Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 04:11
Thứ ba, 21/11/2023 07:11
TMO - Trước dự báo mùa khô 2023 diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang đã chủ động thực hiện kế hoạch phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn nhằm phục vụ sản xuất và dân sinh.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất trên 95% và tiếp tục kéo dài đến tháng 4/2024 với xác suất 80 - 90%. Do vậy, khả năng lượng mưa giảm, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, nắng nóng và khô hạn có thể xuất hiện trong thời gian tới. Do tình hình mực nước trên các kênh, rạch xuống thấp kèm theo nắng nóng, gây khó khăn cho việc bơm tưới, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở vùng núi huyện Tri Tôn, TX. Tịnh Biên và vùng đồng bằng của các huyện An Phú, Phú Tân, Chợ Mới, TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc (các vùng đất gò cao), với tổng diện tích 4.334ha.
Trong đó, vùng núi 1.485ha; vùng đất gò cao đồng bằng gần 2.849ha, có kế hoạch bơm chuyền cấp 2, 3 để đáp ứng nhu cầu nước sản xuất. Trong điều kiện hạn, thiếu nước kéo dài, gay gắt, cần có kế hoạch chuyển đổi 2.937ha lúa (huyện Châu Thành 2.807ha, TP. Châu Đốc 130ha) sang cây trồng cạn, để tránh thiệt hại do thiếu nước.
Để ứng phó với nguy cơ khô hạn, ngành nông nghiệp An Giang xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước vụ đông xuân 2023 - 2024 phù hợp với thực trạng nguồn nước. Trong đó, xác định nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn chi tiết đến từng tiểu vùng, khu vực để có giải pháp cụ thể. Các địa phương chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất (áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa), nâng cao nhận thức và kiến thức về phòng cháy, chữa cháy rừng; thực hiện nghiêm túc phương án chống hạn ở các địa phương và của các đơn vị cung cấp nước; ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp tự ý ngăn chặn, đắp, đào xẻ kênh lấy nước không theo kế hoạch tưới.
Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi và Trạm Thủy lợi liên huyện phối hợp địa phương triển khai biện pháp vận hành hệ thống cống hợp lý để điều tiết, trữ nước vào kênh, rạch tạo nguồn phục vụ sản xuất cho khoảng 6.252ha ở các huyện An Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Thoại Sơn, TP. Châu Đốc. Ngành thủy sản thường xuyên kiểm tra, có phương án bảo đảm nguồn nước không ô nhiễm cho khoảng 3.000ha nuôi trồng thủy sản, nhất là các vùng chuyên canh thủy sản và khu vực sông Cái Vừng (huyện Phú Tân); có phương án di dời, sơ tán các bè nuôi đến nơi an toàn tại các khu vực mật độ nuôi bè dày và chất lượng nguồn nước kém.
Các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng đến khai thác hiệu quả công trình thủy lợi, đảm bảo nguồn nước mùa khô.
Các huyện, thị xã, thành phố và Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi đã chủ động lập kế hoạch triển khai phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất với diện tích gieo trồng lúa, màu trên 250.000ha. Cùng với việc nạo vét kênh, mương theo kế hoạch, trong trường hợp có hạn hán, thiếu nước gay gắt kéo dài, ngành chuyên môn và các địa phương triển khai nạo vét kênh, mương, khơi thông dòng chảy, tăng khả năng chủ động lấy nước, trữ nước, tiêu thoát nước, phục vụ cấp nước sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…
Đồng thời, sẵn sàng lắp đặt các trạm bơm chống hạn (cứu lúa) cho 1.485ha lúa vùng cao huyện Tri Tôn (xã Ô Lâm), TX. Tịnh Biên (xã An Nông, xã An Hảo) của nông dân Khmer, ước kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Bên cạnh, tổ chức bơm cấp 2 để bảo vệ 2.849ha lúa ở vùng đồng bằng khi xảy ra thiếu nước cục bộ, gồm: TP. Châu Đốc (xã Vĩnh Châu), các huyện An Phú (xã Vĩnh Hậu), Phú Tân (xã Bình Thạnh Đông, Hiệp Xương, Phú Hiệp, Phú Lâm, Phú Thọ, Tân Hòa, Phú Thạnh, thị trấn Chợ Vàm), ước kinh phí hơn 1,37 tỷ đồng. Khi hạn hán, thiếu nước xảy ra gay gắt trong thời gian nắng nóng kéo dài dẫn đến thiếu nước, mực nước trên các kênh, rạch xuống thấp, nguồn nước từ các giếng, suối và nguồn nước dự trữ không đảm bảo sử dụng, tỉnh tiến hành ngăn 15 đập tạm để trữ nước, không để thiếu nước dẫn đến bùng phát dịch bệnh do hạn hán kéo dài, ước kinh phí gần 5,63 tỷ đồng.
Ngành thủy lợi có kế hoạch duy tu, sửa chữa 50 công trình cống để trữ nước phục vụ tưới tiêu trong điều kiện khô hạn, nắng nóng gay gắt kéo dài ảnh hưởng sản xuất, chăn nuôi của người dân các huyện An Phú, Châu Thành, Thoại Sơn, Chợ Mới, TP. Châu Đốc, ước kinh phí thực hiện gần 42,4 tỷ đồng. Trường hợp hạn hán, thiếu nước trong tình trạng nắng nóng gay gắt trên diện rộng, cần phải tăng cường bơm tưới nhiều hơn (điện năng tăng, nhiên liệu tăng) cho khoảng 120.000ha đất sản xuất (dự kiến 50% diện tích lúa, màu đã xuống giống), dự kiến khoảng 1,2 triệu lít (10 lít dầu/ha), ước tổng kinh phí 24 tỷ đồng.
Các cơ quan chuyên môn ở An Giang thời gian qua đã kiểm kê, đánh giá nguồn nước dự trữ tại những hồ chứa phục vụ sản xuất và sinh hoạt tại các huyện để vận hành, tích nước cho hợp lý. An Giang cũng triển khai nạo vét kênh mương, cửa lấy nước để khơi thông dòng chảy; đắp đập tạm ngăn mặn; đẩy nhanh tiến độ thi công công trình thủy lợi và lắp đặt, vận hành các trạm bơm dã chiến để sẵn sàng cho mọi tình huống.
Tại huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên ở An Giang, 3 hồ trữ nước ngọt Tà Lọt (dung tích khoảng 531.000 m3), Núi Dài 2 (558.000 m3) và Cô Tô (193.000 m3) đang dần hoàn thiện với tổng kinh phí trên 457 tỉ đồng. Trong đó, hồ Núi Dài 2 đã hoàn thành, đang chờ nghiệm thu để đưa vào hoạt động. Về lâu dài, để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn, UBND tỉnh An Giang đã đề xuất xây dựng hệ thống trữ nước ngọt gắn với hạ tầng phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên với tổng mức đầu tư hơn 3.185 tỉ đồng từ nguồn vốn ODA. Dự án này có tổng chiều dài bờ bao trên 42,6 km, quy mô hơn 3.050 ha, nằm phía hạ lưu cống Trà Sư, trong phạm vi tuyến thoát lũ Châu Đốc - Tịnh Biên; tổng dung tích trữ nước 94,53 triệu m³.
Các địa phương ở ĐBSCL triển khai nạo vét, khơi thông dòng chảy, phục vụ sản xuất trong mùa khô. Ảnh: VT.
Nhiều địa phương ở ĐBSCL đã xây dựng các giải pháp ứng phó nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có nguy cơ đến sớm hơn mọi năm do tác động của hiện tượng El Nino. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trạng thái khí quyển và đại dương đang trong điều kiện El Nino. Dự báo hiện tượng này sẽ tiếp tục duy trì đến các tháng đầu năm 2024 với xác suất khoảng 85%-95%. Trong các tháng mùa khô 2023-2024, ĐBSCL nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn như năm 2019-2020.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhận định hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có nguy cơ xảy ra với cấp độ cao (cấp độ 3-4) trên phạm vi rộng. Ở ĐBSCL, tình trạng này có khả năng kéo dài đến mùa khô năm 2024-2025. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã xây dựng kế hoạch ứng phó các hiện tượng thời tiết cực đoan do tác động của El Nino.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký chỉ thị về việc chủ động ứng phó nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn trên địa bàn giai đoạn 2023-2025. Lãnh đạo tỉnh Cà Mau yêu cầu Sở NN&PTNT thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết để kịp thời đưa ra hướng dẫn cụ thể về lịch thời vụ, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi… cho từng khu vực; tuyên truyền, khuyến khích người dân và doanh nghiệp áp dụng các phương pháp tưới tiên tiến để hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước. Tại Trà Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương bố trí mùa vụ sản xuất phù hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, kiểm tra, duy tu, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cấp nước của các trạm và nhà máy; chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng để kịp thời khắc phục hư hỏng trên các tuyến ống, bảo đảm vận hành liên tục phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.
UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đã ban hành chỉ thị về việc chủ động ứng phó với xâm nhập mặn. Theo đó, Vĩnh Long sẽ bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn; rà soát, khoanh vùng cây ăn trái có nguy cơ bị ảnh hưởng; chủ động tích trữ nước ngọt, bảo đảm đủ cung cấp nhu cầu tối thiểu, tránh ảnh hưởng cây trồng trong thời gian bị ảnh hưởng thời tiêt cực đoan. Tỉnh Kiên Giang cũng đang đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành những hạng mục xây dựng, duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, mặn xâm nhập. Trong đó, một số công trình điển hình là: âu thuyền T3 - Hòa Điền (huyện Kiên Lương); cống, âu thuyền Vàm Bà Lịch (huyện Châu Thành); cống trên các tuyến đê biển...
Thanh Hải
Bình luận