Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 05:11
Thứ sáu, 24/05/2024 14:05
TMO - Tỉnh Bắc Giang triển khai phương án phân vùng môi trường theo vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và vùng khác đã được định hướng trong quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia.
Theo đó, tỉnh Bắc Giang triển khai phân vùng môi trường nhằm ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm và suy thoái môi trường, bảo vệ và giải quyết cơ bản tình trạng suy thoái môi trường, từng bước nâng cao chất lượng môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường, trước hết ở những nơi đã bị ô nhiễm nghiêm trọng; đồng thời, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về môi trường. Bảo vệ và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và môi trường; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì và phát triển một số khu sinh thái, khu bảo tồn thiên nhiên.
Nâng cao khả năng kiểm soát ô nhiễm của các cơ sở sản xuất kinh doanh, bệnh viện, khu dân cư, khu công nghiệp bằng áp dụng rộng rãi, có hiệu quả cao các biện pháp phòng ngừa và xử lý ô nhiễm, suy thoái môi trường. Qua đó, hướng tới mục tiêu: 100% khu, cụm công nghiệp hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường; Tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt thành phố Bắc Giang và các đô thị loại IV trở lên đạt 100%; Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn đạt 95% Tỷ lệ chất thải rắn thu gom được xử lý đạt 95% (trong đó, khu vực thành thị đạt 100%; khu vực nông thôn đạt 90%); 100% các cơ sở có nguồn thải (khí thải, nước thải) lớn lắp đặt hệ thống quan trắc tự động.
Khắc phục có hiệu quả mức độ ô nhiễm nguồn nước sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam. Bảo vệ nguồn nước mặt các hồ lớn của tỉnh như hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần…Đảm bảo duy trì lưu lượng các sông, hồ không dưới mức trung bình hiện nay. Khắc phục tình trạng xói mòn, sạt lở bờ sông, suối, hồ. Giảm thiểu ô nhiễm không khí ở các thành phố, thị trấn trung tâm và xung quanh các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất phát sinh lượng khí thải lớn. Đảm bảo khôi phục diện tích các vùng rừng tự nhiên, tiếp tục các chương trình trồng rừng. Ngăn ngừa việc sụt lún đất, ô nhiễm nguồn nước bằng các biện pháp quản lý khai thác khoáng sản, khai thác nước ngầm và quản lý chất thải. Quản lý tốt tài nguyên nước ngầm, không để suy giảm lưu lượng và chất lượng nước ngầm.
Tại vùng bảo vệ nghiêm ngặt như khu vực hồ Cấm Sơn, tỉnh Bắc Giang chỉ chấp thuận dự án đầu tư sinh thái, vì mục đích bảo tồn và sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường.
Cụ thể, vùng bảo vệ nghiêm ngặt trên địa bàn tỉnh bao gồm các khu bảo tồn thiên nhiên, vùng có các yếu tố, đối tượng nhạy cảm đặc biệt khác cần bảo vệ nghiêm ngặt, cụ thể các khu vực sau: Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử với tổng diện tích 12.172,2 ha. Khu rừng bảo vệ cảnh quan Suối Mỡ với tổng diện tích là 1.504,8 ha. Hồ Cấm Sơn được quy hoạch bảo vệ nghiêm ngặt với diện tích 2.606 ha. Vùng rừng phòng hộ: 20.628 ha
Vùng hạn chế phát thải bao gồm vùng đệm của vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng thuộc khu di sản thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, vùng đất ngập nước quan trọng, khu vực có đa dạng sinh học cao, hệ sinh thái rừng tự nhiên quan trọng, khu vực có khả năng ô nhiễm cao cần được bảo vệ, cụ thể các vùng như sau:
Vùng đệm các khu: Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử; Khu rừng bảo vệ cảnh quan Suối Mỡ; Và Hồ Cấm Sơn. Vườn Cò thuộc xã Đào Mỹ và Vườn Cò tại Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang. Hệ thống khu di tích trên địa bàn tỉnh. Vùng đất ngập nước quan trọng trên địa bàn tỉnh: 3 sông chính chảy qua địa bàn tỉnh (sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam) và các hồ chứa vừa và lớn trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 159/QĐ-UBND ngày 03/3/2020 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc ban hành danh mục đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Vùng rừng sản xuất: 105.416 ha. Khu vực khai thác khoáng sản. Khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các khu đô thị loại V trở lên. Các vùng khác là vùng còn lại trên địa bàn tỉnh quản lý.
Tại vùng bảo vệ nghiêm ngặt: Tiếp tục quản lý bảo vệ có hiệu quả khu hệ động, thực vật hiện có; Xây dựng hành lang kết nối với các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn và kết nối các khu vực trong Khu bảo tồn (KBT). Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào quản lý đa dạng sinh học (ĐDSH). Chỉ chấp thuận dự án đầu tư sinh thái, vì mục đích bảo tồn và sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường. Duy trì diện tích rừng tự nhiên, nâng tỷ lệ che phủ rừng, kiểm soát phát thải khí nhà kính. Hạn chế quy hoạch, phát triển dự án khai thác khoáng sản; xây dựng kho chứa hóa chất độc hại, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu có yếu tố độc hại đối với với môi trường; xây dựng cơ sở xử lý, bãi chôn lấp, vị trí thải bỏ chất thải rắn, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát sinh chất ô nhiễm độc hại, có hoạt động xâm hại đến các đối tượng, yếu tố cần bảo vệ nghiêm ngặt.
Đối với vùng hạn chế phát thải: Phát triển kinh tế xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng đệm; thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích cho cộng đồng vùng đệm. Phát triển đô thị, cụm dân cư hài hoà với cảnh quan môi trường, có cơ sở hạ tầng cấp, thoát nước, xử lý nước thải; tỷ lệ cây xanh/diện tích tự nhiên cao. Tập trung bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị lịch sử, văn hóa trong khu vực, phát triển du lịch sinh thái, giáo dục môi trường. Phát triển bền vững tại các di sản, di tích, địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Kiểm soát xả thải chất ô nhiễm tại các vùng đất ngập nước quan trọng. Tại lưu vực sông Cầu, Sông Thương, Sông Lục Nam phải được hạn chế xả nước thải lưu lượng lớn, các nguồn thải phải được xử lý đạt cột A của quy chuẩn QCVN 14:2008/BTNMT, QCVN 40:2011/BTNMT hoặc các quy chuẩn tương ứng. Đối với các vùng nước cấp sinh hoạt cho các huyện, thành phố phải được giữ nguyên diện tích mặt nước, chất lượng nước, không để nguồn thải tập trung xả thải vào vùng cấp nước, nguồn thải phải được xử lý triệt để trước khi xả thải ra môi trường.
Hạn chế phát thải, cải thiện môi trường tại các khu vực có các hoạt động ảnh hưởng lớn đến chất lượng môi trường đất, nước, không khí xung quanh bao gồm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, làng nghề,...Các KCN, CCN, làng nghề, cơ sở sản xuất công nghiệp,... được khoanh vùng cần xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, chất thải rắn đáp ứng quy định.
Kiểm soát, nghiêm cấm các hoạt động xả thải các chất thải không qua xử lý vào môi trường tại các khu dân cư tập trung, đặc biệt là khu vực các đô thị lớn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, tập trung ở thành phố Bắc Giang, huyện Việt Yên, huyện Hiệp Hòa là vùng trọng tâm phát triển công nghiệp là ngành phát thải hàng đầu hiện nay. Thu gom, xử lý triệt để chất thải trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, đặc biệt tại các đô thị.
Các KCN, CCN, làng nghề, cơ sở sản xuất công nghiệp,... được khoanh vùng cần xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, chất thải rắn đáp ứng quy định.
Tại các vùng khác: Phát triển kinh tế xã hội đa ngành, đa thành phần, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Quản lý, bảo vệ môi trường phục vụ chính hoạt động phát triển bền vững. Áp dụng sản xuất sạch hơn trong các hoạt động sản xuất. Quan tâm, khai thác hiệu quả các khu vực tiềm năng đảm bảo đáp ứng các tiêu chí, chỉ tiêu về môi trường. Ngăn ngừa ô nhiễm do hoạt dộng các cơ sở sản xuất trong KCN, CCN, làng nghề, các cơ sở sản xuất xen kẽ trong khu dân cư, bảo vệ chất lượng nước mặt và chất lượng không khí khu đô thị, khu dân cư. Xây dựng đô thị, KCN theo hướng “Xanh, Sạch”.
Trong năm 2024, tỉnh Bắc Giang tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, cải thiện kết quả các chỉ số thuộc Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của tỉnh trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Từ đó, nhằm nâng cao xếp hạng Bộ chỉ số môi trường địa phương, đưa tỉnh Bắc Giang trở thành tỉnh phát triển công nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường.
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện giải pháp cải thiện, nâng cao và đánh giá các chỉ số môi trường. Trong đó, chỉ số 09 - Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; Chỉ số 13 - Tỷ lệ bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh. Cùng với đó, chỉ số 14 - Tỷ lệ số khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu được xử lý, cải tạo; Chỉ số 22 - Số trạm quan trắc tự động chất lượng môi trường không khí tại các đô thị loại IV trở lên trên 10.000 dân đô thị, chỉ số 23 - Tỷ lệ các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường.
Đồng thời, giao cho Sở NN&PTNT thực hiện giải pháp cải thiện, nâng cao và đánh giá các chỉ số môi trường thành phần đó là: Chỉ số 14 - Tỷ lệ số khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu được xử lý, cải tạo và chỉ số 16 - Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Chỉ số 18 - Tỷ lệ diện tích đất của các khu bảo tồn thiên nhiên đã được thành lập trên tổng diện tích đất quy hoạch cho bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; Chỉ số 19 - Tỷ lệ diện tích rừng trồng mới tập trung trên diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp; Chỉ số 20 - Diện tích rừng tự nhiên bị cháy, chặt phá.
Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện giải pháp cải thiện, nâng cao và đánh giá các chỉ số môi trường thành phần như: Chỉ số 01 - Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị loại IV trở lên được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Chỉ số 02 - Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh phát sinh nước thải trên 50 m³/ngày đêm trở lên có hệ thống xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Chỉ số 04 - Tỷ lệ cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Chỉ số 11 - Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn;…/
Hương Giang
Bình luận