Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 11:01
Thứ năm, 31/03/2022 15:03
TMO – Nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự sống trên trái đất. Thực tế hiện nay, sự sống con người và các loài trên trái đất đang đang bị ảnh hưởng rất lớn do nguồn nước đang có nguy cơ cạn kiệt.
Trong báo cáo mới được công bố mới đây của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh cảnh báo về nguy cơ cạn kiệt nguồn dự trữ nước ngầm. Báo cáo chỉ ra rằng, trong bối cảnh các hồ nước lớn trên thế giới đang bị thu hẹp lại, dòng chảy của các sông và suối dần cạn kiệt. Các nhà khoa học cho rằng, nguồn dự trữ tài nguyên nước cuối cùng của Trái đất là nguồn nước ngầm. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nước ngầm cũng đang đối mặt các thách thức nghiêm trọng, gây cạn kiệt nguồn dự trữ và ô nhiễm.
Theo phân tích, nguồn nước dự trữ trên bề mặt Trái đất trong hồ, đầm và đập chứa là các nguồn hữu hạn, chi phí khai thác cao, thường chịu ảnh hưởng của tình trạng ô nhiễm và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các phương pháp khai thác nguồn nước bề mặt cũng kéo theo nhiều hậu quả về sinh thái và xã hội. Biến đổi khí hậu và tình trạng khai thác, sử dụng nước một cách thiếu quy hoạch đang khiến nguồn cung nước bề mặt tại các hồ và đập chứa đang dần cạn kiệt. Năm 2018 có 3,6 tỷ người trên thế giới không có đủ lượng nước sử dụng trong ít nhất một tháng và con số này được dự báo sẽ tăng lên tới 5 tỷ người vào năm 2050.
(Ảnh minh họa)
Lý giải điều này, giới chuyên gia cho rằng, do sự gia tăng dân số và những thay đổi trong tập quán canh tác, nhu cầu về nước bùng nổ trên Trái đất, khiến nguồn nước bị khai thác nhiều hơn. Giới chuyên gia bày tỏ lo ngại về tốc độ cạn kiệt của các nguồn nước, nhất là nguồn nước ngầm. Vào đầu thế kỷ này, ước tính Trái đất sẽ mất khoảng 100 đến 200 km3 nước ngọt, chiếm 15% đến 25% tổng lượng nước khai thác mỗi năm. Tình trạng khai thác quá mức các nguồn nước có thể kéo theo những hậu quả nghiêm trọng như sụt lún đất và tranh chấp nguồn nước.
Lấy dẫn chứng tại Ấn Độ, năm 2018, Ấn Độ trải qua cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng nhất trong lịch sử, một cơ quan nghiên cứu của chính phủ nước này dự báo ít nhất 40% trong số 1,3 tỷ dân Ấn Độ sẽ không có nguồn nước sạch ổn định vào năm 2030. Các đợt hạn hán cũng xảy ra thường xuyên hơn khi khí hậu ngày càng nóng lên, khiến đời sống và hoạt động sản xuất của người nông dân khó khăn hơn, trong khi tình trạng tranh chấp nguồn nước giữa các bang gia tăng.
Giới chuyên gia cảnh báo về sự sụt giảm mực nước nghiêm trọng trong hệ thống tầng chứa nước ngầm ở lưu vực sông Hằng-Brahmaputra, vùng đồng bằng rộng lớn phía bắc Trung Quốc, thung lũng miền trung California ở Mỹ… do việc khai thác quá mức. Tại Thủ đô Jakarta của Indonesia, tình trạng đô thị hóa diễn ra nhanh chóng cũng đã khiến các vùng tích nước dần biến mất, buộc người dân tăng phụ thuộc vào nguồn nước ngầm, khiến đại đô thị Jakarta sụt lún khoảng 5 đến 11 cm mỗi năm. Hiện tượng lún đất cũng được ghi nhận tại các nước như: Trung Quốc, Thái Lan, Ý, Mỹ… do các nguồn nước ngầm bị khai thác quá nhanh.
Ngoài nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn ngước ngầm từ những yếu tố tự nhiên, phần lớn các nguy cơ ô nhiễm khác đến từ bề mặt, nhất là từ hoạt động nông nghiệp với việc phân bón hóa học hoặc sinh học ngày càng phổ biến hơn. Bên cạnh đó, các nguy cơ ô nhiễm phát thải từ cống rãnh, bãi rác, công nghiệp, đường sá... cũng đe dọa đến nguồn nước ngầm trên Trái đất. So nước bề mặt thì nước ngầm chịu ảnh hưởng ít hơn nếu xảy ra tình trạng ô nhiễm, nhưng một khi xảy ra thì sẽ khó để xử lý và bảo vệ hơn.
Lan Hương
Bình luận