Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 11:11
Thứ bảy, 25/05/2024 08:05
TMO - Quản lý chặt chẽ hơn nữa đội tàu, đảm bảo 100% các tàu cá đi khai thác trên biển đảm bảo đủ điều kiện như lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS), có nhật ký khai thác, phải bật kết nối ngay cả khi nằm bờ...là 1 trong 3 giải pháp trọng tâm về chống khai thác thủy hải sản bất hợp pháp.
Theo Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Ủy ban châu Âu (EC) thống nhất với Việt Nam sẽ thực hiện đợt kiểm tra lần thứ 5 vào khoảng tháng 9 hoặc tháng 10/2024 về chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Một trong những lý do EC lùi thời hạn kiểm tra gỡ "thẻ vàng" IUU là vừa qua Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Thủy sản và Nghị định số 38/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Theo đó, EC muốn xem xét việc triển khai thực thi pháp luật của Việt Nam đối với 2 nghị định này sẽ đạt hiệu quả ra sao. Cũng theo lãnh đạo Cục Kiểm ngư, từ nay cho đến khi Đoàn thanh tra EC sang Việt Nam, Bộ NN&PTNT sẽ đề xuất Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì một cuộc họp, đi kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại các địa phương vào tháng 6. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT có triển khai kế hoạch cụ thể hàng tháng về việc kiểm tra thực tế tại tất cả các tỉnh, thành phố ven biển về công tác chống khai thác IUU. "Để phía EC gỡ 'thẻ vàng' IUU cho Việt Nam trong lần kiểm tra tới đây, các địa phương phải ngăn chặn tối đa tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiên quyết xử lý triệt để những tàu cá vi phạm.
(Ảnh minh họa)
Theo Cục Kiểm ngư, cần thực hiện tốt 3 giải pháp trọng tâm thời gian tới để có thể chống khai thác IUU. Cụ thể, bằng mọi giải pháp ngăn chặn, giảm tối đa tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Xử lý nghiêm tàu cá vi phạm, không có vùng cấm; Tiếp đến, cần quản lý chặt chẽ hơn nữa đội tàu, đảm bảo 100% các tàu cá đi khai thác trên biển đảm bảo đủ điều kiện như lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS), có nhật ký khai thác, phải bật kết nối ngay cả khi nằm bờ...; Xử lý nghiêm những trường hợp mà EC từng phát hiện việc trộn lẫn nguyên liệu thủy sản, hay hợp pháp hóa hồ sơ trái phép. Đặc biệt, các lực lượng tăng cường kiểm soát, xác nhận nguồn gốc thủy sản tại cảng.
Trước đó, tại Hội nghị, trình bày Chương trình hành động và Kế hoạch của Chính phủ triển khai Chỉ thị 32-CT/TW, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh và yêu cầu cần nâng cao hiệu quả công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với công tác chống khai thác IUU. Bên cạnh đó, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan chống khai thác IUU để xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”; nâng cao năng lực thực thi pháp luật, xử lý các hanh vi vi phạm khai thác IUU; đặc biệt là hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Các nhiệm vụ tiếp theo là triển khai đồng bộ, quyết liệt pháp luật về thủy sản trong quản lý đội tàu, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, tại cảng, xuất, nhập bến phải tuân thủ đầy đủ theo quy định pháp luật; thực hiện nghiêm các quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế về xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, đảm bảo không có sản phẩm thủy sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài.
Về nhiệm vụ, giải pháp dài hạn phát triển bền vững ngành thủy sản, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thủy sản; thực hiện mạnh mẽ giải pháp chuyển đổi nghề, phát triển ngành nghề bền vững, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển, giảm phụ thuộc vào khai thác thủy sản cho ngư dân; nâng cao cuộc sống của cộng đồng ngư dân ven biển và hải đảo.../.
THIÊN LÝ
Bình luận