Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 18:01
Chủ nhật, 24/11/2024 07:11
TMO - 63/63 địa phương đã ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai theo thẩm quyền của địa phương. Trong đó, 13 địa phương đã ban hành đầy đủ nội dung được giao trong Luật này.
Nội dung trên được nêu trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai Luật Đất đai 2024, trong đó có công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Chính phủ, các bộ, ngành đã tập trung mọi nguồn lực để khẩn trương xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai kịp thời ban hành và có hiệu lực đồng thời với Luật gồm: 10 Nghị định của Chính phủ, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 7 Thông tư của Bộ trưởng các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và Nội vụ. Trên cơ sở quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ TN&MT.
(Ảnh minh họa)
Đối với nhiệm vụ xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương, Báo cáo nêu rõ để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản gửi các địa phương để đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai theo thẩm quyền được giao để bảo đảm kịp thời, đồng bộ và thống nhất trong tổ chức thi hành Luật Đất đai; đồng thời tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai tại một số địa phương. Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đều đã tập trung nguồn lực và bắt tay ngay vào việc xây dựng các văn bản.
Báo cáo chỉ rõ, đến ngày 14/11, 63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai theo thẩm quyền của địa phương, tiến độ cụ thể: Đối với Luật Đất đai (20 nội dung giao cho chính quyền địa phương quy định) có 13 tỉnh, thành phố đã ban hành đầy đủ nội dung được giao trong Luật gồm các tỉnh: Lạng Sơn, Yên Bái, Cao Bằng, Hải Dương, Ninh Bình, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, An Giang, Bến Tre, Sóc Trăng và TP. HCM.
Trước đó, ngày 10/10/2024, tại Công điện 105/CĐ-TTg về tập trung chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Đất đai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm các Công điện, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương chậm ban hành văn bản quy định theo thẩm quyền phải đánh giá nguyên nhân, tác động ảnh hưởng đến kết quả triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn địa phương mình; tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra việc ban hành chậm;
Tập trung chỉ đạo ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong Luật Đất đai và các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; hoàn thành trước ngày 15 tháng 10 năm 2024, báo cáo kết quả Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để chậm trễ ban hành các văn bản nêu trên; Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi hành Luật Đất đai có hiệu quả tại địa phương, bao gồm kiện toàn tổ chức bộ máy của Tổ chức phát triển quỹ đất và Văn phòng Đăng ký đất đai; bố trí nguồn nhân lực, kinh phí, xây dựng cơ sở dữ liệu, ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá sản phẩm...;
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, thường xuyên, liên tục đến tất cả các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và tổ chức thực hiện; Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn ở địa phương; kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền, không để xảy ra ách tắc làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của Nhân dân, doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả, nhất là các nhóm thủ tục hành chính, dịch vụ công liên thông; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ quan quản lý nhà nước và đối tượng sử dụng đất. Trước mắt đẩy mạnh kiểm tra việc tổ chức thi hành Luật Đất đai tại địa phương.
QUỲNH VÂN
Bình luận