Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 17:11
Thứ ba, 13/06/2023 07:06
TMO - Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn nhất là tình hình thế giới với lạm phát tăng cao, các chuyên gia tại Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, xuất khẩu thủy sản vẫn có thể phục hồi trong những tháng cuối năm.
Thống kê của VASEP cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt hơn 3,2 tỷ USD, tiếp tục giảm mạnh gần 30% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu từ 10 - 50% tại tất cả các thị trường xuất khẩu chính; trong đó, Mỹ là thị trường giảm mạnh nhất, với hơn 50% so với cùng kỳ, thị trường EU giảm gần 32% và Trung Quốc giảm hơn 25%.
Các mặt hàng chính của xuất khẩu thủy sản Việt Nam đều giảm 2 con số. Trong đó, tôm là mặt hàng bị sụt giảm mạnh nhất, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,2 tỷ USD ; trong đó, tôm chân trắng chiếm 74% đạt khoảng 900 triệu USD, giảm 36%, tôm sú chiếm 15% đạt 180 triệu USD, giảm 29%. Xuất khẩu tôm hùm và các loài tôm biển khác chiếm 11% đạt 134 triệu USD, giảm 41%. Xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đều giảm từ 28 - 50%; trong đó, Mỹ và EU là 2 thị trường giảm sâu nhất, lần lượt 44% và 49%, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 25%.
Xuất khẩu cá tra trong 5 tháng đầu năm nay cũng giảm 30% so với cùng kỳ, đạt 841 triệu USD. Các thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) và Mỹ đều giảm mạnh nhập khẩu cá tra Việt Nam. Xuất khẩu cá ngừ 5 tháng đầu năm nay cũng giảm 31% chỉ đạt 317 triệu USD; trong đó, cá ngừ loin, phile đông lạnh chiếm 52% với 165 triệu USD, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu chế biến (cá hộp và cá chế biến khác) chiếm 47% đạt khoảng 150 triệu USD, tăng nhẹ 7%. Xuất khẩu mực, bạch tuộc có mức giảm nhẹ nhất cũng giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 239 triệu USD.
Số liệu thống kê cho thấy từ cuối năm 2022, xuất khẩu thủy sản đã bắt đầu suy giảm và cho đến những tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản giảm mạnh ở tất cả các thị trường và tất cả các mặt hàng; trong đó, giảm mạnh nhất là mặt hàng tôm. Nửa đầu năm 2023, nhu cầu thị trường tiếp tục suy yếu, nguồn cung vượt cầu. Hai thị trường chính của xuất khẩu thủy sản Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc đã có sự sụt giảm mạnh nhất. Tại thị trường Mỹ, do ảnh hưởng của tình hình lạm phát cao, lãi suất tăng, nhiều ngân hàng tuyên bố phá sản… đã tác động rất lớn đến sức cầu của nền kinh tế và ảnh hưởng đến mức tiêu thụ thủy sản.
Trung Quốc là thị trường được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ phục hồi sớm hơn so với các thị trường khác như Mỹ, EU trong bối cảnh doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đang phải đối mặt với nhiều thách thức hiện tại. Tuy nhiên, theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, 4 tháng đầu năm 2023, thị trường này đã nhập khẩu 1,26 triệu tấn thủy sản, trị giá 5,8 tỉ USD, tăng 6% về lượng và 10% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 363,28 triệu USD, giảm tới 37% so với 4 tháng của năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cá tra và tôm sang thị trường Trung Quốc lại giảm mạnh lần lượt 68% và 30% trong 4 tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc; khủng hoảng khí hậu diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới; tình hình lạm phát tăng cao và các chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ tiếp tục tác động đến kinh tế thế giới trong thời gian tới và gây ra nhiều rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu và những biến động về giá lương thực - thực phẩm. Nhiều dự báo cho rằng nhu cầu thủy sản của các thị trường có thể sẽ còn tiếp tục giảm trong quý III năm nay thay vì phục hồi từ quý III như những dự báo trước đây.
Theo VASEP, mặt hàng có khả năng phục hồi sớm nhất là xuất khẩu cá tra do giá cả phù hợp với người tiêu dùng. Ảnh: VS.
Cùng với những khó khăn từ thị trường, gần đây trong cộng đồng doanh nghiệp có lo lắng về khả năng cạnh tranh với giá thành tôm của Ecuador và Ấn Độ. Ngoài ra là những thách thức về hiệu quả nuôi cá tra khi đối mặt với chi phí thức ăn tăng cao trong khi nguồn giống chất lượng thiếu ổn định. Hay “thẻ vàng” IUU trong hải sản khai thác cũng đang là một hạn chế lớn cho sự tăng trưởng xuất khẩu thủy sản.
VASEP cho biết, với những khó khăn kéo dài ở trên, chưa có cơ sở để chắc chắn mục tiêu xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD năm 2023 có đạt hay không và cũng khó để dự báo trước cho giai đoạn 2023 - 2024. Theo VASEP, mặt hàng có khả năng phục hồi sớm nhất là xuất khẩu cá tra do giá cả phù hợp với người tiêu dùng. Ước tính xuất khẩu thủy sản năm 2023 cố gắng duy trì mức 9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm đạt 3,5 tỷ USD, xuất khẩu cá tra đạt 1,9 tỷ USD và xuất khẩu hải sản đạt 3,6 tỷ USD.
Mục tiêu đặt ra trong nửa cuối năm là tiếp tục giữ được thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn dự báo sẽ phục hồi từ quý III như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Đồng thời, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của doanh nghiệp Việt.
Thu Hằng
Bình luận