Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 10:01
Thứ tư, 22/03/2023 04:03
TMO - Cùng với xu thế phát triển chung của thế giới, ở Việt Nam đã áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên nước.
Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa, ngoài việc thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng, đưa vào vận hành hệ thống giám sát việc vận hành các hồ chứa trong 11 quy trình. Trên cơ sở thông tin số liệu vận hành hồ được cập nhật thường xuyên (qua hệ thống phần mềm), đã phát hiện nhiều trường hợp vận hành chưađúng, chưa đầy đủ theo quy định của quy trình và đã kịp thời hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở các chủ hồ, địa phương (hàng năm đã gửi trên 100 văn bản đến các chủ hồ, các địa phương để đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo công tác vận hành).
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai Xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát việc vận hành của các hồ chứa thủy điện và hệ thống hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình, nhằm hướng tới việc giám sát vận hành hồ chứa theo thời gian thực để chủ động trong việc cắt giảm lũ và điều tiết nước cho hạ du nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành hệ thống giám sát tài nước trực tuyền nhằm giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước của các công trình khai thác, sử dụng nước ở Trung ương và địa phương. Yêu cầu các chủ công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải truyền số liệu quan trắc online theo quy định Thông tư 47/TT-BTNMT, hệ thống đã nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước và tối ưu hóa được nguồn lực trong công tác quản lý.
Hiện nay nhiều trang trại quy mô lớn đã ứng dụng khoa học công nghệ mô hình tưới nước tiết kiệm ở các vùng khô hạn Ninh Thuận, Bình Thuận và một số khu vực khác trên cả nước đã phát huy được hiệu quả. Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội chung của các cả nước, lượng nước thải sinh hoạt, sản xuất công nghiệp ngày càng gia tăng, bên cạnh đó, yêu cầu chất lượng nước ngày càng cao.
Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ hiện đại để xử lý nước thải đạt theo quy chuẩn trước khi xả ra môi trường, ngoài ra một số doanh nghiệp tái sử dụng nước thải này để phục vụ tưới cây, rửa đường trong khuân viên của đơn vị góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cũng như nâng cao hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước. Công nghệ về điều tra, đánh giá tài nguyên nước ngày càng phát triển như: công nghệ viễn thám, công nghệ GIS, mô hình số góp phần nâng cao hiểu quả, rút ngắn thời gian thực hiện điều tra, đánh giá tài nguyên nước.
Trạm quan trắc nguồn nước mặt được lắp đặt tại các địa phương nhằm quản lý, kiểm soát chất lượng nguồn nước.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030. Sự phát triển của khoa học công nghệ, cũng như phát triển kinh tế xã hội tác động lớn đến việc khai thác, sử dụng nước và bảo vệ tài nguyên nước trong tương lại, cụ thể: Phát triển dữ liệu lớn và công nghệ máy tính sẽ thay đổi lớn trong công tác quản lý và dự báo đến khai thác, sử dụng nước, bảo vệ tài nguyên nước. Công nghệ này có thể dự báo nhanh, chính xác hơn trên hàng triệu thông tin, số liệu, cũng nhưlàm nền tảng cho việc phát triển tích hợp cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên môi trường để phục vụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực. Hệ thống hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực ngày càng phát triển, hoàn thiện nhằm hỗ trợ trong việc điều hòa, phân phối nguồn nước trên các hồ chứa để phòng chống lũ, đảm bảo nước cho hạ du một cách kịp thời, chính xác hơn.
Hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước, khí tượng thủy văn tự động ngày càng hiện đại góp phần quan trọng trong việc cung cấp thông tin, số liệu kịp thời để hỗ trợ trong công tác quản lý vận hành các hồ chứa, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước và bảo vệ tài nguyên nước. Công nghệ xử lý nước thải, khả năng tái sử dụng nước thải ngày càng phát triển, sẽ giảm bớt áp lực ô nhiễm nguồn nước do hoạt động sản xuất; Công nghệ sản xuất hiện đại tiết kiệm nước, cũng như nguyên liệu dần được hình thành thay thế các công nghệ lạc hậu không phù hợp góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nước, tiết kiệm nước.
Mô hình tiết nước tiết kiệm sẽ được áp dụng rộng rãi; Công nghệ viễn thám phát triển hơn nữa có thể đánh giá được tác động của hoạt động khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước phía thượng nguồn của sông bên ngoài biên giới; Ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc điều tra, đánh giá tài nguyên nước trong thời gian tới sẽ rất phát triển giúp cho việc đánh giá chính xác hơn, nhanh hơn và tiết kiệm được nguồn lực về chi phí, cũng như con người.
Để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước, Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 nhấn mạnh đến nhiệm vụ tăng cường nghiên cứu, hợp tác chuyển giao khoa học và công nghệ nhằm xây dựng các biện pháp, giải pháp phù hợp để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia; ưu tiên đối với các hoạt động quan trắc, dự báo, cảnh báo; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Cùng với việc thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia có chung nguồn nước sông Mekong, sông Hồng, cần chủ động tham gia tăng cường hợp tác với các quốc gia là thành viên ASEAN, các quốc gia mà Việt Nam tham giacông ước và các quốc gia khác để gia tăng sự quan tâm của quốc tế trong giải quyết các thách thức phát triển mà khu vực Mê Công đang phải đối mặt và để tranh thủ sự hỗ trợ về: nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo, hợp tác nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ, nguồn tài trợ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia.
Xây dựng hệ thống dữ liệu toàn diện và dễ tiếp cận là vô cùng cần thiết nhằm cung cấp nền tảng thông tin kiến thức để phân tích, đánh giá, dự báo các quá trình liên quan tới cơ hội, thách thức, và các rủi ro liên quan đến nước. Sự hỗ trợ của công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, hệ thống máy tính phần mềm sẽ giúp cho công tác thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu dễ dàng và hiệu quả hơn. Một số hệ thống dữ liệu cần được đầu tư phát triển khoa học công nghệ như: Dữ liệu tài nguyên nước, khai thác, sử dụng và xả nước thải vào nguồn nước; dữ liệu thời tiết; dữ liệu viễn thám, GIS, thông tin ảnh vệ tinh,…
Việc phát triển các công cụ dự báo đáng tin cậy sẽ phụ thuộc vào các chương trình giám sát, cung cấp các bộ dữ liệu theo không gian và thời gian. Các công cụ hỗ trợ quyết định hướng tới theo thời gian thực cần được phát triển, bao gồm các mô hình dự báo nhu cầu và ước tính lượng nước sẵn có, nhu cầu sử dụng nước có tiêu hao và không tiêu hao, công cụ tối ưu hoá việc quản lý cơ sở hạ tầng hệ thống, công cụ phân bổ lượng nước phù hợp với các nguyên tắc của lưu vực sông, các công cụ hỗ trợ tưới tiêu trong việc lên lịch tưới nhằm tối đa hóa năng suất, như: Công nghệ dự báo lũ (Hệ thống cảnh báo dòng chảy và lũ quét; dự báo lũ ngắn hạn); công nghệ dự báo điều kiện khí hâụ, chỉ số hạn hán; công nghệ hỗ trợ quản lý lưu vực sông tích hợp các mô hình nhu cầu nước,…
Đồng thời, thúc đẩy hội nhập và tăng cường hợp tác, học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong áp dụng công nghệ thông tin trong quan trắc, giám sát, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Lê Minh
Bình luận