Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 20:11
Thứ bảy, 06/08/2022 19:08
TMO - Dự thảo sửa đổi Luật Hợp tác xã 2012 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến lần thứ 3. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề xuất giữ nguyên tên gọi là Luật Hợp tác xã thay vì đổi tên thành Luật các tổ chức kinh tế hợp tác.
Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, căn cứ Nghị quyết số 20-NQ/TW, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề nghị Ban soạn thảo thay cụm từ “Tổ chức kinh tế hợp tác bằng cụm từ “Tổ chức kinh tế tập thể”. Tổ chức kinh tế tập thể bao gồm tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Quan điểm đề xuất sửa đổi Luật Hợp tác xã, lấy hợp tác xã là trung tâm để xây dựng khung pháp lý đối với các tổ chức kinh tế tập thể, các tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã... được xác định là hình thức phái sinh của hợp tác xã. Do đó, việc giữ nguyên tên gọi là Luật Hợp tác xã nhưng vẫn đảm bảo bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng đối với các tổ chức kinh tế tập thể là phù hợp.
Ngoài ra, với mô hình liên đoàn hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh cần nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực chuyên ngành theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW, làm cơ sở để xây dựng pháp luật đối với liên đoàn hợp tác xã. Riêng về việc điều chỉnh tỷ lệ góp vốn theo hình thức cổ phần, cụ thể đối với hợp tác xã thành lập mới, vốn góp của cá nhân, hộ gia đình, tổ chức do điều lệ hợp tác xã quy định theo hình thức vốn góp cổ phần. Cùng đó, một số quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 chồng chéo, chưa thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác như Luật các Tổ chức tín dụng; Luật Đất đai hay rất nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện không quy định hợp tác xã tham gia.
HTX Nông nghiệp hữu cơ Bắc Bộ (xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) chăm sóc cây măng tây.
Trước đó, trong quá trình tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự thảo sửa đổi Luật Hợp tác xã, nhiều ý kiến cho rằng, quá trình triển khai Luật Hợp tác xã đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng bên cạnh đó, có 2 yếu tố quan trọng không đạt được, thậm chí bị thụt lùi, đó là, số lượng thành viên tham gia Hợp tác xã giảm và tỷ trọng đóng góp của khu vực này vào GDP ngày càng giảm.
Theo PGS.TS Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), Khu vực kinh tế tập thể đã không đạt được mục đích là “phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, trong đó Hợp tác xã là nòng cốt, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân” đã được đặt ra tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Có nhiều nguyên nhân khiến khu vực Hợp tác xã ngày càng “đuối” so với các thành phần kinh tế khác, trong đó có nguyên nhân Luật Hợp tác xã không còn phù hợp, đặc biệt là chưa bao trùm toàn bộ khu vực kinh tế hợp tác. Bởi trong khu vực kinh tế hợp tác, ngoài Hợp tác xã còn có liên đoàn Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã, liên minh Hợp tác xã và tổ hợp tác. Nếu chỉ sửa đổi Luật Hợp tác xã, kể cả sửa đổi toàn diện, thì vẫn không thể điều chỉnh được tổ hợp tác. Vì vậy, việc thay đổi tên luật không chỉ đơn thuần là đổi tên, mà là bước đột phá với tư duy rất mới.
Quốc Dũng
Bình luận