Hotline: 0941068156
Thứ hai, 16/09/2024 08:09
Thứ tư, 15/05/2024 14:05
TMO - Mặc dù đã được đầu tư, nâng cấp tuy nhiên trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn nhiều công trình thủy lợi: Trạm bơm, cống, kênh, đập hồ thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp…, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, giảm hiệu suất tiêu úng cho sản xuất nông nghiệp nhất là trong mùa mưa bão.
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực đồng bằng Bắc Bộ, tại Hà Nội, năm 2024, tình trạng nắng nóng sẽ có khoảng 4 - 6 đợt (từ 2 ngày trở lên) xảy ra. Trong tháng 6, sẽ xuất hiện nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, với nhiệt độ cao nhất tuyệt đối phổ biển từ 39 - 41 độ C. Trong tháng 7 và tháng 8 có khả năng xuất hiện nhiều hơn trung bình nhiều năm, có khoảng 4 đến 6 đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt. Đồng thời, trong năm sẽ có khả năng xảy ra từ 1 - 2 đợt hạn hán vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 và tháng 12, tại những thời điểm này thời tiết chủ yếu ít mưa và vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 khả năng có nắng nóng gay gắt, độ ẩm thấp, mực nước các sông trong khu vực xuống thấp. Một số huyện cần đề phòng khả năng bị hạn nặng như Ba Vì, Sóc Sơn, Mê Linh, Quốc Oai, Chương Mỹ…
Về tình hình số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông sẽ nhiều hơn năm 2023, ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (10 - 12 cơn) và có khả năng tập trung nhiều vào thời kỳ nửa cuối mùa mưa bão. Trên địa bàn TP.Hà Nội có khả năng chịu ảnh hưởng từ 2 - 3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới.
Đối với mưa lũ, trong năm có khả năng xuất hiện phù hợp với quy luật nhiều năm. Nửa sau tháng 5, một số sông trong khu vực có khả năng xuất hiện lũ tiểu mãn với đỉnh lũ tiểu mãn thấp hơn trung bình nhiều năm. Trong toàn mùa xuất hiện 3- 5 đợt lũ, trong đó 1- 3 đợt lũ lớn có khả năng xuất hiện trên sông Đáy và các sông nội tỉnh. Đỉnh lũ năm các sông phổ biến thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm và cao hơn đỉnh lũ năm 2023. (Mực nước đỉnh lũ năm trên sông Đà, sông Hồng, sông Đuống dưới mức BĐ1; sông Đáy từ BĐ1 - BĐ2; các sông nội tỉnh (sông Tích, sông Bùi, sông Nhuệ, sông Cà Lồ…) từ BĐ2 - BĐ3).
Các địa phương chú trọng rà soát hồ đập, đê điều trước mùa mưa bão.
Thời gian xuất hiện đỉnh lũ tại sông Đà, hạ lưu sông Hồng, sông Đuống sẽ rơi vào khoảng tháng 7 hoặc tháng 8. Đối với Sông Đáy và các sông nội tỉnh như: Sông Tích, sông Bùi, sông Nhuệ, sông Cà Lồ… vào khoảng cuối tháng 7, tháng 8 hoặc tháng 9. Theo thống kê của các tổ chức thủy lợi cho thấy, trên địa bàn thành phố hiện có 405 công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, cần đầu tư kinh phí sửa chữa lớn; trong đó có 174 trạm bơm, 65 cống, 16 hồ thủy lợi...
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực đồng bằng Bắc Bộ, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết, thủy văn năm 2024 có thể diễn biến phức tạp khó lường, vì vậy cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như: Dông lốc, rét hại, nắng nóng gay gắt, bão mạnh; mưa lớn tập trung với cường độ mạnh trong thời gian ngắn gây ngập úng cục bộ tại các khu đô thị, vùng trũng thấp; lũ lớn, lũ muộn, lũ rừng ngang… ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và các hoạt động kinh tế - xã hội.
Thực tế này đòi hỏi các đơn vị, địa phương tăng cường hơn nữa nguồn lực đầu tư để phát huy năng lực công trình, nhất là khi mùa mưa, bão năm 2024 đã cận kề. Để bảo đảm an toàn công trình phòng, chống thiên tai, phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với các tổ chức thủy lợi và quận, huyện, thị xã kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình trước mùa mưa, bão năm 2024. Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT Hà Nội đề xuất UBND thành phố tiếp tục quan tâm, bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, xây mới, bảo đảm an toàn, phát huy năng lực của công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, dân sinh, phòng chống thiên tai trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Trước mắt, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các tổ chức thủy lợi thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc tu bổ, sửa chữa hư hỏng tại các trạm bơm, cống tiêu, hồ, đập, thiết bị điện; nạo vét bể hút trạm bơm, kênh, mương, đặc biệt là hệ thống công trình phục vụ chống úng. Bên cạnh đó, các công ty thủy lợi thành phố xây dựng phương án phòng, chống úng ngập, bảo đảm an toàn đập, hồ thủy lợi trong mùa mưa, bão năm 2024...
Các quận, huyện, thị xã cần bố trí nguồn lực, chỉ đạo đơn vị chức năng sửa chữa, chống xuống cấp các công trình thủy lợi được giao quản lý theo phân cấp; nạo vét hệ thống kênh, mương, bảo đảm 100% công trình vận hành an toàn, hiệu quả;... Đặc biệt, các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với tổ chức thủy lợi kiên quyết ngăn chặn, xử lý những vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; tổ chức giải tỏa ngay những vi phạm làm cản trở dòng chảy trên hệ thống kênh, mương, nhất là trục chính sông Nhuệ và các tuyến kênh tiêu lớn...
Công tác nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy cũng được đẩy mạnh triển khai.
Cùng với nhiệm vụ bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cứu hộ TP.Hà Nội nhấn mạnh, các cấp, các sở, ngành và địa phương cần thường xuyên rà soát, kiện toàn cơ quan chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cứu hộ. Đồng thời, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến từng tình huống thiên tai, sự cố, biến đổi khí hậu, môi trường; tham mưu, chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả, khắc phục khẩn trương hậu quả thiên tai, sự cố gây ra.
Chú trọng kiểm tra, theo dõi, đánh giá chất lượng hồ đập, đê điều, cơ sở hạ tầng và các công trình trọng điểm, xung yếu, kịp thời phát hiện vi phạm, sự cố, nguy cơ gây mất an toàn; kịp thời triển khai các biện pháp xử lý sự cố giờ đầu, tham mưu đầu tư, sửa chữa, duy tu nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản, hoa màu, đất canh tác của nhân dân,...
Thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa trang bị, thiết bị, dụng cụ, vật tư, phương tiện và củng cố hệ thống kho tàng, trạm, xưởng phục vụ công tác phòng, chống, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm nâng cao năng lực công tác phòng chống thiến tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, đồng thời nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, sự cố.
Thu Hằng
Bình luận