Tài nguyên nước, Sở TN&MT tỉnh Hà Giang.
Ngay từ đầu năm, Sở Công thương đã ban hành kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư chấp hành các quy định về đầu tư xây dựng và vận hành, khai thác các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh; các kế hoạch và công văn triển khai các biện pháp tăng cường đảm bảo an toàn hồ đập và dự án thủy điện…
Trước khi tích nước phát điện, công trình thủy điện có đập, hồ chứa đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy trình vận hành, phương án bảo vệ đập. Đồng thời, chuẩn bị nhân lực, thiết bị, vật tư, sẵn sàng ứng phó với các tình huống an toàn của đập theo phương án được phê duyệt. Với các công trình thủy điện đang thi công, được cơ quan có thẩm quyền phân cấp phê duyệt phương án ứng phó thiên tai cho công trình và vùng hạ du đập để triển khai thực hiện.
Phương án chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa lũ 2022 được địa phương chú trọng triển khai. Ảnh: Biện Luận
Cùng với biện pháp bảo đảm an toàn hồ, đập mùa mưa lũ, trong năm 2022 nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, tỉnh Hà Giang đã lên kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp. Tỉnh phối hợp lắp đặt 17 trạm đo mưa tự động, giúp nâng cao độ chính xác trong dự báo, cảnh báo về mưa lũ.
Các địa phương quản lý chặt chẽ việc san, đào, lấp mặt bằng, hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát sỏi trên sông, suối, xử lý nghiêm các đối tượng lấn chiếm, làm nhà, xây dựng công trình vi phạm hành lang bảo vệ sông, suối gây mất an ninh, an toàn. Giám sát chặt chẽ, đảm bảo quy định vận hành đón, xả lũ đối với các nhà máy thủy điện.
Ngay khi có thiên tai xảy ra, tỉnh tích cực huy động nhân lực, vật lực theo phương châm “4 tại chỗ” để hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực; chủ động rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên đối với các công trình cần xử lý khẩn cấp, chống sạt lở bờ sông, hồ chứa nước, nâng cao khả năng chống chịu thiên tai của hệ thống kết cấu hạ tầng.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, năm 2021, các đợt thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh khiến 5 người chết, 3 người bị thương, gần 900 ngôi nhà và hàng trăm ha hoa màu cùng nhiều công trình, đường giao thông bị ảnh hưởng, thiệt hại… ước tính thiệt hại trên 70 tỷ đồng. Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 8 đợt thiên tai, làm hư hại 255 ngôi nhà, trên 817 ha cây trồng bị thiệt hại… Tổng thiệt hại ước tính trên 44 tỷ đồng.
Minh Nguyễn
Bình luận