Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 17:11
Thứ tư, 21/02/2024 07:02
TMO - Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Ninh về công tác bảo vệ môi trường, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành các mục tiêu của Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh, giai đoạn 2019-2025 và tham mưu tỉnh xây dựng phương án bảo vệ môi trường đến năm 2030.
Thông tin từ UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết: Sau 4 năm thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh, giai đoạn 2019-2025 đạt nhiều kết quả quan trọng. Ngay sau khi Đề án được triển khai, các địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; phát động các phong trào làm sạch ruộng đồng, đường làng ngõ xóm; phong trào chống rác thải nhựa; phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường; tổ chức tốt việc thu gom, vận chuyển vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; triển khai hiệu quả mô hình phân loại, xử lý chất thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình sử dụng vi sinh bản địa IMO…
Đến nay, 3/4 khu xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng đã đi vào hoạt động và vận hành thử nghiệm, đưa Bắc Ninh trở thành địa phương tiên phong của cả nước thực hiện thành công xã hội hoá công nghệ đốt rác phát điện. Từ đó, giải quyết cơ bản lượng chất thải rắn sinh hoạt tồn đọng nhiều năm cũng như chất thải phát sinh mới trong toàn tỉnh, bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững.
Công tác thu gom, xử lý rác thải là một trong những nhiệm vụ quan trọng được địa phương này đẩy mạnh thực hiện.
Các huyện, thị xã, thành phố cũng đang tập trung lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải khu vực đô thị, nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, ổn định sản xuất. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 100%. Tỉnh cũng đã xây dựng phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đến 3 Nhà máy điện rác đã đi vào hoạt động và vận hành thử nghiệm, bảo đảm năng lực xử lý của các Nhà máy cũng như giải quyết triệt để bài toán xử lý chất thải hiện nay.
Đối với các khu công nghiệp (KCN) tập trung, tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong các KCN tỉnh. 11/12 KCN đi vào hoạt động bảo đảm các yếu tố môi trường theo quy định, KCN Hanaka vẫn chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung do vướng mặt bằng trong quá trình triển khai thi công. Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường còn tồn tại và khó giải quyết nhất vẫn là khu vực CCN, làng nghề, mặc dù HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách đầu tư, hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên do tập tục sản xuất nằm xen kẹp trong dân; công nghệ sản xuất lạc hậu; hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ… nên ô nhiễm môi trường khu vực này chưa được kiểm soát triển để, nguy cơ gia tăng ô nhiễm môi trường cao. Sở Công Thương đã tham mưu tỉnh xây dựng, lập quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh tích hợp vào Quy hoạch tỉnh, phù hợp với thực tiễn.
Đồng thời các địa phương có làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng như TP Bắc Ninh, huyện Yên Phong…đã tập trung xây dựng Đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường như tại làng giấy Phong Khê, Bún Khắc Niệm (TP Bắc Ninh); làng nghề cô đúc nhôm Mẫn Xá, xã Văn Môn (Yên Phong), nhằm thực hiện cải thiện môi trường các khu vực này theo đúng lộ trình của Đề án. Tăng cường vai trò giám sát của chính quyền cơ sở đối với công tác bảo vệ môi trường làng nghề; tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở có nguồn thải lớn, xử lý nghiêm các hành vi xả chất thải vượt quy chuẩn môi trường, hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường phát sinh cao.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả lộ trình của Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh, giai đoạn 2019-2025 và tiếp tục lộ trình đến 2030 thì công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường cho các tầng lớp nhân dân phải luôn được chú trọng. Đồng thời thực hiện có hiệu quả, nền nếp các phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường; phong trào chống rác thải nhựa; làm sạch đường làng, ngõ xóm, ruộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh…
Sở TN&MT cũng tham mưu tỉnh tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu xử lý chất thải sinh hoạt tập trung phát năng lượng, đồng loạt đi vào hoạt động chính thức trong năm 2024; rà soát, bổ sung quy hoạch khu vực xử lý chất thải xây dựng, phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1 khu xử lý chất thải rắn xây dựng. Tập trung đầu tư xử lý làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với các CCN đã đi vào hoạt động; bố trí nguồn vốn cho đầu tư các công trình xử lý môi trường khu vực nông thôn, làng nghề… nhằm giải quyết căn bản các vấn đề môi trường tồn đọng.
Sở TN&MT tỉnh triển khai các giải pháp, yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy mạnh bảo vệ môi trường làng nghề. Ảnh: TG
Năm 2024, Sở TN&MT tỉnh tiếp tục tập trung quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường; kiểm soát, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học; từng bước xây dựng, hoàn thiện bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành TN&MT. Đồng thời, phát huy sức mạnh đoàn kết, tạo sự đồng thuận của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn được thu gom, tự xử lý, vận chuyển, xử lý tập trung đạt 100%; tỷ lệ các cụm công nghiệp và các làng nghề truyền thống có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn 30%...
UBND tỉnh đề nghị Sở TN&MT tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, sớm tham mưu tỉnh xây dựng các đề án, dự án theo chương trình, mục tiêu cụ thể, nhằm nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước về lĩnh vực TN&MT; quan tâm, bồi dưỡng, kiện toàn công tác cán bộ đảm bảo đủ năng lực, phẩm chất, chuyên môn. Tập trung chỉ đạo, thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các kết luận, kế hoạch của tỉnh về xử lý đối với các trường hợp giao đất ở không đúng thẩm quyền; sử dụng đất lấn, chiếm; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất; thực hiện các dự án đất dân cư dịch vụ trên địa bàn tỉnh tại các huyện, thị xã, thành phố và các phòng chuyên môn.
Bên cạnh đó, xây dựng lộ trình, giải pháp từng bước khắc phục ô nhiễm môi trường khí thải, nước thải; duy trì và tăng cường xử lý ô nhiễm nước thải tại phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh. Có phương án chỉ đạo các địa phương rà soát lại tất cả các điểm trung chuyển rác thải để vận chuyển về các nhà máy đốt rác phát điện, tiến tới xóa bỏ các điểm tập kết rác thải trên địa bàn tỉnh.
Triển khai Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường năm 2022 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PEPI 2022), với 65,29 điểm, tỉnh Bắc Ninh đứng thứ Tư cả nước trong thực hiện Bộ chỉ số này sau thành phố Đà Nẵng (73,33 điểm) và 2 tỉnh: Bắc Kạn (70,29 điểm), Lạng Sơn (65,62 điểm). 5 tỉnh có tổng điểm thấp nhất là: Bình Thuận, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Đắk Lắk, Bạc Liêu. Tỉnh Bắc Ninh cũng đứng đầu trong vùng Đồng bằng sông Hồng và các địa phướng phát triển mạnh về công nghiệp (thường có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao hơn).
Bộ chỉ số PEPI của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống của các địa phương. Đồng thời, đánh giá hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, khuyến khích nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước và người dân trong công tác bảo vệ môi trường.
H.A
Bình luận