Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 19:11
Thứ hai, 03/04/2023 18:04
TMO – Ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải giáp như triển khai có hiệu quả các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường cơ chế giám sát đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), thời gian qua, Bộ TN&MT đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng loạt các biện pháp để giảm thiểu, khắc phục ô nhiễm môi trường từ việc hoàn thiện chính sách pháp luật, thanh tra, kiểm tra, tăng cường hoạt động giám sát trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT); tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về công tác BVMT tạo ra sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật BVMT.
Qua đó, Bộ đã tập trung quản lý tốt 20-30% cơ sở có nguồn thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Đến nay, cả Trung ương và địa phương đã đầu tư lắp đặt 1.234 trạm quan trắc nguồn thải có kết nối số liệu trực tiếp về Sở TN&MT và Bộ TN&MT. Từ năm 2016, Bộ đã thành lập và duy trì hiệu quả 12 tổ giám sát đặc biệt đối với các tổ hợp dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh công nghiệp quy mô lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Đến nay, nhiều dự án, cơ sở sản xuất đã đáp ứng đủ điều kiện đi vào vận hành chính thức, có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hệ thống xử lý nước thải của một doanh nghiệp.
Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT đã tham mưu, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT với nhiều quy định mới, mang tính đột phá như: thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe của người dân trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; triển khai có hiệu quả các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đồng thời, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thẩm định đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường. Rà soát, tiếp tục tăng cường cơ chế giám sát về BVMT đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây sự cố, ô nhiễm môi trường cao. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; tăng cường công tác BVMT các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo lộ trình để tiến tới áp dụng mức quy chuẩn, tiêu chuẩn tương đương các nước tiên tiến trong khu vực.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về BVMT, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; tăng cường kiểm tra, thanh tra đột xuất, thực hiện thanh tra thường xuyên về bảo vệ môi trường. Thiết lập và triển khai có hiệu quả các cơ chế xã hội hóa nhằm huy động tổng lực sự tham gia của toàn xã hội trên cơ sở kết hợp giữa Nhà nước, các tổ chức, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân vào công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả”.
Trước đó, nhiều cử tri tỉnh Bình Thuận cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra là một vấn đề nóng bỏng, gây bức xúc trong dư luận xã hội cả nước, vấn đề này ngày càng trầm trọng, đe dọa trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hiện nay, chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả. Cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị cần có chính sách, biện pháp, chế tài cụ thể đối với các trường hợp gây ô nhiễm môi trường nhất là ô nhiễm tại các khu công nghiệp, các nhà máy lớn.
Phạm Dung
Bình luận