Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 08:11
Thứ hai, 27/12/2021 21:12
TMO - Tình hình chung cho thấy, 2021 được đánh giá là năm khó khăn bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với sự nỗ lực vượt bậc, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã nhanh chóng thích ứng, hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2021.
(Ảnh minh họa)
Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường điểm lại 5 sự kiện, hoạt động nổi bật trong năm 2021 của VACNE được nhiều người quan tâm.
Gặp mặt nhân 11 năm Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam
Buổi gặp mặt diễn ra vào ngày 18/3/2021, tại Hà Nội, tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh đã báo cáo những khó khăn, thuận lợi trong công tác đánh giá, công nhận Cây Di sản trong một năm vừa qua, từ đó đưa ra nhiều giải pháp phù hợp để triển khai trong năm tiếp theo.
(Ảnh minh họa)
Cũng trong năm 2021, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã tiếp nhận nhiều hồ sơ từ các địa phương đề nghị công nhận Cây di sản, tuy nhiên phần lớn trong số này chưa đủ điều kiện công nhận. Trong số hơn 10 cây cổ thu được công nhận Cây Di sản Việt Nam năm 2021, cây Đa cổ thụ tại bon B’ Srê B, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong là Cây Di sản đầu tiên tại Đắk Nông. Chính quyền địa phương đã long trọng tổ chức lễ đón bằng công nhận vào ngày 20/4/2021.
Phản biện, góp ý dự thảo Luật
Trong năm 2021, VACNE cử nhiều nhóm các chuyên gia, nhà khoa học tham gia phản biện xã hội, trực tiếp góp ý các Dự thảo điều chỉnh, bổ sung Luật, Nghi định, Thông tư liên quan đến lĩnh vực Tài nguyên thiên nhiên, Môi trường như: Góp ý cho Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; góp ý Dự thảo Nghị định Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Góp ý cho Dự thảo Thông tư về Ứng phó với biến đổi khí hậu…
Tọa đàm “Ứng phó với biến đổi khí hậu và Cop26”
Đây cũng là một trong nhiều buổi tọa đàm được VACNE thực hiện chỉ trong thời gian ngắn. Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhiều diễn giả như: TS. Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; Ông Phạm Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, thành viên Đoàn Việt Nam tại COP26, Phó Trưởng ban Công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu; GS.TS. Trần Thục - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu, Chủ tịch Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam; PGS.TS. Trần Anh Tuấn - Trưởng Bộ môn Quản lý môi trường và Biến đổi khí hậu - Đại học Khoa học Đại học Huế, đại biểu Việt Nam tham dự COP25 (đại diện cho đầu cầu miền Trung); PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường và Phát triển bền vững, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, thành phố Hồ CHí Minh và PGS.TS Nguyễn Hữu Chiếm - Phó Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên Đại học Cần Thơ (đại diện cho đầu cầu miền Nam).
Trong buổi tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ về những kết quả COP26 đạt được, đóng góp của Đoàn Việt Nam tại COP26, đánh giá về các cam kết của COP 26 đối với Việt Nam, những giải pháp ứng phó của Việt Nam đối với biến đổi khí hậu, vai trò của doanh nghiệp sau về biến đổi khí hậu,… Các diễn giả cũng trả lời hàng chục câu hỏi từ các đại biểu liên quan đến quản lý nhà nước, vai trò của các địa phương, các tổ chức khoa học, xã hội và cộng đồng trong việc ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam…
Ngoài ra, từ tháng 8/2021 đến tháng 11/2021, VACNE đã tổ chức thành công nhiều buổi tọa đàm khác, trong đó đáng chú ý là tọa đàm về An ninh môi trường và Phục hồi hệ sinh thái.
Ra mắt Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường (TMO)
Buổi lễ ra mắt được tổ chức vào sáng 19/11/2021 tại Hà Nội theo hình thức trực tuyến. Nhiều đại biểu Trung ương, địa phương cùng đại diện các ban ghành đã tham gia buổi lễ và gửi lời chúc mừng.
Đây là sự kiện trọng đại đánh dấu bước phát triển mới của Hội trong lĩnh vực thông tin truyền thông, sự kiện ra rắt Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường đã đáp ứng nguyện vọng của các thành viên Ban Thường vụ, Ban chấp hành, các chuyên gia, nhà khoa học của Trung ương Hội nói riêng và bạn đọc quan tâm, yêu thích môi trường nói chung.
Phát biểu tại buổi lễ, TS. Nguyễn Ngọc Sinh (Chủ tịch VACNE) hy vọng rằng với chức năng nhiệm vụ được giao, Tạp chí sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của một cơ quan báo chí, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường phát triển bền vững.
Thay mặt Ban biên tập, tòa soạn, Nhà báo Tạ Việt Anh, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường chân thành cảm ơn các thành viên trong Ban Thường vụ, Ban chấp hành Hội, cảm ơn lãnh đạo Hội đã quan tâm, tin tưởng giao trọng trách này đồng thời nêu rõ quyết tâm xây dựng Tạp chí thành khối đoàn kết, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xây dựng và phát triển Tạp chí theo đúng định hướng đã đề ra cho dù còn nhiều khó khăn phía trước.
Phát biểu trong buổi lễ, TS. Phan Xuân Dũng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thật Việt Nam chúc mừng Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường ra mắt bạn đọc đồng thời mong muốn Tạp chí sẽ góp phần bảo vệ thiên nhiên môi trường, định hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững.
TS. Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu nhận định Tạp chí điện tử “Thiên nhiên và Môi trường” gắn với các chuyên trang về môi trường, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ là diễn đàn quan trọng của Hội để công bố các kết quả nghiên cứu khoa học, trình bày các ý kiến tư vấn, phản biện đối với các chủ trương, chính sách, luật pháp của Nhà nước tới các ban, bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp. Đây cũng sẽ là đối tác quan trọng trong việc phối hợp và chia sẽ thông tin với Tạp chí Môi trường của Tổng cục môi trường.
Hội nghị BCH Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam năm 2021
Sự kiện diễn ra vào sáng 8/12, tại Hà Nội. Hội nghị nghe báo cáo tổng kết công tác hoạt động năm 2021, đề ra mục tiêu, nhiêm vụ năm 2022.
Theo đó, trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng VACNE vẫn hoàn thành mục tiêu đề ra nhờ thích ứng linh hoạt, chủ động và sáng tạo trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp.
Trong năm 2022, VACNE tập trung vào những nhiệm vụ chính như: Bảo đảm thời hạn và chất lượng các cuộc họp của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các Ban và các Hội đồng theo đúng Điều lệ Hội; Toàn Hội nỗ lực tìm tòi, sáng tạo cách thức hoạt động phù hợp tình trạng “bình thường mới”; Theo sát, chỉ đạo việc tiến hành Đại hội của Hội Tây Nguyên, đôn đốc các hội địa phương như Nghệ An, Hà Nội,... tiến hành Đại hội thường kỳ;
Tiếp tục vận động thành lập mới các hội ở địa phương như Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thái Bình, Thừa Thiên - Huế, Đắc Nông; Tiếp tục phát huy thế mạnh TV PBXH về tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu. Tăng cường phối hợp, hỗ trợ công tác TV PBXH cho các địa phương có yêu cầu; Thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các hợp đồng, đề tài, nhiệm vụ với Bộ TNMT, Liên hiệp hội VN, với các địa phương Hà Nội, Bình Thuận, Thái Bình, Bà Rịa-Vũng Tàu; Tổ chức nghiên cứu đề xuất, tham gia thực hiện các nhiệm vụ NCKH phù hợp yêu cầu của các ngành, các địa phương và các tổ chức quốc tế và khu vực;
Tổ chức nghiên cứu nhằm hoàn thiện, nhân rộng một số mô hình BVMT thực tiễn do các tổ chức và hội viên VACNE sáng lập liên quan du lịch sinh thái, bảo tồn Cây Di sản, ứng phó sự cố môi trường; Nghiên cứu duy trì, phát triển phương thức trực tuyến để bảo đảm công việc, kể cả các cuộc họp của các ban, các hội đồng và văn phòng của Hội; Lên kế hoạch cố gắng tổ chức Toạ đàm trực tuyến hàng tháng về các vấn đề TNMT mà hội viên và cộng đồng quan tâm; Nghiên cứu tổ chức tiếp Hội thảo khoa học Biến đổi khí hậu toàn cầu và giải pháp ứng phó của Việt Nam lần thứ 7 – Chuyên đề sau COP26;
Phát huy vai trò và tác dụng của trang web Hội cũng như của Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường, phối kết hợp tốt với các ấn phẩm của các hội thành viên; Cố gắng chuẩn bị và biên soạn tối thiểu 01 ấn phẩm về tài nguyên - môi trường, đặc biệt quan tâm cuốn đang thảo luận hợp tác với Viện TNMT Đại học Quốc gia Hà Nội;
Tiếp tục duy trì và phát triển sự kiện Bảo tồn Cây Di sản VN, chú ý mở rộng địa bàn ra 9 tỉnh chưa có Cây Di sản, chú trọng tăng số loài cây được công nhận.
Tổ chức biên soạn và phổ biến tài liệu về chăm sóc sức khoẻ Cây Di sản, vận động các ngành, các địa phương cấp kinh phí thực hiện các đề tài, dự án chăm sóc sức khoẻ Cây Di sản ở địa phương; Thực hiện tốt chức năng đối ngoại nhân dân về TNMT, chú ý phát huy trang tiếng Anh của web Hội, tiếp tục theo rõi việc khử độc dioxin trong đất bằng công nghệ vi sinh Hàn Quốc; Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thiết thực chuẩn bị Đại hội VIII của Hội vào năm 2023 (Tổ chức, nhân sự, truyền thông, hậu cần).
Trước đó, vào cuối tháng 1/2021, Hội nghị Ban chấp hành mở rộng khu vực phía Nam được tổ chức tại TP. HCM. Hội nghị nghe báo cáo tổng kết công tác Khu vực phía Nam trong năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ nam 2021. Theo báo cáo, về cơ bản Văn phòng Thường trực phía Nam đã vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều hoạt động bên lề cũng được tổ chức trong dịp này.
Thảo Phương - Phạm Dung
Bình luận