Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ ba, 26/09/2023 20:09
TMO - Chủ dự án đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung và kết quả tham vấn trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Luật không quy định kết quả tham vấn là căn cứ pháp lý để phê duyệt hoặc không phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự dự án.
Nhiều người thắc mắc, đề nghị hướng dẫn việc xác định đối tượng tham vấn là cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi tác động môi trường do các hoạt động của dự án gây ra; trường hợp kết quả tham vấn mà cộng đồng dân cư không ủng hộ việc thực hiện dự án thì cơ quan có thẩm quyền có phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM hay không?
Điểm a khoản 1 Điều 26 Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ đối tượng tham vấn là cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi tác động môi trường do các hoạt động của dự án gây ra, bao gồm: Cộng đồng dân cư, cá nhân sinh sống, sản xuất, kinh doanh tại khu vực đất, mặt nước, đất có mặt nước, khu vực biển bị chiếm dụng cho việc đầu tư dự án; Cộng đồng dân cư, cá nhân nằm trong phạm vi tác động trực tiếp của nước thải, khí thải, bụi, tiếng ồn, chất thải rắn, chất thải nguy hại do dự án gây ra; Cộng đồng dân cư, cá nhân bị ảnh hưởng do các hiện tượng sụt lún, sạt lở, bồi lắng bờ sông, bờ biển gây ra bởi dự án; Cộng đồng dân cư, cá nhân bị tác động khác, được xác định thông qua quá trình ĐTM.
(Ảnh minh họa)
Liên quan đến phạm vi chịu tác động trực tiếp của chất thải, phạm vi bị ảnh hưởng, tác động khác được Luật giao chủ dự án chịu trách nhiệm xác định và đánh giá thông qua quá trình ĐTM. Bên cạnh đó, tại điểm d và đ khoản 7 Điều 34 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định nội dung thẩm định báo cáo ĐTM có các nội dung sau: “sự phù hợp của kết quả nhận dạng, dự báo các tác động chính, chất thải phát sinh từ dự án đầu tư đến môi trường” và “sự phù hợp của kết quả đánh giá hiện trạng môi trường…; nhận dạng đối tượng bị tác động…”, nên phạm vi tham vấn các đối tượng bị tác động của chủ dự án khi thực hiện ĐTM cũng sẽ được hội đồng thẩm định xem xét, đánh giá và thẩm định trong quá trình thẩm định báo cáo ĐTM.
Trường hợp kết quả tham vấn mà cộng đồng dân cư không ủng hộ việc thực hiện dự án thì cơ quan có thẩm quyền có phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM hay không?
Khoản 5 Điều 33 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định “Kết quả tham vấn là thông tin quan trọng để chủ dự án đầu tư nghiên cứu đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động của dự án đầu tư đối với môi trường và hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường. Kết quả tham vấn phải được tiếp thu, thể hiện đầy đủ, trung thực các ý kiến, kiến nghị của đối tượng được tham vấn, đối tượng quan tâm đến dự án đầu tư (nếu có). Trường hợp ý kiến, kiến nghị không được tiếp thu, chủ dự án đầu tư phải giải trình đầy đủ, rõ ràng.
Chủ dự án đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung và kết quả tham vấn trong báo cáo đánh giá tác động môi trường”. Luật không quy định kết quả tham vấn là căn cứ pháp lý để phê duyệt hoặc không phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM của dự dự án. Theo quy định này, trên cơ sở ý kiến tham vấn cộng đồng dân cư (bao gồm cả các ý kiến không đồng thuận đối với việc triển khai dự án), chủ dự án có trách nhiệm “nghiên cứu đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động của dự án đầu tư đối với môi trường” và “giải trình đầy đủ, rõ ràng các ý kiến không được tiếp thu”. Cùng với việc thẩm định, đánh giá báo cáo ĐTM dựa trên các căn cứ pháp lý và cơ sở khoa học, kết quả tham vấn cộng đồng dân cư là nguồn thông tin quan trọng cung cấp cho hội đồng thẩm định trong quá trình xem xét, thẩm định báo cáo ĐTM của dự án.
THÚY ANH
Bình luận