Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 24/01/2025 12:01
Thứ sáu, 22/03/2024 19:03
Vào những năm thời tiết ấm áp, bạch mai nở đều và dày hơn. Trên thân, hoa bung nở dày các cành, toả hương thơm ngát từ đêm về sáng. Mai thường nở từ rằm tháng Giêng đến qua đầu tháng 2 âm lịch.
“Thần mai”
Cây Bạch Mai ai ở đình Phú Tự, xã Phú Hưng, TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre có tuổi đời hơn 300 năm, cây cao hơn 4m, từ thân mẹ tỏa ra 9 nhánh con và nhiều nhánh phụ, tán rộng phủ khoảng 40m2. Cây bạch mai này đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam vào tháng 2/2014.
Cây cổ thụ Bạch Mai tại đình Phú Tự gắn liền với lịch sử khai hoang, mở đất. Vào giai đoạn đầu thế kỷ XVIII, khi các lưu dân từ miền Trung, miền Bắc đầu tiên đặt chân tới đây khai phá thì đã phát hiện thấy loài cây lạ, dáng dấp to lớn, cứ độ tiết Xuân sang là hoa nở trắng xóa. Cho rằng đây chính là phước địa nên bà con đều vô cùng trân trọng giữ gìn, nhiều người còn tỏ lòng mến mộ muốn nhân giống cây để mang về trồng nhưng lại bất thành. Từ đó, nhiều câu chuyện bí ẩn, linh thiêng xung quanh cây cổ thụ này được lan truyền rộng khắp nên người đời khi ấy đều kính cẩn gọi là "Thần mai".
Bạch Mai ở đình Phú Tự.
Sau khi hoàn thành công cuộc khai phá đất hoang, năm 1808, triều đình nhà Nguyễn chính thức công nhận thôn Phú Tự. Dân làng ở đây mới bắt đầu dựng nên một ngôi đình kế bên cây cổ thụ để thờ cúng. Khoảng từ năm 1808 - 1904, cây Bạch Mai vẫn luôn nằm ở phía bên hông của đình thần. Tuy nhiên đến năm 1904, sau khi tôn tạo, cửa đình lại hướng về phía Nam. Từ đó, cây cổ thụ Bạch Mai tại đình Phú Tự trở thành một bức bình phong án ngữ ngay trước chính môn, ngăn chặn những điều xúi quẩy xâm nhập nơi thờ tự thiêng liêng.
Trải qua bao năm tháng và nhiều biến cố lịch sử, cây cổ thụ Bạch Mai tại đình Phú Tự vẫn sống khỏe mạnh với tư thế hết sức vững chãi và tán lá sum suê tỏa rộng khắp sân. Người dân trong vùng kể lại, vào năm Mậu Thân năm 1968, tại đây đã xảy ra một trận đánh lớn. Khu vực đình Phú Tự bị máy bay ném bom, trong đó có hai quả bom rơi bên cạnh gốc Bạch Mai làm cây gãy đổ vài cành nhánh lớn và dấu tích ấy vẫn còn lưu lại đến tận ngày nay. Lúc bấy giờ, nhà cửa trong thôn xóm đều bị đốt cháy nhưng trước đó, bà con xung quanh đã di tản qua đình nên được an toàn. Cây cổ thụ Bạch Mai tại đình Phú Tự sau đó lại tiếp tục phát triển bình thường, mặc dù thân cây mẹ không còn nhưng có rất nhiều cành nhánh nhỏ vươn ra um tùm. Từ đó, niềm tin về sự linh thiêng của đình Phú Tự và vị "Thần mai" bảo hộ cho thôn xóm ngày càng lan xa, các thế hệ con cháu ngày sau vẫn luôn được cha mẹ, ông bà kể lại vào mỗi dịp Tết đến.
Toả sắc hương cho đời
Đình Phú Tự là một trong những ngôi đình thần lâu đời nhất tại tỉnh Bến Tre, được xây dựng từ khoảng thế kỷ XVIII. Ngay từ phía ngoài, cổng chính ngôi đình hiện lên trước mắt mọi người là một hình ảnh cực kỳ cổ kính và nhuốm màu thời gian. Bước vào giữa sân đình, một cảm giác choáng ngợp bởi gốc Bạch Mai vô cùng to lớn và sum suê, đứng sừng sững như đang canh giữ cho ngôi đình cổ. Theo các nhà nghiên cứu, cây cổ thụ Bạch Mai tại đình Phú Tự thuộc họ mai mù u, thân cây xù xì, cành nhánh vươn dài và tán lá xoè rộng đến cả mấy chục mét. Bên cạnh gốc Bạch mai là một bức tượng "Bạch Mai bi ký" dựng trên con rùa đá với ngụ ý rằng: Từ lúc khai thiên lập địa đến nay, vùng đất phía Nam vẫn còn rất hoang sơ. Sau đó, người dân đến mở đất, lập làng và xem nơi đây là chốn đất lành chim đậu. Ngôi đình Phú Tự và cây Bạch Mai cổ thụ như những chứng nhân của lịch sử, giúp người đời tưởng nhớ về cội nguồn tổ tiên, về những năm tháng của buổi đầu sơ khai.
Bạch Mai phát triển nhiều nhánh cho thấy sức sống của cây rất mãnh liệt.
Cây cổ thụ Bạch Mai tại đình Phú Tự chỉ ra hoa đúng một lần vào mùa xuân, khoảng từ ngày rằm tháng Giêng đến tháng 2 âm lịch. Không giống như những loại mai vàng khác, Bạch Mai không cần lẩy lá mà vẫn có thể ra hoa. Cứ vào giữa tiết Lập xuân và Thanh minh, từng chùm hoa mai trắng muốt, nhụy vàng lại tỏa hương thơm thoang thoảng vừa thanh tao lại tinh tế vô cùng. Ban đầu, đến độ Tết Nguyên tiêu, những nụ hoa màu xanh mơn mởn sẽ từ từ nhú ra từ trong cành nhánh rồi khoảng giữa tháng Giêng âm lịch, hoa mai bất ngờ bung nở trắng xóa, hấp dẫn hàng đàn ong bướm tranh nhau đến hút mật tạo nên cảnh sắc vô cùng xinh đẹp.
Hằng năm, mỗi khi hoa mai nở rộ, người dân địa phương đặc biệt không hái hoa, bẻ cành, xâm phạm đến cây. Hương chức đình Phú Tự trải lưới quanh gốc Bạch Mai để thu gom hoa rụng. Số hoa này sẽ được phơi khô, làm thành những túi lộc may mắn tặng cho khách thập phương đến thăm và cúng đình vào dịp Kỳ yên sắp tới. Người dân địa phương cũng đến ngắm hoa, nhặt hoa rụng để ướp trà, ngâm rượu, xem đây là “lộc” may mắn đầu năm của gia đình. Chỉ cần bỏ một nhúm hoa mai vào bình, rót thêm nước sôi là sẽ có ngay một ấm trà hoa Bạch Mai thơm phức. Cũng có vài người tranh thủ qua đình nhặt hoa mai về ngâm rượu, ủ chừng một năm là sẽ có được loại rượu nâu đỏ rất đẹp, mùi thơm ngào ngạt và hương vị đặc trưng khó quên.
Bạch Mai cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam năm 2014.
Từ nhiều năm nay cây cổ thụ Bạch Mai tại đình Phú Tự không chỉ là chốn linh thiêng của người dân bản xứ mà còn là điểm đến du lịch thu hút khách thập phương tại Bến Tre. Hàng năm ngoài các lễ cúng Kỳ yên, thượng điền, hạ điền, đình Phú Tự còn là nơi tổ chức các lễ hội văn hóa như Tết Nguyên tiêu, ngày thơ Việt Nam, giỗ tổ Hùng Vương, thương binh liệt sĩ… dưới cội “Thần mai” thu hút đông đảo du khách xa gần đến thắp hương và chiêm ngưỡng những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Hiện nay, tại đình Phú Tự còn 4 câu thơ xưa nói về cổ thụ bạch mai:
Khí thiêng hun đúc bạch mai thần
Phú Tự đình xưa bóng rợp sân
Xuân trổ ngàn hoa đơm trắng phếu
Đông đâm muôn lộc phủ trong ngần
Tại đình Phú Tự còn có 2 cây cổ thụ khác có tuổi thọ trên 100 năm. Đó là cây khế chua và cây thị nằm phía sau đình. Do chính quyền và người dân địa phương thấy được giá trị văn hóa của ngôi đình và các cây cổ thụ nên rất quan tâm chăm sóc, bảo vệ.
Ghi chép của PHAN LÂM
Mời bạn đọc tham gia Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024. Theo đó, cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát động. Đối tượng dự thi là người viết chuyên và không chuyên trong và ngoài nước. Tác phẩm dự thi là bài viết về chủ đề “Cây Di sản Việt Nam”. Những tác phẩm, bài viết về Cây Di sản Việt Nam đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông nhưng chưa tham gia cuộc thi nào vẫn đủ điều kiện tham gia cuộc thi này. Thời gian tiếp nhận tác phẩm dự thi: Từ ngày 15/3/2024 đến hết ngày 30/9/2024. Lễ trao giải được tổ chức vào cuối tháng 11/2024. Tác phẩm dự thi được gửi đến Ban tổ chức đồng thời theo 2 địa chỉ: Qua đường chuyển phát nhanh: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường (Tầng 2, số 348 đường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội). E-mail: [email protected] Cơ cấu giải thưởng gồm 23 giải: 01 Giải đặc biệt trị giá 20.000.000 đồng, kèm Giấy xác nhận đạt giải. 02 Giải A: Trị giá mỗi giải 10.000.000 đồng, kèm Giấy xác nhận đạt giả 05 Giải B: Trị giá mỗi giải 5.000.000đ, kèm Giấy xác nhận đạt giải. 15 Giải C: Trị giá mỗi giải 2.000.000đ, kèm Giấy xác nhận đạt giải. |
Bình luận