Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 16:11
Thứ năm, 02/11/2023 19:11
TMO – Trong giai đoạn 2026 – 2030, Thành phố Buôn Ma Thuột phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 13%/năm. Đến năm 2030, cơ cấu kinh tế ngành dịch vụ chiếm 65%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm trên 30% trong cơ cấu kinh tế thành phố; thu nhập bình quân đầu người đạt 200 triệu đồng.
Mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội
Theo Chương trình hành động về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắc Lắc) đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, giao đoạn Giai đoạn 2021 – 2025, thành phố Buôn Ma Thuột phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 11%/năm. Đến năm 2025, cơ cấu kinh tế ngành dịch vụ chiếm 62%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 30% trong cơ cấu kinh tế thành phố; thu nhập bình quân đầu người đạt 150 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng bình quân hằng năm 14%, giai đoạn 2020 - 2025 đạt 125.000 tỷ đồng; thu ngân sách tăng bình quân trên 15%/năm. Đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 77%; cơ bản không còn hộ nghèo; tỷ lệ người dân được cấp nước sạch đạt trên 80%; duy trì 100% xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế.
Đến giai đoạn 2026 – 2030, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 13%/năm. Đến năm 2030, cơ cấu kinh tế ngành dịch vụ chiếm 65%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm trên 30% trong cơ cấu kinh tế thành phố; thu nhập bình quân đầu người đạt 200 triệu đồng. Từ giai đoạn 2026 - 2030, tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 240.000 tỷ đồng; thu ngân sách tăng bình quân trên 15%/năm. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%; tỷ lệ người dân được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 100%; tiếp tục duy trì và nâng tỷ lệ che phủ rừng trên 3%; tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý đạt trên 80%, nước thải tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh được xử lý đạt 100%; tổng lượng chất thải rắn được xử lý đạt 100%; có trên 20 bác sỹ/1 vạn dân. Tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm và cực tăng trưởng của vùng Tây Nguyên về du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ; là đô thị xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên.
(Ảnh minh họa)
Nhiệm vụ trọng tâm
Để hoàn thành mục tiêu trên, các bộ, ngành (đặc biệt là UBND tỉnh Đắk Lắk và UBND TP. Buôn Ma Thuột) cần triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:
Thứ nhất, Các bộ, ngành, UBND Đắk Lắk và UBND thành phố Buôn Ma Thuột triển khai ngay công tác nghiên cứu, quán triệt nội dung của Nghị quyết trong toàn thể đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý làm chuyển biến nhận thức và quyết tâm cao của các ngành, các cấp. Công tác tuyên truyền cần được tiến hành với quy mô sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn và phù hợp với từng đối tượng. Tăng cường và nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ truyền thông mới, mạng xã hội trong công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin và triển khai thực hiện Nghị quyết.
Thứ hai, Rà soát và xây dựng quy hoạch vùng Tây Nguyên và quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo các quy định của pháp luật về quy hoạch. Rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển ngành, lĩnh vực, đô thị của thành phố Buôn Ma Thuột phù hợp với quy hoạch tổng thể của quốc gia, quy hoạch vùng Tây Nguyên, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn và quy hoạch tỉnh Đắk Lắk, đảm bảo gìn giữ giá trị văn hóa bản sắc riêng của vùng Tây Nguyên, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, gắn kết chặt chẽ, hợp lý giữa phát triển công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ, giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới với những tiềm năng, lợi thế và đặc thù riêng của thành phố Buôn Ma Thuột.
Nghiên cứu, đánh giá, phân tích cơ chế chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đang được áp dụng tại các thành phố, các trung tâm phát triển thuộc các vùng, các địa phương trong cả nước để vận dụng phù hợp với điều kiện của thành phố Buôn Ma Thuột. Rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích đào tạo, dạy nghề, tạo nguồn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật phù hợp với yêu cầu phát triển các ngành mũi nhọn có lợi thế cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao. Rà soát, nghiên cứu sửa đổi và xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng trong việc thu hút đầu tư kết nối hạ tầng giao thông, phát triển các ngành kinh tế trên cơ sở phát huy lợi thế là đô thị có vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên và tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, tăng cường liên kết với các địa phương theo cả chiều dọc và ngang. Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về tài nguyên môi trường; rà soát hoàn thiện, trình Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi và các văn bản hướng dẫn dưới luật theo hướng ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên thiên nhiên; hoàn thiện cơ sở dữ liệu, hệ thống quản lý tài nguyên môi trường, đất đai.
Thứ ba, Tập trung nguồn lực để tăng quy mô và hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để có sức hấp dẫn, cạnh tranh cao. Có cơ chế khuyến khích và đẩy mạnh công tác xã hội hóa thu hút nguồn vốn đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng thông tin và truyền thông, nhất là đầu tư theo phương thức đối tác công tư; thu hút mạnh mẽ hơn nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay của các nhà tài trợ nước ngoài. Tăng cường hợp tác quốc tế, xúc tiến đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính, người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư vào thành phố. Bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm để thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố như Đường Đông - Tây, Dự án thoát nước mưa, nước thải trên địa bàn thành phố giai đoạn 3, các công trình thủy lợi quy mô lớn như hồ Ea Kao, hồ Ea Tam, khu công nghiệp Hòa Phú. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số công trình trọng điểm, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đẩy mạnh liên kết vùng.
Thứ tư, Xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm hội nghị lớn. Từng bước hình thành các khu đô thị mới; nghiên cứu xây dựng một số khu đô thị mới theo hướng hiện đại, đồng bộ, phù hợp các tiêu chí đô thị loại I và triển khai đầu tư hạ tầng các khu dân cư gắn với với phát triển quỹ đất. Đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tập thể, tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát triển hiệu quả trong mọi lĩnh vực.
Thứ năm, Thực hiện các giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn; tập trung đầu tư trường cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên thành trường nghề chất lượng cao vào năm 2025; đa dạng các hình thức, phương pháp đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp trình độ, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện lao động và tập quán dân cư vùng Tây Nguyên.
Thứ sáu, Xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo tại thành phố Buôn Ma Thuột kết nối Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia. Xây dựng, hình thành các cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh để hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp để thu hút các lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển của thành phố Buôn Ma Thuột, đảm bảo về môi trường; triển khai thành lập khu chức năng: logistic; công nghiệp công nghệ cao, gắn với nghiên cứu sinh học và công nghệ chế biến nông, lâm sản, với diện tích từ 200 - 300 ha tại khu vực bắc Sân bay Buôn Ma Thuột phù hợp với các quy hoạch cấp tỉnh và vùng.
Khuyến khích hình thành các trung tâm nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ trên địa bàn gắn kết với các trung tâm, các viện nghiên cứu khoa học - công nghệ nhằm đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học lớn của vùng Tây Nguyên; đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của một số trường đại học, Đại học vùng Tây Nguyên để phát triển một số chuyên ngành về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp phần mềm, năng lượng sạch, du lịch đạt chuẩn quốc tế.
Xây dựng, hình thành các khu ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao nhất là hạ tầng công nghệ số. Đồng thời, thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập tổ chức nghiên cứu khoa học trực thuộc và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ. Thu hút, trọng dụng, đãi ngộ đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ, kinh tế trong và ngoài nước đến làm việc, nghiên cứu tại thành phố Buôn Ma Thuột; đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước phát triển trên thế giới về lĩnh vực khoa học công nghệ nông, lâm nghiệp, du lịch.
Thứ bảy, Gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Có giải pháp, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa về đào tạo, sử dụng lao động địa phương. Tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu lao động của thành phố, tỉnh Đắk Lắk với các địa phương khác trong vùng Tây Nguyên và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh”. Xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội để tạo cơ hội, động lực cho người nghèo thông qua các chính sách trợ giúp về phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đất đai, tín dụng, dạy nghề, tạo việc làm, khuyến nông và tiêu thụ sản phẩm.
Thứ tám, Rà soát và hoàn thiện Chương trình thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu của thành phố Buôn Ma Thuột giai đoạn 2021 - 2030, tăng cường kiểm soát chặt chẽ, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường đô thị, xử lý ô nhiễm, chú trọng quản lý khai thác nguồn nước ngầm, bảo vệ đa dạng sinh học bảo tồn các khu vực có rừng. Đẩy mạnh và nâng cao các giải pháp cụ thể thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án,... theo hướng tăng cường thanh tra theo chương trình, kế hoạch và giảm thanh tra đột xuất, ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc trong lĩnh vực khai thác đất đai, tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, xử lý vấn đề ô nhiễm rác thải, tài nguyên nước.
Xây dựng, tổ chức trình phê duyệt và thực hiện có hiệu quả quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị đến năm 2030 của thành phố. Xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng hoàn thiện không gian xanh công cộng, không gian xanh ven suối đô thị gắn với việc bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số của các buôn đồng bào khu vực nội thành. Nâng cao năng lực và hoạt động quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất thải tại thành phố và tại các cụm công nghiệp, đẩy nhanh xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung thành phố. Xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn và giám sát biến đổi khí hậu để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, dự báo, cảnh báo trên địa bàn thành phố. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra giám sát các lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đất đai.
Thứ chín, Xây dựng chiến lược tổng thể kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh trong giai đoạn 2021 - 2030; phát triển mô hình công nghiệp lưỡng dụng vừa phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế trong thời bình vừa sẵn sàng chuyển đổi phục vụ quốc phòng, an ninh trong tình huống xung đột, chiến tranh. Thực hiện tốt quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng, an ninh, phân loại, xác định rõ các loại đất quốc phòng, an ninh được phát triển kinh tế; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.
Tập trung xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh theo quy hoạch thế trận quân sự, thế trận phản gián, thế trận an ninh nhân dân trong khu vực phòng thủ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh phù hợp với vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của thành phố, vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bảo vệ an ninh quốc gia, ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các loại đối tượng và tội phạm; chủ động nắm chắc tình hình ngay tại cơ sở, xử lý tốt các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự; không để xảy ra tình huống phức tạp, không để bị động, bất ngờ, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội.
Thứ mười, Thực hiện tốt công tác dân tộc và tôn giáo, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, chú ý nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Duy trì và giữ vững mối quan hệ đoàn kết giữa các cộng đồng dân tộc trên địa bàn. Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác cải cách hành chính, tập trung chỉ đạo, dành nguồn lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hành chính; giảm thủ tục, giảm thời gian và chi phí ở tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là các thủ tục liên quan đến người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước. Tăng cường công tác thanh tra, xử lý sau thanh tra, thanh tra trách nhiệm thủ trưởng của các cấp, các ngành trong các lĩnh vực: tiếp dân, xử lý đơn; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng; quản lý nhà nước về tài chính, đất đai, tài nguyên, môi trường, y tế, giáo dục.
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 176/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 9/7/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết 176/NQ-CP điều chỉnh nhiệm vụ thứ 6, phần II "xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành trọng điểm phát triển khoa học, công nghệ, du lịch, văn hóa của vùng Tây Nguyên" thành “Xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm phát triển khoa học, công nghệ, du lịch, văn hoá của vùng Tây Nguyên”. Không quy định nội dung nhiệm vụ tại mục 4.2 Phụ lục I: “Xây dựng Chương trình nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh Đắk Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột giai đoạn 2021 – 2025.../.
PHAN HUÝNH
Bình luận