Hotline: 0941068156
Thứ năm, 09/01/2025 13:01
Thứ tư, 08/01/2025 19:01
TMO – Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 114,59 tỷ USD, tăng 19,8%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 290,94 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,7%.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 12/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 70,53 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng 11/2024 và tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung cả năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%; nhập khẩu tăng 16,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD.
Với xuất khẩu, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2023. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 114,59 tỷ USD, tăng 19,8%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 290,94 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,7%. Trong năm 2024 có 37 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,0%).
Sản phẩm điện tử - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh minh họa.
Với nhập khẩu hàng hoá, tính chung cả năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 380,76 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2023. Theo số liệu thống kê, Mỹ là thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch 119,6 tỷ USD.
Về các nhóm ngành hàng chủ lực, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan (từ 1/1/2024 - 15/12/2024), giá trị xuất khẩu điện thoại và các loại linh kiện của Việt Nam đạt 51,6 tỷ USD, chiếm khoảng 13,3% tổng kim ngạch xuất khẩu với sự đóng góp không nhỏ từ các nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung, Foxconn hay DBG Technology (một trong những công ty sản xuất điện thoại cho Xiaomi). Ngành hàng dệt may năm 2024 cũng đánh dấu sự bứt phá mạnh mẽ với kim ngạch 44 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2023, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu hàng dệt may, sau Trung Quốc và vượt lên Bangladesh.
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 681 tỷ USD, giảm 6,9%, tương ứng giảm 50,25 tỷ USD so với năm 2022. Trong đó xuất khẩu đạt 354,67 tỷ USD, giảm 4,6% (tương ứng giảm 17,05 tỷ USD) và nhập khẩu đạt hơn 326 tỷ USD, giảm 9,2% (tương ứng giảm 33,20 tỷ USD). Như vậy, năm 2023 cả nước xuất siêu 28,3 tỷ USD.
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 466 tỷ USD, giảm 8% (tương ứng giảm tới 40,49 tỷ USD) so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 257 tỷ USD, giảm 6% (tương ứng giảm 16,40 tỷ USD) và nhập khẩu đạt hơn 209 tỷ USD, giảm 10,3% (giảm 24 tỷ USD). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đạt hơn 214 tỷ USD, giảm 4,3% (giảm 9,75 tỷ USD) so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 97,46 tỷ USD, giảm 0,7% (giảm 649 triệu USD) và nhập khẩu là hơn 117 tỷ USD, giảm 7,2% (giảm 9,11 tỷ USD).
Nông, lâm, thủy sản đóng góp lớn trong xuất khẩu năm 2024. Ảnh minh họa.
Năm 2025, Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 10-12% so với năm 2024. Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu ở mức trên 20 tỷ USD. Theo đánh giá, nhận định của cơ quan này, tình hình xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2025 sẽ thuận lợi hơn nhờ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng thương mại toàn cầu đang phục hồi. Trong đó, năm 2025, xuất khẩu dệt may được nhận định có cơ hội tăng trưởng tốt hơn khi thị trường nhập khẩu chính như Mỹ và EU phục hồi kinh tế, nhu cầu chi tiêu của người dân cải thiện. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành này cũng nhìn nhận, Mỹ có thể thực hiện chính sách thuế mới với Trung Quốc lên tới 60%, một số nước từ 10-20%. Việt Nam có thể chịu thêm 10% thuế với hàng hoá xuất khẩu vào thị trường này. Đây là rào cản khá lớn cho dệt may trong năm tới. Bộ Công Thương đề nghị năm 2025 cần tăng cường ứng dụng đổi mới công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, khuyến khích triển khai các kênh thương mại điện tử theo cả mô hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp cũng như doanh nghiệp tới người tiêu.
K. LINH
Bình luận