Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 06:01
Thứ ba, 14/05/2024 10:05
TMO - Đến nay, 7 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn xảy ra dịch tả lợn châu Phi, với số lợn bệnh tiêu hủy gần 1.400 con, tổng trọng lượng gần 54 tấn. Chỉ còn huyện Pác Nặm chưa xuất hiện bệnh dịch này.
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn, từ đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, đến tháng 4, dịch bùng phát ở nhiều địa phương. Đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn có 358 hộ dân chăn nuôi trong 108 thôn của 38 xã ở 7 huyện, thành phố xảy ra dịch tả lợn châu Phi, với số lợn bệnh tiêu hủy gần 1.400 con, tổng trọng lượng gần 54 tấn. Duy chỉ còn huyện Pác Nặm chưa xuất hiện bệnh dịch này.
Nguyên nhân bùng phát dịch bệnh được xác định do người dân chủ quan trong phát triển chăn nuôi, đặc biệt trong điều kiện chăn nuôi nông hộ, người dân không áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học. Bên cạnh đó, các năm 2019 đến 2021 các xã trên đại bàn tỉnh Bắc Kạn đều phát sinh ổ bệnh dẫn đến mầm bệnh hiện vẫn còn sẵn trong tự nhiên.
Người dân xã Dương Quang, TP.Bắc Kạn tiêu huỷ lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: TT.
Ngay từ tháng 1/2024, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành phương án phòng, chống dịch bệnh trên động vật và thuỷ sản, trong đó có dịch tả lợn châu Phi. Sở NN&PTNT tỉnh cũng đã có chỉ đạo phun thuốc khử trùng dịp trước và sau Tết nguyên đán nhằm giảm thiểu tất cả các mầm bệnh.
Cuối tháng 4 vừa qua, Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn ban hành văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố và các cơ quan chuyên ngành thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt chú ý từ vấn đề quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, mua bán con giống, đến các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh trước khi nhập lợn về cung cấp cho người dân phải đảm bảo lợn được tiêm phòng đầy đủ...
Bên cạnh đó, các địa phương của tỉnh Bắc Kạn cần tiếp tục chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch như tuyên truyền, vận động người dân không vận chuyển lợn bệnh, lợn ốm mang đi tiêu thụ, không mua bán lợn không rõ nguồn gốc. Thường xuyên vệ sinh khử trùng tiêu độc, thăm nắm tình hình dịch bệnh, tuân thủ quy trình tiêu hủy lợn bệnh. Với người dân, khi phát hiện lợn ốm, nghi mắc dịch cần chủ động thông báo cho cơ quan chức năng hoặc xã, phường nơi gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, tiêu hủy.
Nguyễn Điệp
Bình luận