Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 13:11
Thứ hai, 17/07/2023 10:07
TMO - Dự báo cuối quý III/2023, xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi ở mức tương đương năm 2022. Đây là cơ sở để ngành thủy sản đạt kế hoạch xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2023.
Theo Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), thị trường xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam - Mỹ được dự đoán sẽ phục hồi từ nửa cuối năm do lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm, nhu cầu phục vụ dịp lễ cuối năm tăng. Điều này giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang nước này kỳ vọng sẽ tăng 40-50% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tại thị trường EU, tiêu thụ cá tra tiếp tục cải thiện và ổn định.Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, dự báo nhu cầu tăng nhẹ từ cuối quý 3.
Ngành thủy sản đang kỳ vọng vào các mặt hàng có lợi thế của Việt Nam như các mặt hàng giá trị gia tăng vẫn có được vị trí tốt tại thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia…là các thị trường ưa chuộng các mặt hàng chế biến sâu của Việt Nam. Ngoài ra, dù các nước Đông Nam Á là các thị trường nhỏ nhưng ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát so với các thị trường lớn thì cũng là các điểm sáng cho các doanh nghiệp có thể kì vọng trong thời gian tới.
Đáng chú ý, giá cước vận tải đường thủy vẫn đang duy trì ở vùng thấp so với đợt cao điểm mùa dịch Covid-19, và với nguồn cung dồi dào tàu và container trong thời điểm hiện tại cũng giúp việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang các thị trường nước ngoài gặp nhiều thuận lợi hơn trong nửa cuối năm.
Những dự báo về tín hiệu phục hồi tại các thị trường xuất khẩu thủy sản chính như Mỹ, EU, Trung Quốc là cơ sở để ngành thủy sản đạt được kế hoạch xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2023.
Bộ NN&PTNT đánh giá, sản xuất và xuất khẩu của ngành thủy sản đang phải chịu nhiều chi phí đầu vào cao, cùng với việc thắt chặt tín dụng và lãi suất tăng cao khiến cho khó khăn về nguồn vốn. Số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt gần 4,2 tỷ USD, vẫn thấp hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hai mặt hàng xuất chính là tôm và cá tra đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với ngành hàng cá ngừ, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 6/2023 giảm 29%, chỉ đạt 64 triệu USD. Lũy kế nửa đầu năm, xuất khẩu cá ngừ chỉ đạt 380 triệu USD, giảm 31% so với cùng năm trước. Xuất khẩu các loại cá biển khác giảm sâu hơn tháng trước với mức giảm 17%, chỉ đạt 157 triệu USD, dù những tháng trước có tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu các mặt hàng khác như mực, bạch tuộc, cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ trong tháng 6/2023 cũng giảm từ 17-30% so với cùng kỳ.
Theo VASEP có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản, trong đó chủ yếu và lạm phát và lượng tồn kho tăng khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu tại các thị trường giảm. Ngoài ra, Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt với các nước sản xuất khác về nguồn cung và giá. Cụ thể, so sánh mức giá thành sản xuất tôm giữa 3 đối thủ cạnh tranh là Việt Nam, Ecuador, Ấn Độ cho thấy, giá thành tôm nuôi của Việt Nam (4,8 - 5 USD/kg) cao gấp đôi so với Ecuador (2,3 - 2,4 USD/kg) và hơn 30% so với tôm Ấn Độ (3,4 - 3,8 USD/kg). Điều này khiến việc tìm kiếm đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm gặp khó khăn.
Bên cạnh những khó khăn từ phía thị trường tiêu thụ kém, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm và cá tra bị sụt giảm lợi nhuận vì giá thức ăn, con giống và các chi phí đầu vào tăng cao, giá thành cao, trong khi giá bán hạ mà vẫn khó tiêu thụ, dẫn đến tồn kho càng khiến cho chi phí đội lên…
Trước những khó khăn từ thị trường xuất khẩu, các ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp gỡ khó cho các doanh nghiệp liên quan đến thị trường Trung Quốc và Mỹ; đồng thời triển khai các giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho ngành thủy sản Việt Nam. Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương cần đôn đốc, hướng dẫn ngư dân gấp rút thực hiện giải pháp khắc phục tình trạng bị thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC); tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm – khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) để đảm bảo nguồn cung phục vụ cho xuất khẩu và đưa ngành thủy sản phát triển theo hướng bền vững.
Hiện thủy sản chiếm 27-28% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Những khó khăn từ thị trường đã chạm đáy và gần đây đã có dấu hiệu khởi sắc từ thị trường, do đó từ nay đến cuối năm, thủy sản phải cố gắng, nỗ lực phấn đấu nhằm đảm bảo tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu của ngành năm 2023.
Để thúc đẩy lượng tiêu thụ tại các thị trường quốc tế, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, tập trung chế biến sâu, đầu tư vào chuỗi giá trị… để duy trì đơn hàng, trong đó, phát triển các loại mặt hàng thủy sản tiện lợi để chế biến sẵn tại nhà, hay hướng tới các loại sản phẩm khô, được chế biến sẵn với mức giá rẻ hơn phù hợp với mức thu nhập thấp. Những nỗ lực này được kỳ vọng sẽ làm thị trường ngành thủy sản sôi động trở lại. Dự báo cuối quý III/2023, xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi ở mức tương đương năm 2022, qua đó giúp ngành thủy sản đạt kế hoạch xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2023.
Vũ Minh
Bình luận