Hotline: 0941068156
Thứ hai, 27/01/2025 17:01
Chủ nhật, 26/01/2025 20:01
TMO - Trong không khí rộn ràng của những ngày cuối năm, việc gói bánh chưng không chỉ đơn thuần là một công đoạn chuẩn bị cho mâm cỗ ngày Tết, mà còn là dịp để các thế hệ trong gia đình quây quần bên nhau, gìn giữ và phát huy một truyền thống lâu đời.
Dù trong nhịp sống hiện đại hối hả và bận rộn, gia đình ông Trần Quang Hùng tại xã An Ninh, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam vẫn kiên định giữ gìn truyền thống gói bánh chưng vào những ngày cuối năm. Với ông Hùng, mỗi chiếc bánh chưng không chỉ là một món ăn đặc trưng ngày Tết, mà còn là biểu tượng lòng hiếu thảo và tình cảm gia đình bền chặt.
Năm nay, gia đình ông gói bánh muộn hơn, vào ngày 27 tháng Chạp (ngày 26/1 dương lịch), nhưng vẫn kịp hoàn thành những chiếc bánh để mang đi biếu tặng người thân như một lời tri ân sâu sắc.
Nguyên liệu gói bánh được gia đình ông Hùng chuẩn bị từ 5 giờ sáng.
Để làm bánh chưng ngon, ông Hùng chuẩn bị nguyên liệu từ hai ngày trước. Theo ông, lá dong phải chọn loại dày, tươi và không bị sâu bệnh để tránh bánh bị rách và giữ màu xanh đẹp. Nhân bánh được làm từ thịt lợn ba chỉ tẩm gia vị tiêu, muối, kết hợp với đậu xanh, hành, và gạo nếp cái hoa vàng dẻo thơm, đã được ngâm 10-12 giờ trong nước lạnh rồi vo qua.
Ông Trần Quang Hùng (56 tuổi) tỉ mỉ dạy các con , cháu gói bánh chưng đón Tết.
Khi gói bánh, ông Hùng dùng khuôn để bánh có hình vuông vắn, đồng thời, chú ý mặt trong của lá dong phải hướng vào để bánh không bị dính và dễ dàng bóc khi hoàn thành. Mỗi chiếc bánh thường được ông gói với 8 lá dong: 4 lá lớn, dày ở ngoài và 4 lá nhỏ lót bên trong.
Anh Trần Văn Tú (30 tuổi) vừa rửa lá dong vừa dạy các con giữ gìn truyền thống trong không khí ấm cúng.
Anh Trần Văn Tú, con rể ông Hùng, chia sẻ: “Dù bận rộn công việc cuối năm, tôi tranh thủ đưa các con sang nhà ông ngoại vừa để giúp gói bánh, vừa dạy các con về truyền thống gia đình. Các con rất hào hứng, tôi cảm thấy hạnh phúc khi gia đình quây quần bên nhau”.
“Chúng tôi gói bánh để tưởng nhớ tổ tiên và để con cháu hiểu được giá trị gia đình, gìn giữ những truyền thống quý giá”, ông Hùng tâm sự. Mỗi dịp Tết, gia đình ông lại sum vầy bên nhau, cùng gói bánh, ôn lại kỷ niệm và hơn cả là bảo tồn một phần không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền.
Sau 8 giờ chờ đợi, ông Hùng tranh thủ vớt bánh chưng.
Giữa nhịp sống hiện đại, gia đình ông Hùng vẫn kiên trì giữ gìn truyền thống gói bánh chưng, trở thành biểu tượng quý giá. Mỗi chiếc bánh là cầu nối giữa các thế hệ, là tình cảm yêu thương được gửi gắm qua từng lớp lá, nắm gạo, miếng thịt.
Bánh chưng vớt ra để nguội, ráo nước.
Chào đón năm mới Ất Tỵ 2025, ông Hùng bày tỏ hy vọng gia đình sẽ có một năm mới an khang, thịnh vượng, sum vầy. Như chiếc bánh chưng xanh bền chặt, ông mong rằng truyền thống và tình đoàn kết trong gia đình sẽ mãi vững bền theo thời gian./.
THU HIỀN – HƯƠNG LAM
Bình luận