Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ ba, 26/12/2023 14:12
TMO - Nhằm kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm rác thải trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh An Giang yêu cầu các đơn vị liên quan, địa phương tiến hành rà soát, đánh giá các cơ sở xử lý chất thải đang hoạt động, đồng thời triển khai hiệu quả phương án thu gom, xử lý rác thải theo kế hoạch.
Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có 29 bãi rác sinh hoạt phải đóng cửa xử lý ô nhiễm môi trường. Trong đó, Sở TN&MT làm chủ đầu tư 2 dự án và đóng cửa, xử lý 25 bãi rác ô nhiễm môi trường tại các bãi rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý rác thải. Năm 2022, tỉnh thu gom, xử lý 328.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt; thu gom để tái sử dụng, tái chế khoảng trên 59.000 tấn chất thải rắn công nghiệp; tiêu hủy (đốt, chôn lấp…) khoảng 2.882 tấn. Hiện nay, tỉnh có 1 nhà máy xử lý chất thải rắn đang hoạt động, công suất 50 tấn/ngày đêm; 3 khu, bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động theo quy hoạch.
UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, địa phương triển khai hiệu quả phương án thu gom, xử lý chất thải tại Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
Theo dự báo đến năm 2030: Khối lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 2.602 tấn/ngày, thu gom khoảng 1.850 tấn/ngày; khối lượng CTR công nghiệp phát sinh khoảng 624 tấn/ngày, thu gom 624 tấn/ngày. Đến năm m 2050: Khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh khoảng 3.756 tấn/ngày, thu gom 3.756 tấn/ngày; khối lượng CTR công nghiệp phát sinh khoảng 834 tấn/ngày, thu gom 834 tấn/ngày. Hướng tới mục tiêu đảm bảo chất lượng môi trường trong phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh An Giang đã xác định rõ phương án thu gom, xử lý các nguồn chất thải phát sinh trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, tỉnh An Giang sẽ xây dựng các khu xử lý chất thải rắn (hoặc dự trữ quỹ đất để bố trí khu xử lý chất thải rắn) đảm bảo thu gom, xử lý cho các địa phương hoặc liên huyện Chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp thông thường được thu gom và đưa về các khu xử lý chất thải rắn tập trung; chất thải rắn nguy hại được thu gom, xử lý tại các cơ sở có chức năng xử chất thải rắn nguy hại; chất thải rắn y tế được thu gom, xử lý tại các cơ sở y tế, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh.
Đối với chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) áp dụng hai mô hình thu gom vận chuyển cấp huyện và liên huyện. Mô hình thu gom, vận chuyển CTR liên huyện bao gồm Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Bình Hòa, huyện Châu Thành: tiếp nhận, xử lý rác sinh hoạt của 03 huyện, thành phố: Long Xuyên, Châu Phú, Châu Thành; rác thải trên địa bàn TP. Long Xuyên và huyện Châu Phú sẽ được thu gom vận chuyển về địa bàn huyện Châu Thành để tiếp nhận, xử lý; hiện đang vận hành chôn lấp hợp vệ sinh và đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác (công nghệ đốt), công suất 300 tấn/ngày, quy mô khoảng 25 ha.
Khu xử lý rác thải Phú Thạnh, huyện Phú Tân: tiếp nhận, xử lý rác sinh hoạt của huyện Phú Tân, TX. Tân Châu; rác thải trên địa bàn TX. Tân Châu sẽ được thu gom vận chuyển về địa bàn huyện Phú Tân để tiếp nhận, xử lý; công suất xử lý 150 tấn/ngày, quy mô 2,06 ha. Khu xử lý rác thải Kênh 10 - Châu Đốc: tiếp nhận, xử lý rác sinh hoạt của huyện An Phú, TP. Châu Đốc; rác thải trên địa bàn huyện An Phú sẽ được thu gom vận chuyển về địa bàn TP. Châu Đốc để tiếp nhận, xử lý; công suất xử lý 150 tấn/ngày, quy mô khoảng 12 ha.
Xử lý rác thải sinh hoạt, công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được địa phương đẩy mạnh triển khai (Ảnh minh họa).
Với mô hình thu gom CTR cấp huyện: Nhà máy xử lý CTR Chợ Mới: tiếp nhận và xử lý rác thải trên địa bàn huyện bằng công nghệ đốt không thu hồi năng lượng; công suất xử lý 100 tấn/ngày, quy mô 0,6732 ha. Nhà máy xử lý CTR Thoại Sơn: tiếp nhận và xử lý rác thải trên địa bàn huyện bằng công nghệ đốt không thu hồi năng lượng; công suất xử lý 50 tấn/ngày, quy mô 0,3288 ha.
Chất thải rắn công nghiệp áp dụng mô hình thu gom, vận chuyển trực tiếp và thu gom, vận chuyển trung chuyển Mô hình thu gom, vận chuyển trực tiếp: CTR được thu gom từ các cơ sở sản xuất trong và ngoài KCN, CCN và vận chuyển thẳng tới khu xử lý. Áp dụng cho các huyện có khu xử lý CTR công nghiệp trên địa bàn (huyện Châu Thành, huyện Phú Tân và TP. Châu Đốc). Mô hình thu gom, vận chuyển trung chuyển: CTR được thu gom từ các cơ sở sản xuất trong và ngoài KCN, CCN và vận chuyển thẳng đến trạm trung chuyển.
Ở trạm trung chuyển, chất thải được chuyển vào các container cỡ lớn nhờ thiết bị nén ép, container, từ đó tiếp tục vận chuyển đến địa điểm đổ thải cuối cùng bằng xe tải cỡ lớn. Áp dụng cho các huyện, TP., thị xã không có khu xử lý CTR công nghiệp trên địa bàn (TP. Long Xuyên, TX. Tân Châu, TX. Tịnh Biên và các huyện: Tri Tôn, Châu Phú, An Phú, Chợ Mới và Thoại Sơn).
Thời gian tới, tỉnh An Giang tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng xử lý chất thải cho các cơ sở y tế, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh, bao gồm xây dựng hệ thống xử lý nước thải và bổ sung thiết bị xử lý chất thải y tế nguy hại với công nghệ mới, thân thiện với môi trường. - Giai đoạn 2021-2025: Áp dụng mô hình thu gom, vận chuyển tập trung cấp huyện tại các huyện: Châu Thành, Chợ Mới, An Phú và Thoại Sơn và mô hình thu gom, vận chuyển tập trung liên huyện đối với các huyện, thị xã, thành phố: Long Xuyên, Châu Đốc, Phú Tân, Châu Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên và Tân Châu.
Trong giai đoạn 2026-2030, áp dụng mô hình thu gom, vận chuyển tập trung cấp huyện đối với các huyện: Châu Thành, Phú Tân, Châu Đốc và mô hình tập trung liên huyện đối với các huyện, thành phố, thị xã còn lại trên địa bàn tỉnh. Thu gom, vận chuyển và xử lý CTR xây dựng theo hình thức tập trung, có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Các chủ đầu tư hay nhà thầu có trách nhiệm ký hợp đồng với đơn vị chuyên trách để thu gom, vận chuyển và xử lý CTR xây dựng.
Ngoài ra, bùn thải tại các huyện/thành phố/thị xã trên địa bàn tỉnh được thu gom tại nơi phát sinh bùn thải và vận chuyển trực tiếp bằng các thiết bị chuyên dùng đến khu xử lý bùn theo quy định (không qua trạm trung chuyển). Bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phải được thu gom về các bể chứa sau khi đã được làm sạch. Trường hợp sản xuất tập trung do doanh nghiệp đầu tư trực tiếp sản xuất cây trồng nông, lâm nghiệp: Tự quản lý tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trong địa bàn quản lý theo quy định.
Trường hợp không tập trung: Người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (nông dân) có trách nhiệm thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng ngoài đồng ruộng để vào bể chứa. UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là UBND cấp huyện) hoặc UBND các xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND cấp xã) tùy theo điều kiện của địa phương lựa chọn đơn vị quản lý bể chứa, khu vực lưu chứa; đồng thời đơn vị này có trách nhiệm thu gom vận chuyển bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng từ các bể chứa về nơi lưu chứa hoặc các điểm tập kết theo hợp đồng với đơn vị thu gom, vận chuyển.
Đối với CTR sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tại chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Khu vực đô thị: Thực hiện phân loại CTR thành 3 loại cho TP. Long Xuyên, TP.Châu Đốc, thị xã Tân Châu; thị xã Tịnh Biên và các thị trấn còn lại. Khu vực nông thôn: Tiếp tục từng bước nhân rộng phân loại tại nguồn cho khu vực nông thôn để áp dụng ủ phân hữu cơ hộ gia đình.
Đối với CTR công nghiệp: Phân loại CTR tại nguồn và tại khu phân loại tập trung thành CTR có thể tái chế, tái sử dụng, CTR nguy hại và CTR không thể tái chế. Đối với CTR y tế: Thực hiện phân loại thành chất thải lây nhiễm, chất thải nguy hại không lây nhiễm, chất thải y tế thông thường, chất thải tái chế theo hướng dẫn tại Thông tư số 20/2021/TT - BYT quy định về quản lý chất thải trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế, Thông tư có hiệu lực từ ngày 10/01/2022. Đối với CTR xây dựng: Phân loại thành CTR có khả năng tái chế, CTR có thể được tái sử dụng, CTR không tái chế, tái sử dụng được và CTR nguy hại.
Thu Hà
Bình luận