Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 11:01
Thứ sáu, 01/04/2022 14:04
TMO - Nước ngầm sẽ dần trở thành yếu tố có vai trò hàng đầu để duy trì nguồn cung thiết yếu cho mọi sinh vật sống trên Trái đất, đóng vai trò duy trì hệ sinh thái, dòng chảy của các con sông, ngăn chặn tình trạng sụt lún đất và xâm nhập mặn, là một phần quan trọng của các biện pháp nhằm thích ứng biến đổi khí hậu và là giải pháp quan trọng cho những nơi thiếu nước sử dụng an toàn.
Chuyên gia cho rằng, khi có hạn hán lớn, dịch bệnh nghiêm trọng hoặc sau một trận động đất, nguồn nước ngầm có thể giúp ích nhiều hơn so việc dùng máy bay để chuyển từng chai nước tới các nạn nhân. Nếu có kiến thức và kinh nghiệm, con người có thể tìm ra và sử dụng hiệu quả hơn nguồn nước ngầm hiện có.
(Ảnh minh họa)
Trong một báo cáo của Liên Hợp Quốc, ước tính tổng lượng nước ngọt trên Trái đất là khoảng 11,1 triệu km3 đến 15,9 triệu km3, trong đó lượng nước ngọt tại các tầng nằm sâu khoảng 2 km đầu tiên của vỏ Trái đất chiếm tới 99% trữ lượng toàn cầu. Tuy nhiên, vai trò to lớn của nguồn nước ngầm này lại thường không được hiểu rõ hoặc bị đánh giá thấp. Nước ngầm hiện chiếm khoảng 50% lượng nước sinh hoạt trên toàn thế giới và 25% lượng nước được sử dụng để tưới tiêu. Song, việc quản lý nguồn tài nguyên này thường bị buông lỏng, đi đôi với đó là sự hạn chế về chuyên môn kỹ thuật tại một số khu vực trên thế giới, đặc biệt là ở châu Phi cận sa mạc Sahara.
Chuyên gia nhận định, việc quản lý và khai thác các nguồn nước ngầm một cách bền vững chính là cơ hội lớn để thế giới thoát một cuộc khủng hoảng nước với hậu quả khôn lường. Điều này càng quan trọng hơn khi dân số thế giới mỗi ngày một tăng, kéo theo áp lực ngày càng lớn đối với các nguồn cung cấp nước. Các chuyên gia kêu gọi hành động nhiều hơn để bảo vệ các mạch nước ngầm bằng cách củng cố năng lực cho các cơ quan bảo vệ môi trường, những quy định về bảo vệ môi trường và lực lượng giám sát thực thi. Các chính phủ cần đầu tư cho cơ sở hạ tầng nước, các cơ quan nghiên cứu về nguồn tài nguyên nước và đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, nếu mỗi người có ý thức tiết kiệm thì sẽ giảm lượng nước đã qua sử dụng, giảm lượng nước cần được xử lý, giúp tiết kiệm năng lượng, chính là qua đó giúp bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Giới chuyên gia dự báo trong 30 năm tới, do dân số tăng cũng như nhu cầu gia tăng trong các ngành công nghiệp và nông nghiệp mà lượng nước tiêu thụ mỗi năm sẽ tăng khoảng 1%. Con người ngày càng gây ô nhiễm hoặc làm cạn kiệt nguồn nước hiện có, do vậy cần tận dụng một cách thông minh hơn tiềm năng của nước ngầm và bảo vệ nguồn tài nguyên này khỏi nguy cơ ô nhiễm cũng như tình trạng khai thác quá mức.
Trong thông điệp nhân Ngày Nước thế giới diễn ra vào hôm 22/3 vừa qua, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, nước ngầm không thể nhìn thấy nhưng con người không thể vì thế mà không nghĩ và quan tâm đến nó. Ông Antonio Guterres kêu gọi mọi người trên thế giới đẩy mạnh cam kết tăng cường hợp tác giữa các ngành và hợp tác xuyên biên giới để có thể cân bằng bền vững giữa nhu cầu của con người và thiên nhiên; đồng thời khai thác, sử dụng bền vững nước ngầm cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
Lan Hương
[An ninh nguồn nước]: Nguy cơ cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước ngầm (Bài 1)
Bình luận